Nông dân Hà Tĩnh mặc 'áo giáp' chống nắng cho trái cây

Phạm Đức
Phạm Đức
12/06/2020 09:21 GMT+7

Các chủ vườn tại Hà Tĩnh phải mặc thêm “áo giáp” chống nắng cho từng trái ở trên cây. Cách làm này vừa giúp quả không bị cháy khô trong suốt mùa nắng nóng, vừa chống được một số loài côn trùng gây hại.

Tại H.Can Lộc (Hà Tĩnh), để chống hạn và chống nắng cho cây ăn quả, ngoài lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt và phủ rơm rạ giữ ẩm cho gốc cây trước cái nắng chói chang của mùa hè khắc nghiệt, người dân nơi đây còn dùng các loại bao, túi bọc để mặc “áo giáp” cho từng trái quả trên cây.

Mỗi quả trên cây đều được người dân mặc thêm "áo giáp" chống nắng

Ảnh Phạm Đức

Chị Thân Thị Hòa (32 tuổi, trú tại thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình chị có 2 ha trồng cam đang trong giai đoạn nuôi quả. Để tránh mất mùa cam do nắng nóng kéo dài, chị đã mua loại bao bì chuyên dụng về bọc toàn bộ số quả cam có trong vườn.
“Các loại bao bì bọc trái cây giá thành rất rẻ nhưng có tác dụng giúp quả không bị cháy khô do nắng nóng gay gắt, vừa giúp chống được một số loài côn trùng gây hại. Vào mùa nắng nóng, hầu như chủ vườn cây ăn trái nào cũng sử dụng phương pháp này để bảo vệ cho trái cây”, chị Hòa nói.

Chị Hòa đang dùng bao, bọc toàn bộ quả cam để tránh nắng nóng gây khô héo

Ảnh Phạm Đức

Khoảng 2 tháng nữa, vườn trồng bưởi Phúc Trạch rộng 3 ha của gia đình anh Nguyễn Hữu Liên (28 tuổi, hàng xóm chị Hòa) sẽ cho thu hoạch. Nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay, quả bưởi đặc sản này sẽ bị khô héo nếu để phơi nắng cả ngày trong thời gian dài.

Cận cảnh những chiếc “áo giáp” chống nắng tuyệt vời cho trái cây

“Ngoài khoan giếng tìm nước tưới cho cây, tôi cũng tìm cách để quả bưởi không bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Tôi tận dụng bao bì xi măng, cắt nhỏ ra để bọc cho từng quả. Đây cũng là cách hữu hiệu nhất để quả không bị nắng nóng làm ảnh hưởng đến hình dáng bên ngoài và chất lượng", anh Liên nói.

Quả bưởi sẽ bị cháy nếu không có biện pháp chống nắng

Ảnh Phạm Đức

Ông Phan Can Kỳ, cán bộ Phòng NN-PTNT H.Can Lộc, cho hay toàn huyện hiện có 980 ha diện tích trồng cây ăn quả và người dân vẫn đang tìm đủ cách để bảo vệ cho cây trồng trước thời tiết nắng nóng.
“Nếu để cây chết cháy vì nắng nóng thì thiệt hại rất nặng nề. Trên địa bàn đến thời điểm này vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng và các chủ vườn cũng đang thực hiện rất tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp”, ông Kỳ nói.

Toàn bộ 3 ha trồng bưởi Phúc Trạch được anh Liên dùng bì xi măng bọc toàn bộ quả trên cây

Ảnh Phạm Đức

H.Hương Khê (Hà Tĩnh) được coi là “chảo lửa” của Hà Tĩnh. Nắng nóng kéo dài suốt nhiều ngày qua khiến tình trạng thiếu nước tưới cho cây ăn quả trở nên trầm trọng. Người dân và chính quyền địa phương đang rất lo lắng vì sợ cây sẽ bị cháy khô. Nếu không có biện pháp đối phó với thời tiết trong giai đoạn hiện nay thì nguy cơ mất mùa xảy ra là rất cao.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (H.Hương Khê), nói rằng cứ đến mùa nắng nóng là các chủ vườn trồng cam và bưởi Phúc Trạch lại lo lắng vì tình trạng thiếu nước tưới. Toàn xã hiện có hơn 250 ha trồng cam, bưởi. Diện tích nằm trên đồi núi cao lại chiếm phần lớn nên việc tưới nước cho cây chỉ trông chờ vào những cơn mưa trời. Nắng nóng xảy ra đang khiến nhiều diện tích ở những khu vực này bắt đầu bị héo khô do “khát nước”.

Vào mùa nắng nóng, nhiều xã trên địa bàn H.Hương Khê đang bị thiếu nước tưới cho cây trồng trầm trọng

Ảnh Phạm Đức

Còn theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hương Khê, không chỉ ở xã Phúc Trạch mà nhiều diện tích trồng cam, bưởi đặc sản tại các xã khác trên địa bàn cũng đang trong tình trạng thiếu nước tưới, cây bị héo rũ.
“Hiện nay, toàn bộ 1.900 ha trồng cam trên địa bàn đang lâm vào cảnh thiếu nước tưới. Toàn huyện hiện có 2.400 ha trồng bưởi Phúc Trạch thì có khoảng 700 ha bị khát khô. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp chống hạn, chống nắng cho cây để hạn chế thiệt hại”, ông Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.