Nông dân mong có thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn

Đức Huy
Đức Huy
25/05/2021 06:23 GMT+7

Nông dân và chính quyền địa phương mong muốn có thêm một nhà máy chế biến tinh bột sắn để đảm bảo đầu ra, trong khi đó ngành chức năng lại chỏi nhau về chủ trương đầu tư.

Niên vụ 2020 - 2021, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) trồng 8.320 ha sắn (mì). Cùng với cây mía, sắn là cây trồng chủ lực của địa phương này, giúp xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên lâu nay, do chưa có nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn nên người trồng sắn ở đây và các xã lân cận thuộc H.Phú Hòa (Phú Yên) luôn bị tư thương ép giá.

Điều kiện để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp

Ông Huỳnh Long Bình (xã Sơn Hà, H.Sơn Hòa) mong muốn: “Đa số nông dân ở huyện này trồng sắn và mía. Nhà máy đường thì đã có, còn nhà máy chế biến sắn thì chưa. Nếu ở huyện có nhà máy chế biến sắn thu mua cho bà con nữa thì bớt thêm được chi phí vận chuyển, nông dân chủ động trong thu hoạch, từ đó chắc chắn sẽ có thu nhập khá hơn”.
Còn ông Phan Tấn Hùng (xã Hòa Hội, H.Phú Hòa) thì cho hay: “Gia đình tôi có 6 ha trồng sắn, thu hoạch bán cho thương lái rồi họ bán cho ai thì mình không biết. Có người thì chở sang nhà máy ở H.Sông Hinh (Phú Yên), có người lại mang bán tận H.Vân Canh (Bình Định). Những năm sắn có giá thì thương lái tranh nhau mua, còn những năm giá sắn hạ thì bỏ thối ngoài đồng. Nông dân chúng tôi mong muốn có nhà máy rồi họ đầu tư vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm thì mới ổn định lâu dài được”.
Mong muốn của dân cũng là mong muốn của chính quyền địa phương. Ông A Lê Y Bớ, Trưởng phòng NN-PTNT H.Sơn Hòa, cho biết: “Địa phương rất mong muốn có doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn. Nếu có nhà máy sẽ góp phần rất lớn trong việc hình thành quy mô sản xuất tập trung. Đây cũng là điều kiện để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ trồng đến chế biến và tiêu thụ”.
Nông dân mong có thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn1

... và tiếp tục sản xuất trong thắc thỏm

Có nên “quy hoạch chết” ?

Trước thực trạng trên, một DN đã tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy với công suất chế biến tinh bột sắn thành phẩm 200 tấn/ngày ở H.Sơn Hòa, tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên lại chưa thống nhất chủ trương đầu tư vì theo nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên, từ năm 2015 trở đi không khuyến khích đầu tư tăng thêm công suất đối với 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn hiện có (tại 2 huyện Đồng Xuân, Sông Hinh) và không xây dựng mới nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Một lý do khác mà Sở KH-ĐT Phú Yên đề cập là vùng nguyên liệu sắn đã được quy hoạch cho hai nhà máy hiện có là 11.000 ha. Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) cũng nêu rõ: Duy trì ổn định, từng bước giảm diện tích một số cây trồng chủ lực phù hợp với quy hoạch (theo quy hoạch là 11.000 ha) để tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung...
Ngược lại, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn ở H.Sơn Hòa, nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà máy phải thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018 ngày 5.7.2018 của Chính phủ.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Đối chiếu quy định của pháp luật hiện hành (luật Quy hoạch năm 2017) thì các quy hoạch đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đến nay không còn hiệu lực. Diện tích sắn ở tỉnh Phú Yên bình quân từ năm 2015 - 2020 là 25.023 ha. Như vậy, việc giảm diện tích trồng sắn xuống còn 11.000 ha theo định hướng là không khả thi”.
Theo ông Nhĩ, hiện nay hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại Đồng Xuân và Sông Hinh chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư vùng nguyên liệu. Giá sắn những năm gần đây liên tục tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các DN trong và ngoài tỉnh. Điều này làm cho chính quyền địa phương khó quản lý, đồng thời dẫn đến thất thu ngân sách. Để khuyến khích các DN đầu tư vùng nguyên liệu, cần có thêm nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sắn trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Trong khi các ngành chức năng ở Phú Yên còn đang bàn bạc, thống nhất với nhau về chủ trương đầu tư thì người trồng sắn ở H.Sơn Hòa và các xã lân cận vẫn tiếp tục chờ đợi và sản xuất trong thắc thỏm.
Theo tính toán, diện tích trồng sắn toàn tỉnh Phú Yên hiện nay là 23.887 ha, năng suất bình quân 23 tấn/ha, sản lượng đạt 549.401 tấn, độ bột bình quân đạt 26,3%. Trong khi đó, hai nhà máy chế biến sắn tại H.Đồng Xuân và H.Sông Hinh chỉ thu mua được 227.793 tấn sắn nguyên liệu, chiếm 41,46% sản lượng toàn tỉnh. Như vậy với sản lượng 312.608 tấn sắn nguyên liệu còn lại, đảm bảo cho thêm một nhà máy nữa với công suất sản xuất 200 tấn tinh bột/ngày...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.