Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT). Sáng 2.4, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra và chỉ đạo khắc phục những thiệt hại do mưa lớn, gió to bất thường xảy ra tại Phú Yên.
Người dân xã Hải Phong (H.Hải Lăng, Quảng Trị) dùng bao cát để ngăn nước vào sâu trong khu dân cư |
Thanh Lộc |
Hiện tượng thời tiết dị thường
Trong đợt mưa gió bất thường này, Phú Yên có 117 tàu, thuyền đánh cá công suất nhỏ (chiều dài dưới 15 m) của ngư dân 4 địa phương ven biển (Tuy Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu) bị gió lốc, sóng biển đánh chìm; 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị trôi dạt; 14 nhà ở của người dân bị sập đổ, tốc mái; 15.700 ha lúa đông xuân bị ngập nước, ngã, đổ; 508 ha rau màu bị ảnh hưởng; 1 người thiệt mạng và 1 người mất tích.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Hiệp nhận định đợt mưa lớn kèm theo gió lốc trong những ngày vừa qua là hiện tượng thời tiết bất thường, riêng ở Phú Yên có thể gọi là hiện tượng thời tiết dị thường. Hiện tượng thời tiết này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng La Nina. Trước đó, các cơ quan cảnh báo của T.Ư đã có chỉ đạo, cảnh báo cho các địa phương. Tuy nhiên, đối với ngư dân vẫn có yếu tố bất ngờ, bởi đã bước vào mùa khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại nhận một đợt mưa rất lớn, gió lốc khiến người dân không kịp trở tay.
Trục vớt tàu thuyền của ngư dân Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) vào bờ |
Minh Lê |
Tại Bình Định, sáng 2.4, được sự giúp đỡ của các lực lượng: biên phòng, quân đội, dân quân, chính quyền xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) đã huy động người dân trục vớt các tàu thuyền, ngư lưới cụ bị đắm do mưa gió bất thường. Tại xã Nhơn Lý, có 53 tàu thuyền khai thác thủy sản và hoạt động du lịch bị chìm, tổng thiệt hại ước tính trên 3 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết cùng với việc trục vớt tàu thuyền, chính quyền xã còn huy động thợ lặn tìm kiếm ngư lưới cụ bị chìm để trục vớt. “Trong buổi sáng 2.4, đã trục vớt được 4 tàu thuyền nhưng thân tàu đều bị vỡ”, ông Dũng nói.
Chiều 2.4, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết vùng biển Quảng Ngãi có gió tây bắc mạnh cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3 - 5 m, biển động rất mạnh, do vậy tỉnh này đã thông tin cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh. Hiện đã có 5.088 tàu thuyền với 28.543 lao động vào neo đậu tại các bến nhưng vẫn còn 687 tàu cùng với 6.773 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi, tất cả các tàu thuyền của tỉnh này đã nhận được thông tin về diễn biến không khí lạnh gây gió mạnh trên các vùng biển.
Mưa lớn ở Quảng Ngãi: nông dân bần thần trước hàng ngàn ha lúa bị ngập úng |
Lúa, hoa màu... hư hại nặng nề
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền tại các tỉnh miền Trung khiến hầu hết các nơi ngập trong biển nước. Thiệt hại trong đợt mưa lũ bất thường từ 31.3 - 2.4 này hết sức nặng nề. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết từ đêm 1.4 đến sáng 2.4 trên địa bàn mưa lớn. Có thời điểm nước sông Ô Lâu và sông Thạch Hãn đã vượt báo động 2, rồi sau đó mực nước xuống dần.
Do mưa to, sóng lớn, nên việc cứu hộ tàu cá số hiệu TH-93688-TS bị mắc cạn ở Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) khuya 31.3 đến chiều 2.4 vẫn chưa được triển khai. Trước đó, chiếc tàu cùng 8 thuyền viên này đang nhập lạch Cửa Việt thì tàu bị chết máy, trôi dạt và đâm vào kè phía nam Cửa Việt. May mắn, cả 8 thuyền viên đã được đưa vào bờ.
