Các kỹ sư ngành y sinh tại Đại học Duke (Mỹ) đã dùng sóng xung kích để thử nghiệm hiệu suất của một số mẫu nón cối thời chiến tranh thế giới lần 1 và mũ tiên tiến của Mỹ, theo AFP.
Tác giả nghiên cứu Joost Op 't Eynde cho biết: “Chúng tôi phát hiện tất cả các nón cối đều giúp bảo vệ đáng kể trước những vụ nổ. Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các nón cối 100 năm tuổi cũng tốt như thời hiện đại".
"Thật sự thì một số nón cối trong chiến tranh thế giới lần 1 tốt hơn nón thời nay”, ông Eynde lưu ý.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí PLOS ONE, cho thấy nón cối "Adrian" của Pháp thời chiến tranh thế giới lần 1 tốt hơn loại mũ hiện đại của Mỹ nếu so về chức năng bảo vệ trước vụ nổ cao trên đầu.
|
“Đây là nghiên cứu đầu tiên nhằm đánh giá khả năng bảo vệ của những chiếc nón cối trong lịch sử", ông Eynde nói.
Nhóm nghiên cứu đồng thời thử nghiệm nón cối mẫu "Brodie" trang bị cho lính Mỹ và Anh; "Adrian" cùng "Stahlmus" của Đức trong chiến tranh thế giới lần 1 để so sánh với những chiếc mũ tiên tiến của Mỹ.
Các cuộc thử nghiệm được tiến hành trên hình nộm chịu tác động của sóng xung kích với cường độ khác nhau tương đương với vụ nổ của đạn pháo.
|
"Mối đe dọa đối với binh sĩ đội nón cối “Adrian” (Pháp) năm 1915 là thấp hơn tất cả loại mũ được thử nghiệm, bao gồm những chiếc tiên tiến của Mỹ", nhóm nghiên cứu lưu ý.
Phần chỏm trên đỉnh giúp nón cối Pháp làm chệch hướng sóng xung kích, theo nghiên cứu.
Ông Eynde nói: "Với tất cả nhiều vật liệu hiện đại và khả năng sản xuất thời nay, chúng ta có thể cải tiến thiết kế nón cối giúp bảo vệ binh sĩ tốt hơn 100 năm trước".
Bình luận (0)