'Nóng' chuyện học ngoại ngữ để sử dụng hay để thi

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/12/2023 06:06 GMT+7

Ngoại ngữ sẽ không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 khiến một số cơ sở giáo dục lo ngại học sinh sẽ mất động lực học tập. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng cách thi như hiện nay không giúp cho việc học ngoại ngữ để sử dụng.

Ngày 27.12, Viện Khoa học giáo dục VN và Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên về dạy học ngoại ngữ tại VN.

NHIỀU THÍ SINH MIỄN THI NGOẠI NGỮ ẢNH HƯỞNG PHỔ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP ?

Bà Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia, trình bày một phần báo cáo cho biết theo số liệu thống kê, số lượng thí sinh (TS) được miễn bài thi ngoại ngữ (đa phần là tiếng Anh) tăng cao trong năm 2022, 2023 so với các năm trước đó. Số lượng này ảnh hưởng đáng kể đến phổ điểm chung cũng như các mức điểm trung bình và trung vị của môn tiếng Anh trong 2 năm này. Số liệu thống kê cũng cho thấy điểm trung bình bài thi môn tiếng Anh tương đối ổn định ở mức trên 5 điểm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bà Mai Hữu cũng nêu một số liệu tích cực là số lượng TS đạt điểm dưới 5 trên cả nước năm 2023 (44,83%) đã giảm đáng kể so với năm 2022 (51,56%).

'Nóng' chuyện học ngoại ngữ để sử dụng hay để thi- Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn tiếng Anh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bà Mai Hữu cũng dẫn số liệu thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết từ năm 2017, Bộ GD-ĐT xét duyệt kỳ thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thông qua điểm thi một số kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEIC. Cụ thể, Bộ xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với TS có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Trên cả nước, số lượng TS được miễn thi bài thi ngoại ngữ tăng hằng năm, 28.620 TS năm 2021, 35.391 TS năm 2022 và 46.667 TS vào năm 2023.

Tuy nhiên, có thể thấy kết quả của học sinh (HS) VN chưa thực sự vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Điểm thi IELTS trung bình của HS năm 2022 là 6.2/9, xếp thứ 23 trên thế giới - vị trí tương đồng với 3 nước Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan. Ngoài ra, điểm thi TOEFL trung bình của HS VN năm 2022 là 77/120, xếp thứ 24 trên 30 nước trong khu vực châu Á.

Trong cả 2 kỳ thi này, TS VN thể hiện thế mạnh trong môn đọc (reading) và nghe (listening), và gặp khó khăn nhất với môn nói (speaking), trong đó điểm trung bình môn nói cho kỳ thi TOEFL là 14/30 và cho kỳ thi IELTS là 5.8. Ngoài ra, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia, điểm thi trung bình của TS từ năm 2021 - 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% TS đạt dưới điểm 5. Do đó, trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm tới những rào cản mà TS VN đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp TS có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

'Nóng' chuyện học ngoại ngữ để sử dụng hay để thi- Ảnh 2.

Học sinh học tiếng Anh trong phòng chức năng

NHẬT THỊNH

NGOẠI NGỮ KHÔNG CÒN LÀ MÔN THI BẮT BUỘC CÓ ĐÁNG LO ?

Trong phần thảo luận, đại diện Sở GD-ĐT Tiền Giang cũng nêu băn khoăn, liệu khi ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn có ảnh hưởng tới việc dạy và học môn học này ở trường phổ thông hay không vì tâm lý chung vẫn là thi sao sẽ học vậy. Đề án ngoại ngữ quốc gia có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này không?

Bà Mai Hữu nêu quan điểm chính sách này cơ bản có những tác động tích cực, trong đó đi theo xu hướng chung trên thế giới là tăng cường đánh giá vì mục tiêu học tập. Bài thi tốt nghiệp THPT là đánh giá mang tính tổng kết nên sẽ không tác động ngược trở lại với việc dạy học như đánh giá vì mục tiêu dạy học, đánh giá quá trình giảng dạy.

Có thể HS sẽ không chọn môn học này để thi tốt nghiệp THPT nhưng GV cũng phải thực hiện việc đánh giá trong từng bài dạy một cách tích cực, hiệu quả hơn nữa để làm sao việc dạy học tốt hơn. Khi thực hiện bài kiểm tra trên diện rộng như kỳ thi quốc gia sẽ rất khó lồng ghép đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên việc đánh giá năng lực của người học sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở lớp, ở trường thì hoàn toàn có thể đánh giá năng lực toàn diện của người học đầy đủ hơn.

