Chứng khoán sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục; các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cường mua USD với lý do chuyển lợi nhuận về nước khiến dấy lên lo ngại, vốn ngoại đang rút khỏi VN. Nhưng theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia kinh tế ngày 25.8, VN sắp sửa bước qua thời kỳ bất định bắt nguồn từ suy thoái kinh tế Trung Quốc và trở thành nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão khu vực.
Nếu nhìn trên toàn cục, nhận định này là có cơ sở. Đầu tiên là việc điều chỉnh tỷ giá liên tiếp 2 lần trong tháng 8 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vốn được coi là nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại lo ngại vốn đầu tư cũng như giá trị tài sản của họ mất giá và chỗ này chỗ kia có những thông tin nói về chuyện rút vốn.
Tất nhiên khi tỷ giá biến động, nhà đầu tư ngoại sẽ phải cân nhắc. Cân nhắc ở đây là so sánh với mức độ phá giá đồng tiền của các nước khác. Mà tính từ đầu năm tới nay, so với USD, đồng tiền của các nước có mức giảm giá khá mạnh. Chẳng hạn BRL (Brazil) giảm 30,6%, euro giảm 11,4%, NZD (New Zealand) giảm 19,5%, CAD (Canada) giảm 13,6%, AUD (Úc) giảm 11,2%, MYR (Malaysia) giảm 10,9%, IDR (Indonesia) giảm 9%, ARS (Argentina) giảm 8,7%, KRW (Hàn Quốc) giảm 7,2%, THB (Thái Lan) giảm 6,5%...
Cân đối trên các con số này, có thể thấy mức độ phá giá của VN không quá lớn và NHNN vẫn đang kiểm soát tốt. Trong báo cáo “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN” được công bố hôm qua bởi Ngân hàng ANZ cũng nhận định kinh tế VN đang chắc chắn và ổn định. Đợt giảm giá tiền đồng vừa qua của VN là nhằm mục tiêu đảm bảo một nền kinh tế đang vững mạnh sẽ không bị suy yếu về khả năng cạnh tranh thương mại do sự không tương xứng về tỷ giá.
Bên cạnh đó, các chỉ số vĩ mô của chúng ta như lạm phát thấp, chính trị ổn định, môi trường đầu tư đang được nỗ lực cải thiện cũng là điểm cộng so với nhiều nước trong khu vực. Nên theo nhiều chuyên gia, khả năng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là rất ít, thậm chí không loại trừ họ đẩy mạnh mua vào USD là để đầu cơ.
Với chứng khoán cũng tương tự, chứng khoán VN cũng trải qua những ngày sụt giảm liên tiếp, cũng mất điểm kỷ lục trong ngày thứ hai đen tối như chứng khoán toàn cầu và chắc chắn không tránh khỏi các phiên mất điểm nữa nếu chứng khoán thế giới lại rơi vào cơn địa chấn. Nhưng những tác động này đa phần là tâm lý.
Có 2 lý do, thứ nhất, thị trường chứng khoán trong nước chưa liên thông với thế giới. Thứ hai, chứng khoán chỉ thực sự lao dốc nếu đang ở giai đoạn bong bóng giá trị. Mà điều này đã xảy ra với chứng khoán VN từ năm 2007 - 2008. Sau khi sụt giảm mạnh thì suốt mấy năm qua và tính từ đầu năm tới nay, thị trường vẫn luôn ở trạng thái đi chậm. Theo nhận định của nhiều quỹ nước ngoài, giá cổ phiếu ở VN đang rẻ so với các nước trong khu vực. 2 phiên gần đây nhất kể từ sau ngày đen tối của chứng khoán toàn cầu 24.8, thị trường trong nước đã tăng điểm trở lại.
Theo tính toán của Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (HSC), chỉ trong vòng 1 tháng, chứng khoán VN đã giảm khoảng 18% giá trị; cùng với những chính sách mới như nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài; giảm thủ tục hành chính... thì đây là thời điểm tốt để mua vào.
Warren Buffett, nhà đầu tư tài chính thiên tài, có câu nói nổi tiếng: khi người ta sợ hãi, thì mình phải tham lam. Thị trường đang sợ hãi. Nỗi sợ hãi tâm lý và cả nỗi sợ hãi chiến lược. Nhưng nếu tỉnh táo và nhìn trên toàn cục diện kinh tế trong nước và các nước trong khu vực, nói VN là nơi trú ẩn an toàn của các dòng vốn là hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước phải hết sức tỉnh táo để không bán tháo cổ phiếu, gây thiệt hại cho chính mình.
Bình luận (0)