Để rồi sau bao nhiêu năm, khi đã bôn ba khắp nơi và về lại quê nhà, thì TP.HCM trong tôi vẫn là những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm tuyệt vời mà tôi đã nhận được ở thành phố này.
Ngày ấy, người Sài Gòn đọc báo giấy nhiều lắm và đâu đâu cũng thấy sạp báo, khắp các quán cà phê không thiếu người đọc báo. Mới vào Sài Gòn như tôi, cũng đã được bà con khuyên nên mua báo nào để đọc. Để rồi, tôi “nghiện” báo giấy lúc nào không hay. “Nghiện” đến độ ngày nào cũng mua 1 tờ báo để đọc và còn “đọc ké” những tờ báo khác ở các sạp báo. Tôi mất chiếc xe đạp còn mới toanh sau 1 tháng ở TP.HCM cũng chỉ vì “ham” đọc báo. Thôi thì, đó là một bài học vì do mình bất cẩn, không khóa, chứ trách được ai. Tôi tự khuyên chính tôi vậy.
Những tháng ngày ở TP.HCM là những mong đợi thời gian trôi thật nhanh đến cuối tuần để tôi được nghe chương trình Làn sóng xanh. Hồi hộp theo dõi bảng xếp hạng các ca sĩ, các bài hát và từ đó thêm yêu nhiều ca khúc trữ tình, sâu lắng. Ở thành phố này, việc gì cũng đi trước và trong lĩnh vực giả trí thì có lẽ cũng là số 1 của cả nước. Nghe xong chương trình, tôi còn đạp xe từ Thanh Đa đến tận nhà sách Nguyễn Văn Cừ để mua băng đĩa của những ca sĩ đang đứng đầu bảng xếp hạng. Những con đường rợp bóng cây xanh như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần,…đã làm tôi thêm yêu thành phố này.
Đó còn là những tháng ngày đón xe buýt từ sáng sớm trước chợ Bà Chiểu hoặc trước Bến xe Miền Đông để kịp giờ thi tại cơ sở của Đại học Quốc gia TP.HCM (Linh Trung, Thủ Đức). Sinh viên sống xa nhà như tôi mới biết thế nào là “canh toàn quốc”, “nước nắm đại dương”, “viêm màng túi”.
|
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng thật vui vì tôi đã học được quá nhiều điều trong thời sinh viên ấy. Được những thầy cô chỉ bảo tận tình, thêm cái sự cần cù, chịu khó của người miền Trung và thật sự, tôi cảm ơn vì đã có được môi trường sống, môi trường học tốt để vẫy vùng, để trải nghiệm.
Nhắc đến TP.HCM, không thể không kể đến nghĩa tình của người ở thành phố này. Cảm ơn, xin lỗi luôn “thường trực” với mỗi người và “lây” sang những người nhập cư, người mới đến. Cứ như thế, nó lan tỏa khắp nơi và những quán cơm 2.000 đồng, những chương trình cứu trợ cho đồng bào miền Trung là minh chứng rõ ràng nhất về tình người, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, về tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Người Sài Gòn cứ “cho” đi mà dường như không hề nghĩ đến việc “nhận” lại.
|
TP.HCM là nơi để học hỏi và phát triển bản thân, sự nghiệp và hơn 10 năm trở thành giảng viên, dường như ngày nào tôi cũng động viên các bạn trẻ nếu có học tiếp thì nên chọn thành phố này. Bởi vì, tôi đã trải qua và tôi tin với sự năng động của tuổi trẻ, các em sinh viên của tôi sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ở vùng đất mới. Rồi sau đó, các em lại quay về quê nhà cũng không có gì là muộn. Học để khởi nghiệp, học để đổi mới, sáng tạo,…nên đến TP.HCM vì chỉ cần vài bước chân cũng đã có thêm điều để học.
Sẽ là thiếu sót nếu viết về TP.HCM mà không nhắc đến chuyện triều cường, kẹt xe. Có lẽ, ai từng đặt chân đến nơi đây đều gặp phải nhưng theo tôi, đó là điều có thể xử lý được, khắc phục được. Bất tiện có, stress có nhưng tôi vẫn thấy mình lại học được nhiều điều trong những tình huống như vậy.
Viết về Sài Gòn - TP.HCM, với tôi, chẳng biết bao giờ là hết, là đủ. Tôi chỉ biết rằng, Sài Gòn luôn có trong suy nghĩ của tôi và mỗi khi có dịp trở lại thành phố này, tôi thấy mình như được trở về nhà. Thật lòng mong ước thành phố này ngày một phát triển và luôn là nơi để nhớ về của những người đã xem đây là quê hương như tôi.
|
Bình luận (0)