Bà Mai Hữu nhấn mạnh: "Sẽ có thể có HS nghĩ rằng vì không thi nên sẽ không học nữa, nhưng nếu GV bám sát theo yêu cầu của chương trình và người học phải đạt được chuẩn yêu cầu của chương trình mới được qua môn học đó theo từng lớp học thì tôi tin rằng việc có bài thi tốt nghiệp THPT hay không sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả việc dạy học môn học đó trong hệ thống giáo dục phổ thông".

GS Hoàng Văn Vân (ĐH Quốc gia Hà Nội) xác nhận lo lắng của Sở GD-ĐT Tiền Giang là băn khoăn của nhiều GV, nhiều nhà trường và địa phương. Tuy nhiên, đánh giá tác động của chính sách giáo dục thì phải nhiều năm sau, có khi cả chục năm mới đánh giá được. Theo GS Vân, chính sách thế nào sẽ tác động trực tiếp việc dạy học ngoại ngữ. Đề cập đến việc ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS Vân nêu dự đoán sẽ chỉ có khoảng dưới 20% HS chọn môn này để thi.

Học ngoại ngữ phải là nhu cầu tự thân

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết việc học để thi vẫn là câu chuyện đang tồn tại. Tuy nhiên, học vất vả để đạt điểm cao chưa chắc đã sử dụng được. "Nếu người học chưa thấy rằng học vất vả để sau này sử dụng tiếng Anh như một công cụ thì có phải vừa phí công dạy vừa phí công học hay không? Nếu như học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân để sử dụng nó như một công cụ thì việc học tập sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều", ông Vinh cho hay.

GS Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng môn tiếng Anh không bắt buộc thì chúng ta cũng không lo lắng vì nếu là nhu cầu cá nhân, các em sẽ học mà không phải môn đó có thi hay không thi bắt buộc.

ĐIỂM 9 THI TỐT NGHIỆP NHƯNG KHÔNG NÓI, KHÔNG NGHE ĐƯỢC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ thực tế, mấy năm vừa qua điểm tuyển sinh đầu vào của trường ĐH ngoại ngữ rất cao, ví dụ vào ngành ngôn ngữ Anh HS phải đạt trung bình 9 điểm/môn. Tuy nhiên, 3 năm gần đây trường này phân loại sinh viên theo bậc trình độ ngoại ngữ của người học để điều chỉnh chương trình đào tạo. Trừ những sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì những em chỉ có kết quả thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tham gia kỳ thi phân loại của trường.

Kết quả cho thấy mặc dù đạt 9 điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng phần lớn các em chỉ đạt trình độ B1 (bậc 3) theo bài thi phân loại của nhà trường. "Điều đó có nghĩa là hiện nay tiếng Anh đang là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các em đang học để thi đạt được điểm cao theo cách ra đề của kỳ thi này nhưng như thế không có nghĩa là các em phát triển được năng lực ngoại ngữ. Trong suốt 2 năm vừa qua những em chỉ đạt trình độ B1 học rất vất vả. Giảng viên chúng tôi dạy cũng rất vất vả vì các em nghe, nói đều không được còn đọc cũng rất khó khăn", bà Nhung nói.

Chính vì vậy, bà Nhung cho rằng việc ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nữa sẽ tạo cơ hội giảm áp lực cho người học và người dạy, các em được học môn học đó theo đúng sở thích, năng lực của mình, GV dành nhiều thời gian để phát triển năng lực toàn diện, học để sử dụng, giao tiếp của môn ngoại ngữ.

"Mong toán ở cấp THPT là môn học tự chọn"

GS Lê Anh Vinh cũng chia sẻ, ông theo chuyên ngành toán, môn toán luôn được "ưu ái" là môn học, môn thi bắt buộc nhưng ông lại luôn rất mong toán ở cấp THPT là môn học tự chọn. Khi ấy HS sẽ được chọn môn học này theo sở thích năng lực của mình, được học những gì phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình, GV dạy cũng rất vui vì HS sẽ không phàn nàn sợ học toán, sợ nhìn thấy các đề thi toán… "Hướng tới điều đẹp nhất là học để phát triển năng lực và học đúng những gì mình cần. Chính sách đúng nhưng thời điểm đúng cũng quan trọng", GS Vinh nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.