Toàn tỉnh Quảng Trị có 8.400 ha lúa và 2.644 ha cây trồng các loại bị ngâm nước, đổ ngã. Ông Dương Viết Hải, Phó chủ tịch UBND H.Hải Lăng, cho biết hầu hết diện tích lúa (6.370 ha) và hoa màu (1.542 ha) của huyện bị ngập lũ. Tại H.Triệu Phong có 2 nhà dân tốc mái ở TT.Ái Tử và xã Triệu Ái... Ghi nhận thực tế, từ sáng 2.4, những khu vực trũng thấp của H.Hải Lăng, nước ngập đồng ruộng, tràn vào khu vực dân cư, ngập từ 0,5 m trở lên. Hàng ngàn nhà dân ở các xã Hải Định, Hải Phong, Hải Lâm bị ngập nước.
Tại Thừa Thiên-Huế, mưa lũ làm ngập úng hơn 15.185 ha lúa vụ đông xuân và 1.130 hoa màu bị ngập úng nặng nề, nguy cơ mất trắng toàn bộ những tài sản trên cánh đồng. Mưa lớn cùng với lượng nước từ các hồ thủy điện điều tiết, làm rất nhiều nơi vùng trũng ở Huế ngập cục bộ. Rất nhiều tuyến đê nội đồng bị vỡ, tràn như: đê Hói Hà, đê Vinh Thái, đê Phú Đa trên sông Triệu Hóa...
Tại Đà Nẵng, những tuyến đường trung tâm TP ngập sâu trong biển nước từ ngày 1 - 2.4, giao thông ách tắc. H.Hòa Vang có hơn 830 ha lúa bị hư hại nặng do ngập.
Người dân Đà Nẵng thức trắng đêm vì mưa lớn, ngập nhà, cống thoát nước tê liệt |
Mưa lớn gây vỡ đập
Lượng mưa lớn đổ về khiến con đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) bị vỡ vào khuya 1.4. Ước tính thiệt hại vụ vỡ đập tạm ngăn mặn lần này khoảng 2 tỉ đồng. Việc vỡ đập còn khiến sạt lở khoảng 50 m bờ sông khu dân cư nằm liền kề hạ lưu đập ngăn mặn. Đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện phục vụ cho hơn 1.800 ha lúa vụ hè thu của TX.Điện Bàn. Đây là lần thứ hai đập bị vỡ (lần đầu vào tháng 3.2015).
Lúa ngập sâu trong nước mưa, nông dân Quảng Nam nguy cơ mất trắng |
Mạnh Cường |
Trung tá Nguyễn Hoang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam), cho biết mưa lớn những ngày qua khiến một số lồng bè nuôi cá bớp, dìa… trên sông Thu Bồn của người dân bị sóng đánh vỡ trôi dạt, tấp vào bờ biển xã Duy Hải (H.Duy Xuyên). Đồn Biên phòng Cửa Đại điều 20 cán bộ, chiến sĩ cùng 2 ca nô phối hợp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả. Lực lượng chức năng đã đưa được 3 lồng bè nuôi cá của các hộ dân bị sóng đánh cuốn trôi vào bờ an toàn, còn 3 lồng bè khác thì bị sóng đánh vỡ hoàn toàn không thể cứu vớt được, ước tính thiệt hại gần 3 tỉ đồng.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, mưa lớn những ngày qua khiến 12.214 ha lúa bị ngập nước (2.510 ha bị thiệt hại hoàn toàn, 1.530 ha bị thiệt hại từ 50 - 70%). 734 ha hoa màu bị ảnh hưởng trong đó có 410 ha bị thiệt hại hoàn toàn và 110 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ
Hôm qua (2.4), Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại miền Trung, gồm các địa phương Thừa Thiên-Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ...
Bộ TN-MT tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, tổ chức cứu hộ, cứu nạn...
Chí Hiếu
Bình luận (0)