Nơi sự sống được hồi sinh

27/02/2015 05:12 GMT+7

Đếm từng giọt sữa, lắng nghe từng nhịp thở, không chỉ có ở ông bố bà mẹ đối với con mình, mà còn là cảm xúc của các thầy thuốc khi chăm sóc những bệnh nhi.

Đếm từng giọt sữa, lắng nghe từng nhịp thở, không chỉ có ở ông bố bà mẹ đối với con mình, mà còn là cảm xúc của các thầy thuốc khi chăm sóc những bệnh nhi.
 
Chăm sóc cho bé bị đẻ rơi - Ảnh: Ngọc ThắngChăm sóc cho bé bị đẻ rơi - Ảnh: Ngọc Thắng
Cứ 8 giờ sáng, các điều dưỡng của Phòng điều trị sơ sinh, Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, lại tất bật với với tã, bỉm của bệnh nhi.
Tỉ mỉ, nhẹ nhàng
Hôm chúng tôi đến, trước khi thay bỉm cho bệnh nhi H.Đ.T (13 ngày tuổi), điều dưỡng Thúy Dung nhẹ nhàng tháo từng chiếc bỉm căng phồng nước tiểu của bé, cẩn trọng đặt lên chiếc cân, chỉ số cho biết “sản phẩm” đặc biệt này nặng 65 gr, rồi chị lúi cúi ghi chép vào sổ (đo lượng nước tiểu để biết được thận bệnh nhi hoạt động bình thường hay bất thường), sau đó tắm cho bé.
Theo điều dưỡng Dung, bé T. đang được chăm sóc đặc biệt bởi cháu sinh non, chào đời chỉ nặng 950 gr, còn bị suy hô hấp, phải thở máy. “Ngày đầu, bé yếu ớt nên chỉ có thể lau cơ thể bằng nước ấm. Hai tuần nay bé đã khá lên rõ rệt, giờ đã nặng 1,5 kg, mỗi bữa đã ăn được 5 ml sữa rồi”, chị Thúy Dung phấn khởi.
“Với các bé như T., bữa ăn phải tính rất kỹ lưỡng. Khởi đầu có khi chỉ 1/2 ml sữa bơm vào dạ dày để cho hệ tiêu hóa non nớt làm quen và vận hành. Sau đó, lượng sữa mới được nâng lên dần. Để bé T. có thể ăn được 5 ml sữa cho mỗi bữa với 8 bữa trong ngày như hôm nay phải qua nhiều lần điều chỉnh từng mi li lít sữa mỗi ngày”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), chia sẻ.
Trong Phòng điều trị sơ sinh còn có bệnh nhi khác là bé Nguyễn Văn An, nhập viện trong tình trạng cấp cứu, nguy kịch và hoàn cảnh khá éo le. Buổi sáng trước nhập viện một ngày, hai mẹ con bé An được người dân phát hiện đang nằm lả trong một lùm chuối. Mẹ của An đẻ rơi bé ngay tại đây, mấy giờ sau mới được người dân phát hiện trong tình trạng mẹ yếu ớt, suy kiệt còn bé An rất nguy kịch, toàn thân tím tái. Bé được đưa vào BV Nông nghiệp, rồi chuyển đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai. “Lúc vào, An tím tái, suy hô hấp, thân nhiệt hạ thấp còn 35oC. Hạ thân nhiệt là một trong những tình huống đe dọa tính mạng, các điều dưỡng phải nỗ lực để nâng thân nhiệt, chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt, cứu sống bé An”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Qua những ngày đầu đời khó khăn nhất, nằm gọn trong vòng tay của cô điều dưỡng Lệ Huyền, giờ đây An đã tự bú hết 80 ml sữa. Được vệ sinh sạch sẽ, thay bỉm tã mới, ấm bụng, An ngủ ngon trong vòng tay của điều dưỡng Huyền. Nhẹ nhàng đặt bé vào chiếc lồng có lót đệm sạch sẽ, điều dưỡng Huyền tâm sự: “An là tên của bé được các bác sĩ ở BV Nông nghiệp đặt. Tất cả mọi người cùng có một mong muốn cuộc sống của bé sẽ được bình an”.
