|
Xã Minh Hợp (H.Quỳ Hợp) là địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn nhất Nghệ An, trong đó cao su là loại cây phổ biến nhất với diện tích hơn 500 ha. Nhiều năm trước, mủ cao su được giá nhưng năm nay lại rớt ở mức thê thảm. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá cao su ít nhất đã 3 lần rớt giá và hiện đứng ở mức 24.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều nếu so với thời điểm giá cao nhất trong năm 2010 (khoảng 60.000 đồng/kg), khiến hàng trăm hộ dân đứng ngồi không yên.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, xóm Minh Hòa, có 2 ha cao su và đây là năm đầu tiên chị thu hoạch mủ sau hơn 7 năm dày công chăm sóc.
“Thấy cao su đem lại thu nhập cao, gia đình tôi vay mượn 139 triệu đồng để mua đất, mua giống trồng loại cây này. Đây là năm đầu vườn cao su nhà tôi cho mủ, nhưng ngay tháng đầu, tôi chỉ bán được hơn 1 triệu đồng, trong khi số tiền tôi dốc đầu tư vào vườn 7 năm nay lên đến cả trăm triệu đồng”, chị Hằng than thở.
Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, xóm Minh Đình, cũng bi đát không kém. Nhà 6 miệng ăn, đều trông chờ vào 3 ha cao su đang độ thu hoạch. “Chúng tôi đang phải đội cục nợ trên đầu vì mủ cao su rớt giá. Số nợ từ việc mua đất, chi phí chăm bón đến ngót 100 triệu đồng giờ tui chưa biết lấy đâu ra để trả”, chi Hồng lo lắng.
Tại xã Minh Hợp, đất để trồng cây cao su được thuê lại từ Công ty TNHH MTV Nông công nghiệp 3.2 và Công ty Nông nghiệp Xuân Thành với thời hạn hợp đồng 20 năm. Hai doanh nghiệp này chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Theo điều khoản của hợp đồng đã ký kết, người dân phải trồng các cây công nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế vùng của doanh nghiệp. Trong thời gian hợp đồng, người dân phải bán sản phẩm cho doanh nghiệp và không được tự ý chặt phá cây công nghiệp trái quy định để trồng loại cây khác. Thế nhưng, trước thực trạng giá cao su đang “xuống dốc không phanh”, đã có một số hộ dân chấp nhận nộp phạt, chặt phá cây cao su để luân chuyển sang trồng cam.
Ông Cao Xuân Hậu, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH MTV Nông công nghiệp 3.2, cho biết nguyên nhân khiến cao su giảm giá mạnh là do lượng mủ tồn kho của cả nước rất lớn, thêm vào đó từ tháng 5 đến nay, phía Trung Quốc kiểm soát chặt các đường tiểu ngạch xuất khẩu cao su sang đó. Cũng theo ông Việt, chia sẻ khó khăn với người trồng cao su, doanh nghiệp chỉ còn biết nới rộng thời gian vay nợ cho dân.
Phạm Đức - Đào Phan
>> Vẫn khuyến khích trồng cao su
>> Tự ý trồng cao su ngoài vùng phê duyệt
>> Truy trách nhiệm nạn phá rừng trồng cao su
>> Tiếp tục trồng cao su
Bình luận (0)