Năm 1992, Trần Anh Sơn từ Hà Nội vào TP.HCM trong những ngày hè oi bức nhưng tìm mãi không mua được chiếc mũ che nắng vừa ý, nên anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hà nảy ra ý định kinh doanh mũ nón. Khi ấy, chị Thu Hà là tiếp viên hàng không, phụ trách nhập hàng từ Hàn Quốc, còn anh Sơn đi bỏ mối, ký gửi vào các tiệm bán quần áo.
Sau 3 năm chỉ nhập hàng về bán, quan sát thấy người tiêu dùng có nhu cầu mẫu mã đa dạng hơn, vợ chồng Trần Anh Sơn quyết định đầu tư sản xuất. Trần Anh Sơn lấy tên mình làm thương hiệu sản phẩm Nón Sơn, tự thiết kế logo mô phỏng hình ảnh 2 chiếc nón úp vào nhau rồi đi đăng ký thương hiệu từ năm 1996.
Khi mới ra đời, Nón Sơn chỉ sản xuất nón vải cho nữ. Đó cũng là nguyên nhân nhà sáng lập và vợ chọn màu hồng làm nhận diện thương hiệu, nhằm thể hiện sự nhẹ nhàng, thuần túy trong sản phẩm. Đến năm 2007, Chính phủ quy định người lái xe bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, lúc này Nón Sơn tìm hướng đi mới: sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng cao. Mũ bảo hiểm Nón Sơn được khách hàng đón nhận sử dụng thường xuyên. Nón Sơn cũng đa dạng hóa thêm sản phẩm nón phớt, nón vành, nón kết, nón jaket, nón len đan tay… Và Nón Sơn bây giờ tiếp tục nổi tiếng là thương hiệu mũ nón thời trang với mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng, phù hợp cho đa dạng độ tuổi của người tiêu dùng, từ trẻ em đến bậc cao niên.
Nghĩ và đến - Nón Sơn mới thành công
Gặp gỡ, chuyện trò với Trần Anh Sơn thật thú vị. Sự tinh tế và tâm huyết với Nón Sơn - "đứa con tinh thần" của anh cuốn hút trong mỗi câu chuyện, từ ngày đầu ra mắt sản phẩm cho đến những năm tháng thành công với triết lý kinh doanh rất riêng.
"Lâu nay nhiều người biết Nón Sơn là thương hiệu nổi tiếng nhưng cũng có nhiều người cho rằng ông chủ Nón Sơn kín tiếng quá", chúng tôi chia sẻ. Nhà sáng lập Nón Sơn chân tình: "Dù Nón Sơn có một chút thành công nhất định, nhưng tôi thấy mọi thứ giờ đang dở dang, chưa hoàn thiện. Công ty chưa hoàn hảo thì mình nói hay cũng dở, vì mình đã hay đâu mà nói hay, mà nói dở cũng không được. Tốt nhất tạm thời không gặp gỡ, không tiếp xúc là hay nhất".
Điều mà Nón Sơn đã thành công là khi đề cập thương hiệu mũ nón Việt Nam thì nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Nón Sơn, nhưng Trần Anh Sơn bảo rằng anh vẫn chưa hài lòng: "Nghĩ là một chuyện, nhưng phải đến. Đến là lựa chọn, tin dùng sản phẩm của Nón Sơn. Lợi nhuận thì không nói, mà đó là cảm giác thành công của người tạo nên sản phẩm. Hiện tại tôi cảm thấy không thoải mái khi chưa đạt được điều mình mong muốn. Đó cũng là một phần của việc tôi chưa muốn tiếp xúc, gặp gỡ nhiều đối với các mối quan hệ xã hội".
Khi chúng tôi nhắc đến slogan Nón Sơn - Thỏa mãn khát vọng tinh tế... Trần Anh Sơn nhẹ nhàng: "Vì trót đẻ ra slogan này mà tôi thấy mọi thứ vẫn chưa đạt được. Khát vọng tinh tế này chính là khát vọng về thời trang, thỏa mãn sự tinh tế của một sản phẩm từ mẫu mã, chất lượng, màu sắc, công dụng, công năng, để người tiêu dùng lựa chọn và dùng Nón Sơn thấy cảm giác thoải mái nhất, dễ chịu nhất. Đó cũng chính là sự lựa chọn tinh tế của họ. Chính vì suy nghĩ đó, tôi mãi đi tìm sự tinh tế nên luôn có cảm giác tất cả mọi thứ mỗi ngày phải tiếp tục đi lên nữa, và chưa bao giờ hài lòng với sản phẩm đã có của mình".
