|
Theo báo cáo trên chuyên san Nature Neuroscience, các cuộc thí nghiệm trên chuột cho thấy có thể cấy những ký ức sợ hãi vào não chuột, và những ký ức này được sắp xếp để liên kết với một mùi hương cụ thể. Theo tờ Independent, các chuyên gia của Trường Y Emory ở Atlanta (Mỹ) đã cho chuột đực ngửi mùi acetophenone, giống hương hoa anh đào, trong lúc chích điện chúng. Kết quả là các đối tượng thể hiện sự sợ hãi mỗi khi hít phải mùi acetophenone. Không dừng lại ở đó, các chuyên gia bất ngờ phát hiện nỗi sợ đó có thể truyền sang các thế hệ sau thông qua các thay đổi hóa học ở tế bào tinh trùng của con đực.
Trong các cuộc thí nghiệm, đời con và đời cháu của chuột đực sợ mùi acetophenone cũng có dấu hiệu tương tự. Sự di truyền này ắt hẳn đã được chuyển giao qua con đường tinh trùng, do chuột cha không được phép tiếp xúc với hậu duệ. Các cuộc thí nghiệm sau đó, bao gồm thụ tinh nhân tạo phôi chuột bằng kỹ thuật IVF, đã xác nhận nỗi sợ hãi nhiều khả năng được truyền qua tinh trùng của chuột. Cơ chế di truyền đặc biệt này đã diễn ra dưới dạng thay đổi biểu sinh ở protein bao quanh ADN của tế bào tinh trùng. Phát hiện mới đã khiến các chuyên gia phải đặt câu hỏi rằng liệu tình trạng di truyền “ký ức tổn thương” cũng có thể diễn ra tương tự ở người. Ví dụ, liệu các cựu binh bị chấn thương tâm lý trong chiến tranh có thể chuyển giao trải nghiệm kinh hoàng sang đời con, thậm chí đến đời cháu?
Tờ The Independent dẫn lời Trưởng nhóm nghiên cứu Kerry Ressler, Giáo sư tâm thần học của Trường Y Emory, cho biết ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy cái mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ vô cùng phức tạp. Các giao tử (trứng và tinh trùng) nhiều khả năng hoạt động theo kiểu lưu trữ càng nhiều càng tốt các thông tin từ đời bố mẹ để truyền lại cho con cái. Và từ cuộc nghiên cứu trên, có khả năng những gien chứa những trải nghiệm đau lòng có thể truyền đến đời sau. Nghiên cứu của Mỹ cũng đã ủng hộ một giả thuyết bị nghi ngờ lâu nay được gọi là “sự thừa hưởng các tính cách thu thập được”, do chuyên gia Jean-Baptiste Lamarck đưa ra vào cuối thế kỷ 18. Ông Lamarck cho rằng các sinh vật có thể di truyền những điểm đặc trưng của cơ thể đã hình thành trong quá trình sống của chính mình sang hậu duệ, chẳng hạn như hươu cao cổ tiến hóa theo hướng cổ mọc dài để vươn đến những đọt lá cao nhất trên cây. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị phá sản trước thuyết chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin. Sau gần 3 thế kỷ, cuối cùng đã xuất hiện báo cáo cho thấy có thể tồn tại một dạng nào đó của học thuyết Lamarck trong tự nhiên, và là kết quả của các ảnh hưởng trực tiếp của môi trường đến sự thay đổi biểu sinh của ADN sinh vật.
Từ cuộc nghiên cứu trên, các chuyên gia rút ra kết luận rằng “những trải nghiệm từ đời ông cha trước khi thụ thai” có thể ảnh hưởng đến hành vi của người trưởng thành. Đặc biệt khi các trải nghiệm này có liên quan đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương, ám ảnh và sợ hãi. Giáo sư Marcus Pembrey của Đại học Cao đẳng London (Anh) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc nghiên cứu do nó cung cấp chứng cứ thuyết phục về sự chuyển giao sinh học của “ký ức đáng sợ” xuất hiện ở thế hệ trước. “Tôi cho rằng chúng ta sẽ không thể hiểu được lý do đằng sau sự gia tăng của các trường hợp rối loạn thần kinh hoặc xu hướng béo phì, tiểu đường... nếu không tiếp cận theo hướng đa thế hệ như cuộc nghiên cứu trên đã chỉ ra”, ông Pembrey kết luận.
Hạo Nhiên
>> Người dùng Twitter: Ít gặp stress
>> Giúp con vượt qua stress
>> Chặn đứng stress để đẹp hơn
>> Giảm chất lượng sống vì stress
>> Phụ nữ stress vì công việc nhiều hơn nam giới
>> Người bị stress dễ mắc đái tháo đường
>> Dấu hiệu cảnh báo stress
>> Ảo cũng cần xả stress
Bình luận (0)