Lâu rồi, không biết từ lúc nào, nỗi lo sợ bị mất lòng, bị trù dập, bị trả thù … đã khiến nhiều người trong chúng ta trở thành những người an phận, bàng quan, hèn nhát.
Dửng dưng với bạo lực học đường cũng là một hình thức tiếp tay cho cái ác hoành hành trong trẻ,
cho sự bất ổn của xã hội. |
Trong một trận bóng chày tại một ngôi trường ở Mỹ, một cô bé bị hội chứng Down trong đội cổ vũ bị một số người chọc ghẹo. Một học sinh phẫn nộ đứng lên phản đối: Hãy để bạn ấy yên! Vậy là các học sinh khác cùng đứng lên ủng hộ cô bé. Trong trận bóng một năm sau đó, khi trận đấu bắt đầu, 5 cầu thủ nam sinh đã giơ tay chào cô bé. Còn người lớn ủng hộ bằng cách đổi tên nhà thi đấu thành “Ngôi nhà của D” (Desiree Andrews là tên cô bé)...
Đọc xong bài viết này của Jenna Birch trên Yahoo News ngày 12.3.2015, chợt nghĩ đến trẻ con Việt Nam, đến bản thân mình và người Việt nói chung.
Con của một người bạn tôi đang học lớp 3. Trong một lần cô giáo chủ nhiệm nghỉ, cô giáo khác dạy thay vào giờ chính tả. Một bạn đứng trên bảng đang rất sợ khi không viết được một cặp từ mà cô giáo đã lặp lại vài lần. Con trai bạn tôi bèn đứng dậy nói: “Cô ơi, cô nên đọc mềm hơn, như thế này… thì bạn ấy sẽ viết được”. Cuối giờ, cô giáo nói với thằng bé: "Em dám sửa tôi".
Vài ngày sau đó, khi đang đợi con ở trường, bạn tôi được nghe mẹ của đứa bé kia kể lại câu chuyện. Chị ấy cảm kích sự can đảm của thằng bé, dám đứng lên bênh vực bạn. Khi bạn tôi hỏi, thằng nhóc bảo, thấy chuyện đó cũng bình thường nên không kể lại cho má. Cậu bé giải thích thêm rằng, vì cô giáo là người miền ngoài, đọc âm hơi cứng, nên bạn không nghe được.
Bạn tôi rất vui và tự hào về con trai mình. Nhưng cũng thoáng nhói tim lo rằng với bản tính nói thẳng nói thật như thế, thằng bé sẽ có thể gặp phải nhiều sự phản đối trong cuộc sống. Một vài đồng nghiệp của tôi cũng chia sẻ sự lo lắng khi con của họ cũng có những biểu hiện thẳng thắn như vậy, dám chỉ ra những sự hành vi không đúng của bạn bè, hay nêu thắc mắc về những hành xử không công bằng hay chưa rõ ràng của giáo viên.
Lâu rồi, không biết từ lúc nào, nỗi lo sợ bị mất lòng, bị trù dập, bị trả thù… đã khiến nhiều người trong chúng ta trở thành những người an phận, bàng quan, hèn nhát. Nói ra một cái gì cũng sợ hoặc lo lắng không biết có “đụng” phải cái gì không, có “chạm” phải ai không, lo sợ những cái đụng-chạm này sẽ đem đến những xui rủi cho bản thân, cho gia đình. Bản thân mình bị đối xử bất công cũng không dám lên tiếng phản đối vì sợ bị trù dập, hay bị đánh, chứ đừng nói tới việc đứng ra bênh vực kẻ yếu. Thậm chí, vì những lý do nào đó mà nhiều người còn vô tình hay cố ý trở thành những kẻ ủng hộ cái sai, cái ác, bạo lực và cho rằng đó là những hành động khôn ngoan để tồn tại.
Tôi đồng ý với PGS - TS Huỳnh Văn Sơn (phát biểu trên báo chí) rằng: Phụ huynh và gia đình, giáo viên và nhà trường, người lớn và xã hội có lỗi rất lớn trong cách hành xử của trẻ con, thanh niên hiện nay. Người ta thường nói, trẻ con như tờ giấy trắng. Lời nói, cách cư xử, phản ứng trước một việc gì đó của chúng ta – những người trưởng thành trong gia đình, trong trường lớp, và trong xã hội đóng vai trò rất lớn – nếu không muốn nói quan trọng, quyết định trong việc định hình nhân cách của trẻ nhỏ. Không thể vô trách nhiệm khi cho rằng bản thân những đứa trẻ hư, có hành vi bạo lực phải chịu trách nhiệm và hình phạt xứng đáng cho hành vi của chúng. Và cũng sai lầm một cách đau đớn, khi cho rằng những đứa trẻ này là thứ bỏ đi.
Tôi cũng đồng ý với nhiều phụ huynh khác hình như từ lâu rồi việc dạy trẻ con giống như luyện thành những cái máy được lập trình làm sao thì phản ứng như vậy, từ chuyện học hành đến cách cư xử. Làm bài theo mẫu, nói theo khuôn đã được chỉ dạy, học hành và cư xử phải “an toàn”, “khôn ngoan”, phải “lấn át” … thì mới tồn tại (chứ không phải để sống) và phát triển.
Con người làm nên xã hội, và sống trong xã hội. Khi con người bất an, thì rõ ràng xã hội sẽ bất ổn.
Gần đây, tôi thấy vui khi báo chí, các trang xã hội trực tuyến đã thông tin liên tục và đưa ra thảo luận về những bất cập trong đạo đức và hành vi của người trẻ tuổi Việt Nam và những ý kiến, phát biểu đúng đắn được nhiều người ủng hộ. Hy vọng rằng, nếu người lớn chưa làm được gì cho trẻ con trong xã hội; thầy cô giáo chưa có được những cuốn sách giáo khoa dạy học sinh làm người, thì ít nhất mỗi người chúng ta sẽ làm gương và mạnh dạn tự giáo dục con em, học sinh của mình suy nghĩ và cư xử một cách đúng đắn, thẳng thắn để chúng được sống, phát triển, và tự hào là những người đàng hoàng và tử tế, những con người thật sự.
Bình luận (0)