"…như đang chuẩn bị bắt đầu"
Người sáng lập ra Nón Sơn có những trăn trở và khát vọng của riêng mình. Và tất nhiên, người tiêu dùng cũng có những tò mò về thương hiệu "bí ẩn" Nón Sơn đã "sống" như thế nào trong một thời gian dài khi phải bỏ chi phí thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa, chi phí sản xuất, thu nhập cho gần 1.000 lao động...
Trần Anh Sơn cười, nói vui: "Ý bạn ví Nón Sơn như phim Mật vụ Kingsman - bán nón chỉ là vỏ bọc bên ngoài, rất có thể bên trong là một tổ chức đặc vụ nào đó. Tôi cũng cười và nói rằng cũng có thể, bởi trước giờ mô hình kinh doanh hoặc doanh thu của Nón Sơn được cho là khá bí ẩn".
Trần Anh Sơn chia sẻ rằng, thiết kế của Nón Sơn ngày càng đẹp, đổi mới liên tục, có nhiều mẫu mã, nhiều công năng nhưng không phải ai cũng biết. "Tạo ra thương hiệu, sản phẩm tốt, phải có chiến dịch Marketing tốt để khách hàng hiểu sản phẩm, tìm đến sản phẩm và mua để sử dụng. Một trong cái yếu của Nón Sơn chính là đây, rằng Nón Sơn có nhiều sản phẩm phù hợp mọi không gian, môi trường, lứa tuổi, thành phần khách hàng, nhưng không phải ai cũng biết", ông chủ Nón Sơn chia sẻ và khẳng định rằng anh chưa thoải mái với thương hiệu của mình là vì vậy.
Theo Trần Anh Sơn, bây giờ Nón Sơn đang cố gắng tồn tại với mục tiêu nhất quán "thỏa mãn khát vọng tinh tế". "Tới giờ phút này, thành công chính là cố gắng tồn tại được, để hoàn thiện lại tất cả mọi vấn đề. Tôi có cảm giác như đang chuẩn bị bắt đầu. Nếu tôi thỏa mãn rồi, chắc chắn tôi sẽ muốn gặp gỡ, chia sẻ, nói về sự hoàn hảo của sản phẩm, của bản thân".
Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, Trần Anh Sơn chia sẻ định hướng ban đầu của Nón Sơn là sản phẩm cao cấp nên sản phẩm làm ra sẽ có phân khúc khách hàng nhất định. Vì vậy, với diện khách hàng này, một khi họ đã sử dụng sản phẩm của Nón Sơn thì sẽ là khách hàng trung thành của Nón Sơn.
Hàng Việt chất lượng cho người Việt
Nhà thiết kế Trần Anh Sơn cho hay rất nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác để đưa Nón Sơn đến với người tiêu dùng ở một số nước trên thế giới nhưng anh phải từ chối, vì biết lực chưa đủ. "Mà khi chưa đủ thì đừng cố, không hay. Kiểu dở dở ương ương. Bây giờ trong nước mình đã vững đâu, mà nhăm nhe vươn ra thế giới", Trần Anh Sơn nói và mong muốn rằng phải làm tốt thị trường trong nước, khi thời điểm chín muồi, Nón Sơn sẽ quảng bá, mở các cửa hàng ở nước ngoài bằng chính nguồn lực tài chính của mình, hoặc hợp tác nhưng phải giữ được hồn cốt của Nón Sơn Việt Nam.
Theo ông chủ Nón Sơn, người nước ngoài rất thích Nón Sơn và Nón Sơn thừa sức làm những dòng sản phẩm cao cấp hơn đang có để đưa ra thị trường nước ngoài, nhưng bản thân anh đang ấp ủ kế hoạch phổ cập Nón Sơn đến người tiêu dùng trong nước nên phải ưu tiên cho chiến lược: "Hàng Việt chất lượng cho người Việt".
Bình luận (0)