Trong suốt tuần qua, các hộ chăn nuôi bò sữa ở thôn Bồng Lai, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, mất ăn mất ngủ và như ngồi trên đống lửa khi chứng kiến đàn bò sau khi tiêm ngừa bỏ ăn, ngã bệnh và chết.
Nông dân mất ăn mất ngủ vì bò sữa chết hàng loạt sau tiêm vắc xin
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết gia đình mình chăn nuôi bò sữa năm nay năm thứ 14, năm thứ 14 mới gặp trường hợp như thế này.
"Nhà em tiêm vắc xin viêm da nổi cục vào ngày 24.7.2024, sau 7 ngày đan bò có triệu chứng ăn bình thường nhưng tụt sữa, sau 3 ngày nữa, đến ngày thứ 10 có con tiêu phân tiêu chảy, có máu, rồi ra máu cục và lăn đùng ra chết", bà Loan nói.
Sáng 7.8.2024, người dân dùng xe cày chở bò sữa chết đến Hội trường thôn Bồng Lai để lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấy rõ.
Những ngày qua, đàn bò của gia đình ông Nguyễn Tấn Tuân ở tổ 20, thôn Bồng Lai, cũng đang trong tình trạng đi phân tiêu ra máu. Ông Tuân đang nơm nớp lo, không biết có cứu được đàn bò hay không.
Hộ bà Lê Thị Ánh Hồng ở tổ 19, thôn Bồng Lai có 28 bò sữa. Ngày 25.7, 26 con được tiêm vắc xin, chỉ 2 con bê không tiêm. Đến nay, hơn 10 con bị bệnh, bỏ ăn, sau đó bị tiêu chảy, một con đã chết và một con sắp chết.
Hộ ông Lê Đình Thục ở tổ 11, thôn Bồng Lai, cho biết nhà ông có 20 con bò sữa, đợt vừa rồi có 16 con tiêm ngừa, 4 con đang có bầu nên không tiêm theo khuyến cáo của ngành chức năng. Sau 9 ngày kể từ khi tiêm vắc xin, 16 con bò tiêm vắc xin đều bị tiêu chảy, biếng ăn, sữa thì bị giảm 50%, riêng 4 con không chích vắc xin thì vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường.
Ngày 7.8, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, và ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng lãnh đạo xã Hiệp Thạnh có buổi gặp gỡ nông dân nuôi bò trên địa bàn tại thôn Bồng Lai.
Đa số người dân nuôi bò ở thôn Bồng Lai đều cho rằng bò bị bệnh, bỏ ăn, tiêu chảy và chết sau khi tiêm vắc xin từ 7-10 ngày.
Ông Phạm Phi Long, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị tình trạng này. Cụ thể, bò sữa bị bệnh và chết xảy ra ở các xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra, Đạ Ròn thuộc huyện Đơn Dương và ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Tính đến sáng 7.8, trên địa bàn toàn tỉnh có 68 bò sữa bị chết, trong đó Đuyện Đơn Dương hơn 40 con.
Ông Phạm Phi Long, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Số liệu bò bệnh và bò chết thì toàn bộ lực lượng của thú y các địa phương này đang dồn vào công tác phòng chống dịch. Do đó số liệu chưa chính xác, ước đoán khoảng trên 60 con trên 2 địa phương này. Bệnh tiêu chảy trên là thường trực ở bò, tuy nhiên khi đưa kháng nguyên của một loại vắc xin vào thì khả năng làm yếu con vật và tạo ra những bệnh, bệnh kết phát tiêu chảy và bệnh khác và gây chết trên đàn bò. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa khẳng định được rằng việc đưa vắc xin vào và gây bệnh đối với đàn bò trên địa bàn. Cái này phải chờ kết quả kiểm tra của Cục thú y, bởi cơ quan chuyên môn thú ý cấp tỉnh không đủ chức năng, thẩm quyền và trang thiết bị để phân tích vắc xin này".
Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thêm, ngày 8.8, Chi cục Thú y vùng Tây nguyên sẽ đến Lâm Đồng điều tra dịch tễ, phối hợp trong công tác điều trị.
Sở cũng có văn bản mời Cục Thú y vào lấy mẫu vắc xin vừa được dùng tiêm ngừa cho bò để kiểm nghiệm. Sau khi kiểm nghiệm, nếu kết quả nguyên nhân đúng là do vắc xin như bà con phản ánh thì đơn vị cung cấp vắc xin sẽ bồi thường thiệt hại cho bà con. Đề nghị chính quyền thôn, xã, huyện có xác minh cụ thể từng trường hợp để có cơ sở bồi thường.
Bình luận (0)