Nông dân ĐBSCL thiệt hại đủ đường vì dịch bệnh

30/09/2021 07:08 GMT+7

Giá lúa, trái cây, rau củ, tôm cá... liên tục sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong suốt mấy tháng qua khiến bà con nông dân ĐBSCL bị thiệt hại, thua lỗ nặng. Nhiều nông sản thậm chí bán rẻ như cho cũng không có người mua.

Lúa càng neo càng lỗ

Hơn tuần nay, mỗi khi trời đổ mưa, bà Tô Thị Mạnh (ở ấp Phước Lộc, xã Thạnh Phú, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) như ngồi trên lửa vì lo ruộng lúa đã chín rục của gia đình bị ngã đổ sẽ thất thu thêm. Gia đình bà Mạnh thuê 2,4 ha đất với giá 112 triệu đồng để canh tác 3 vụ lúa trong năm. 2 vụ lúa gần nhất bị lỗ nặng vì dịch Covid-19 kéo dài, lúa khó tiêu thụ.
“Ở vùng này, mấy hôm nay các doanh nghiệp (DN) cho ghe đi mua lúa, chỉ trả có 5.000 đồng/kg lúa OM5451, thấp hơn vụ đông xuân năm ngoái từ 700 - 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, hồi trước dịch tôi mua một bao phân đạm chỉ khoảng 450.000 - 460.000 đồng, thì nay tăng lên 600.000 - 700.000 đồng/bao. Giá lúa giảm, giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao nên người thuê đất, lấy công làm lời như tôi bị lỗ nặng. Mà không bán, để neo đó vài bữa, mưa nhiều còn thiệt hại hơn”, bà Mạnh nói.
Ông Võ Lê Trung, HTX nông nghiệp Trung Xuyên (H.Cờ Đỏ), chuyên mua lúa cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu, cho biết dịch Covid-19 dai dẳng khiến gạo không xuất khẩu được, nên nhu cầu mua lúa giảm là điều khó tránh. “Chúng tôi cố gắng trao đổi với DN mua với giá tốt nhất để bà con giảm thiệt hại, nhưng họ chỉ đưa ra được mức giá bình ổn là 5.000 đồng/kg lúa tươi OM5451. Với giá này thì nông dân từ huề đến lỗ vốn”, ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, không chỉ lúa, các loại rau củ cũng gặp khó khăn đầu ra, rớt giá thê thảm. Chẳng hạn như khổ qua, mùa này năm ngoái giá 12.000 - 15.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg; dưa leo 10.000 - 12.000 đồng/kg giờ giảm còn 1.000 - 2.000 đồng/kg; củ cải trắng từ 10.000 - 12.000 đồng giảm còn 2.000 - 3.000 đồng/kg... Thậm chí, có nhiều loại rau củ không bán được, người dân phải đem cho hoặc bỏ phế.  
Ông Bùi Văn Ngân (ở xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết vụ lúa hè thu vừa qua thu hoạch ngay thời điểm địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thương lái ngoài tỉnh không thể vào mua lúa, khiến giá lúa từ khoảng 7.000 đồng giảm xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Người nuôi thủy sản, đặc sản “méo mặt”

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện nông dân tỉnh này cần hỗ trợ tiêu thụ 4.779 tấn nông sản, nhiều nhất là khoai lang tím (hơn 1.300 tấn), khoai môn (hơn 1.100 tấn)... Bên cạnh đó, hiện còn khoảng 27.845 tấn thủy sản cần tiêu thụ gấp, đặc biệt là 22.766 tấn cá tra. Nguyên nhân chính tồn đọng cá tra là do các DN chưa xây dựng được phương án “4 tại chỗ” (làm việc, ăn nghỉ, cách ly, y tế), chưa tái hoạt động nên chưa thể mua lượng cá tra đã ký kết với người dân.

Cần giải quyết khó khăn cả trước mắt và lâu dài

Để giải quyết đầu ra nông sản, trước mắt phải khơi thông được khâu vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện cho thương lái, DN đi lại mua nông sản của nông dân. Cùng với đó, cần có ngay chính sách hỗ trợ DN, nông dân để tăng “sức khỏe” cho chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản. Muốn làm được, đầu tiên cần tiếp cận theo nguyên tắc thị trường, có tính hệ thống, các tỉnh trong vùng cần có những giải pháp đồng nhất để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi hơn.
Về lâu dài, Chính phủ cần cắt giảm bớt chi tiêu công, các công trình đầu tư chưa thực sự bức thiết để tập trung hỗ trợ DN, nông dân tái sản xuất. Chuyển đổi từ trao đổi, mua bán hàng hóa trực tiếp sang thương mại điện tử sẽ giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm và thích nghi với tình hình dịch bệnh tốt hơn.

TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế)

Ông Lê Ngọc Phát (ở xã Tân Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết gia đình ông hiện tồn đọng hơn 2.000 tấn cá tra, trung bình mỗi ngày tốn gần 1 tỉ đồng mua thức ăn cho cá để tránh cá bị sụt cân, giảm sản lượng. Nhiều hộ nuôi cá tra khác qua thời gian dài neo cá dưới ao, cá bị bệnh chết mỗi ngày 5 - 10 tấn, thiệt hại nhiều tỉ đồng. Ngoài cá tra, cá nuôi lồng bè ở Đồng Tháp như cá hú, ba sa, cá he cũng tồn hơn 2.400 tấn; ếch nuôi tồn hơn 1.200 tấn...
Còn tại Cà Mau, từ đầu tháng 8.2021, một số nhà máy, cơ sở chế biến tôm trên địa bàn tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch khiến tôm nguyên liệu của nông dân khó tiêu thụ, giá tôm thẻ chân trắng có thời điểm giảm 15 - 30% so với cùng kỳ. Giá cua, sò huyết… cũng giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước, do thương lái không đến mua.

Nỗ lực gỡ khó cho nông dân

Từ đầu tháng 8, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông, thủy sản và thủ tục để qua các chốt kiểm soát chống dịch. Tính đến ngày 21.9, tổ đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ hơn 17.800 tấn nông sản và hơn 8.300 tấn thủy sản.
Trong khi đó, tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 của tỉnh Cà Mau đang tìm đầu ra cho khoảng 1.183 tấn nông, thủy sản các loại còn tồn; khoảng 1.958 tấn thủy sản đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch.
“Dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn nên hỗ trợ được gì cho nông dân thì chúng tôi đều cố gắng hết sức rồi. Đến nay dù thu hoạch có trễ, nhưng khoảng 80% bà con ở Cần Thơ đã nhận cọc từ DN mua lúa. Tiêu thụ chậm chứ không đến nỗi nào. Chỉ có điều vụ này giá lúa không được như vụ trước, đó là điều khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.