Nhớ mãi ngày theo bà nội họp tổ dân phố
Lúc đó tôi mới 7 tuổi. Nay đã U40 nhưng trong thẳm sâu miền ký ức, tôi nhớ như in lần được bà nội dẫn đi theo họp tổ dân phố năm 1994. Sau khi nghe cán bộ ấp báo cáo về kế hoạch cũng như lợi ích của việc hòa lưới điện, bà nội tôi phát biểu ý kiến nhất trí và tiên phong hiến đất trồng cột điện trên khuôn viên đất nhà để lưới điện được thông suốt toàn tuyến liền mạch liên ấp, liên xã.
Cột điện chôn trên phần đất của bà nội hiến năm xưa
ẢNH: TGCC
Là một người nhiệt tình tham gia các công tác phụ nữ của xã kể cả trong đạn bom chiến tranh cũng như trong thời bình, bà nội tôi đều góp phần nhỏ của mình trong các phong trào dân vận. Bà cùng các đồng chí lão thành cách mạng của xã vận động bà con có đường điện đi qua phần đất nhà mình đồng ý hiến đất trồng cột điện, để lưới điện được liền mạch, thông tuyến đúng kế hoạch. Chính nhờ vào tinh thần đồng lòng, chung sức của nhà nước và nhân dân cùng làm đã đem lại kết quả đồng thuận của bà con trong việc hiến đất trồng cột điện. Bà con ra về mà lòng đầy phấn khởi vào niềm tin một ngày gần nhất sẽ có điện.
Và rồi điện đã được kéo đến từ nhà. Ánh sáng leo lét từ những ngọn đèn dầu đã lùi vào quá khứ để thay vào đó là ánh sáng của đèn điện. Bà con quê tôi có thể nghe trọn vẹn những bài ca cổ cải lương mà không bị tắt giữa chừng vì hết bình ắc quy; những cánh đồng đậu phộng xanh mướt được tưới đủ nước từ những chiếc mô tơ điện thay cho máy dầu cũ kỹ.
Ánh sáng niềm tin và sự đổi thay của một xã anh hùng
Có điện, diện mạo xã nhà đã đổi thay từng ngày. Dọc theo các tuyến đường liên ấp, liên xã, khu vui chơi thể thao tại trung tâm văn hóa xã… đều có đèn chiếu sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt. Khi đời sống khấm khá hơn, nhu cầu sử dụng điện của người dân nhiều hơn, nhất là mùa nắng nóng trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên. Và cũng từ đó, tại các buổi họp tổ dân phố, bà con được tuyên truyền tiết kiệm điện để thành thói quen tích cực trong việc sử dụng năng lượng, vừa "ích nước, lợi nhà" vừa chia sẻ cho nhiều người cũng có điện để xài.
Bà nội tôi tên Nguyễn Thị Vẹn (1925 - 2001). Năm 1997, bà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường liên ấp trong xã nhà được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động hỗ trợ xi măng cùng nguồn kinh phí của chính quyền địa phương và nhân dân đóng góp để nâng cấp mở rộng, bê tông hóa, nhựa hóa cùng với công trình chiếu sáng 2 bên đường. Từ đây, chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền thông tin các chương trình như tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường xanh trên đài truyền thanh của xã mỗi ngày 2 buổi sáng và chiều. Ngoài ra, việc tuyên truyền còn qua các cuộc họp chi bộ, tổ, hội nhóm Zalo, Facebook để các cán bộ luôn gần gũi, chủ động lắng nghe ý kiến người dân nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay xây dựng xã quê tôi trở thành xã nông thôn mới nâng cao và góp phần xây dựng các công trình bền vững tại nông thôn.
Tuyến đường bích họa - công trình thanh niên của Đoàn xã Mỹ Hạnh Nam
ẢNH: TGCC
Có thể kể đến những đóng góp của các bạn trẻ Đoàn Thanh niên và chị em ở Hội Phụ nữ xã tôi đã tích cực tuyên truyền thông qua những hoạt động cụ thể, có ý nghĩa. Như trên tuyến đường bích họa - trục chính của ấp Mới 1, ngang qua các trụ sở nhà văn hóa xã, trạm y tế và trường tiểu học Nguyễn Thị Hạnh được Đoàn Thanh niên của xã chủ động ra quân "Ngày chủ nhật xanh" để dọn vệ sinh, thu gom rác thải, trồng cây xanh và chăm sóc tưới cây, hoa. Chung tay xây dựng "con đường xanh", các bạn đoàn viên thanh niên trong xã cùng các ban ngành đoàn thể tuyên truyền người dân về kế hoạch thực hiện các công trình đường bê tông, đường nhựa tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Không chỉ vậy, các bạn trẻ năng động này còn ra quân xóa các biển quảng cáo gây mất vẻ mỹ quan trên cột điện và thay thế bằng những hình ảnh xinh đẹp mang ý nghĩa về việc tuyên truyền tiết kiệm điện, giữ gìn vệ sinh chung, lồng ghép mô hình "cột điện nở hoa" nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường qua từng hình ảnh minh họa.
Hội Phụ nữ xã cũng tham gia với nhiều "mô hình xanh" ý nghĩa như: hàng rào cây xanh, đoạn đường phụ nữ tự quản, tuyến đường hoa, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, mô hình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, mô hình đổi rác thải nhựa lấy vỏ xách được đông đảo hội viên hưởng ứng, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phủ xanh các tuyến đường dân sinh liên ấp, liên xã.
Có thể nói, kể từ ngày được hòa lưới điện, đời sống vật chất và tinh thần bà con lối xóm quê tôi được cải thiện rõ rệt. Diện mạo quê hương một xã anh hùng ngày càng văn minh giàu đẹp.
Bình luận