Nông dân Nam Định thành công nhân

23/05/2013 09:49 GMT+7

Một nông dân ở Nam Định đã thuê tới 300 ha ruộng và tuyển những nông dân khác vào làm công nhân sản xuất hàng hóa nông nghiệp.

Khi các tỉnh nông nghiệp ở miền Bắc còn đang triển khai dồn điền, đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn thì từ 3 năm trước, nông dân Đoàn Văn Sáu (44 tuổi ở xã Trực Hùng, H.Trực Ninh, Nam Định) đã xây dựng những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên.

Để thuê được cả vùng liền khoảnh rất khó, Đoàn Văn Sáu và công ty sản xuất lúa giống Cường Tân mà anh làm giám đốc đã tăng mức thuê và cho chính người cho thuê nhận khoán sản xuất lúa giống bằng cơ giới hóa.

Cuối năm 2009, cánh đầu mẫu lớn Việt Tiến ra đời tại xã Việt Hùng với diện tích trên 40 ha, là một trong những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên tại Nam Định và toàn miền Bắc. Ngay vụ đầu tiên, cánh đồng đã cho năng suất trên 27 tạ/ha. Nhờ sản xuất tập trung, chi phí đầu vào giảm 15-20% so với ruộng lẻ, tính toán của anh Sáu cho thấy sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn lãi gấp 1,5 đến 2 lần so với cấy lúa trên ruộng nhỏ. Các hộ cho thuê ruộng (với giá 80kg thóc/sào/vụ) nếu nhận ruộng và sản xuất có thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng mỗi người.  

Thành công này thúc đẩy Đoàn Văn Sáu tiếp tục nhân rộng mô hình, đến nay Cường Tân đã thuê 300 ha tại Nam Định, nhỏ nhất là 15 ha, lớn nhất 44 ha, đầu tư trên 10 tỉ đồng cho kênh mương, đường sá. Công ty Cường Tân của Đoàn Văn Sáu hiện có 50 công nhân vốn là nông dân, được trả lương bình quân 4 triệu đồng mỗi tháng. Họ được biến thành công nhân sau khi học, tập huấn kỹ thuật, ký hợp đồng nhận ruộng khoán, được ứng trước giống lúa, vật tư và chỉ đạo kỹ thuật. Thóc thành phẩm nếu nghiệm thu đạt tiêu chuẩn chất lượng, được công ty thu mua hết.

Theo anh Lê Văn Hải, một “công nhân” tại xã Trực Hùng, 3 năm nay, anh vẫn ra ruộng nhưng không còn nghĩ mình là nông dân vì hàng ngày đều làm việc theo quy trình, thu nhập tính bình quân hàng tháng 3 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Thức, ở xã Trực Thái gần đó thì cho biết: “Tôi đã gọi  2 con trai đang đi làm thuê về quê nhận thêm ruộng khoán và đề nghị công ty Cường Tân ký hợp đồng lâu dài. Trước đây cấy 3 mẫu vẫn không đủ sống, giờ 2 vợ chồng làm 3 mẫu vẫn nhàn, thu nhập không thua công nhân ở các khu công nghiệp”.

Đánh giá về mô hình của anh Đoàn Văn Sáu, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh và nhiều địa phương đã tổ chức đoàn đến kiểm tra, tham quan sản xuất tại các cánh đồng của công ty Cường Tân và đều thấy hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn. Lao động của công ty này làm việc rất khoa học, chuyên nghiệp, và thực sự đã trở thành những công nhân trên đồng ruộng. Còn ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định thì cho biết: “Mô hình của Đoàn Văn Sáu là điển hình không những của tỉnh mà còn là của cả nước, cả về sản xuất hàng hóa cũng như phương thức tích tụ ruộng đất”.

Hiện nay, công ty Cường Tân có tổng số 300 lao động của 100 hộ đang nhận ruộng khoán. Đoàn Văn Sáu cho biết anh đang đầu tư để tăng số lượng các cánh đồng mẫu lớn ở khắp các vùng trong nước, mở rộng từ sản xuất lúa lai sang sản xuất lúa ăn. Mục tiêu trong vài năm tới của anh là sẽ phát triển số lượng “công nhân” lên hàng nghìn người.

Hoàng Long

>> Hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo
>> Nông dân hiến đất làm đường
>> Nông dân đua nhau bỏ mía
>> Nông dân thiệt thòi vì thiếu máy gặt
>> Bắt một nghi can hành hung nông dân Tiên Lãng
>> Nhà máy trục trặc, nông dân điêu đứng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.