“Đến hôm qua 26.2, bé An đã ổn định, ăn ngủ đều. Mẹ bé An 33 tuổi, đẻ rơi chỉ có một thân một mình. Có một người đàn ông 58 tuổi đã vào tận khoa, xưng là bố của bé An, có để lại số điện thoại liên lạc. Nhưng khi gọi để thông báo tình hình của bé đã khỏe mạnh, sắp được ra viện, ông ta lại từ chối không nhận con. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây vẫn chăm sóc, vỗ về cho bé từng ngày, từng giờ”, bác sĩ Bích Hảo, người tham gia chăm sóc, điều trị cho bé An nói.
Chăm cả thai phụ
Phần lớn các bé sơ sinh nằm ở Khoa Nhi (BV Bạch Mai) đều mang bệnh nặng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy thận, ung thư, đái tháo đường… Các bệnh nhi trong tình trạng yếu ớt, cần chế độ chăm sóc, điều trị rất đặc biệt về dinh dưỡng, vệ sinh cũng như chế độ thuốc.
“Có trường hợp chúng tôi tiếp nhận bé gái được sinh ra từ bà mẹ có bệnh lý rất nặng, phải uống thuốc trong suốt quá trình mang thai, khiến thai nhi cũng bị ảnh hưởng bởi 14 - 15 loại thuốc. Với trường hợp như vậy, điều dưỡng, bác sĩ phải theo dõi rất sát sao các chức năng thận, gan, tim mạch để phát hiện kịp thời các tình huống nguy hiểm”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết. Những ngày giáp tết vừa qua, khoa này còn tiếp nhận một bệnh nhân chưa đầy 15 tuổi bị viêm não trong lúc đang mang thai ở tuần thứ 38. Thai phụ bé bỏng không muốn hợp tác với bác sĩ, chỉ nằm yên lặng, miễn cưỡng giao tiếp. “Chúng tôi cùng các bác sĩ sản khoa cùng theo dõi sức khỏe của sản phụ thuộc lứa tuổi bệnh nhi này đến khi sinh con an toàn”, các bác sĩ chia sẻ.
Mỗi bệnh nhi là một tình huống khác nhau dù bệnh có giống nhau, do đó, bác sĩ, điều dưỡng hết sức tỉ mỉ khi khám và chăm sóc các cháu. Các điều dưỡng, bác sĩ ở đây nói rằng: “Điều trị không chỉ là kê đơn mà còn là sự sẻ chia nâng đỡ người bệnh, dù bệnh nhi chỉ vài giờ tuổi. Các bệnh nhi đều có thể cảm nhận được tình cảm của bác sĩ, điều dưỡng, dù các bé không nói thành lời”.
* Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc VN, hôm qua ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cùng các thành viên của đoàn đã đến thăm, dự lễ kỷ niệm tại BV Đại học Y Dược TP.HCM.
Chiều 26.2, ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, dẫn đầu đoàn đại biểu TP đến thăm, chúc mừng các thầy thuốc hiện sống trên địa bàn TP, trong đó có BS Đoàn Thúy Ba, Anh hùng Lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; lương y Lê Văn Chánh, nguyên Phó chủ tịch Hội Hậu môn - trực tràng VN.
Ngày 26.2, BV Nhi T.Ư và BV Việt - Đức khánh thành tòa nhà kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, mở rộng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật hiện đại. Theo PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư, đến tháng 6.2015, sau khi hoàn thành BV sẽ có 1.400 giường, bệnh nhân không còn nằm ghép. Tại BV Việt - Đức, tòa nhà 11 tầng đi vào hoạt động nâng tổng số giường bệnh từ 1.100 lên 1.450 giường và 40 phòng mổ.
Cũng trong ngày 26.2, Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức lễ khánh thành và đưa BV Bà Rịa (P.Long Tâm, TP.Bà Rịa) vào hoạt động. Bác sĩ Trương Văn Kính, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết với tổng mức đầu tư lên đến 2.000 tỉ đồng, BV Bà Rịa đã được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế tiên tiến.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.