Nông dân Quảng Ngãi làm du lịch sông nước

Phạm Anh
Phạm Anh
31/01/2023 09:10 GMT+7

Dựa vào rừng dừa nước thơ mộng, hữu tình với diện tích gần 20 ha của quê mình, hàng chục hộ nông dân ở xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã "khởi nghiệp" làm du lịch.

Sau chỉ gần một năm hoạt động, với sự chân chất, thật thà vốn có, những người nông dân nơi này đã khiến du khách đến đây không muốn về. Tết Quý Mão 2023, tiếng lành đồn xa, nhiều du khách đã về thưởng ngoạn vùng đất đẹp lung linh này, nơi được ví như "sông nước miền Tây" ở Quảng Ngãi.

"LÁ PHỔI" SINH NHAI

Một nhóm bạn bè từ thời đại học, nay đã gần 50 tuổi rủ nhau về vùng sông nước Cà Ninh "chơi cho biết". Chưa xuống xe ô tô, cả nhóm đã… "ồ à" trước phong cảnh nơi này. Ai mà ngờ Quảng Ngãi cũng có sông nước miệt vườn như miền Tây vậy. Xóm Cà Ninh nằm dọc theo con đường bê tông phủ bóng dừa, một bên là ngọn đồi xanh thẳm thoai thoải, còn bên kia dòng sông xanh trong, có rừng dừa nước mênh mông, dập dềnh con sóng nhỏ mời chào.

Nông dân Quảng Ngãi làm du lịch sông nước - Ảnh 1.

Du khách đi thuyền vào rừng dừa nước

P.A.

Bà Tư Lan (Nguyễn Thị Bích Lan, 50 tuổi), thành viên đội chèo thuyền Cà Ninh, tay khua mái chèo đưa khách qua quãng sông chừng hơn 100 m rồi len lỏi chui vào rừng dừa nước thâm u, bí ẩn. "Cà Ninh phong cảnh hữu tình. Trên sơn dưới thủy uốn mình lượn quanh", bà Tư Lan cao hứng đọc hai câu hò rồi buông một tay chèo, chỉ cho chúng thôi thấy hàng chục con cua ẩn mình sau gốc dừa sát mép nước. Bên dưới thuyền, cá bơi từng đàn, chỉ cần có cây vợt cũng vớt lên được kha khá. "Tôm đất ở đây thì khỏi chê, nhiều lắm. Ngày xưa tôm cá còn nhiều hơn bây giờ. Có khi đi ghe vầy, chim và cò bay từ rừng dừa lên cả đàn", bà Tư Lan kể.

Đi sâu vào rừng dừa nước, từng chùm trái treo lủng lẳng. Bà Tư Lan bảo cơm dừa của trái già có thể ăn sống, bùi ngọt thấm vào đầu lưỡi khó phai, còn mang dừa nước về nạo cơm để nấu chè, làm mứt cũng khỏi chê vào đâu được. Vừa kể chuyện, bà vừa chèo nhẹ thuyền đi sâu vào bên trong. Có đoạn bà phải dùng tay vạch, gạt những cành lá dừa sum suê phủ xuống lối thuyền. Chừng vài giờ len lỏi trong rừng dừa, thì bất ngờ phía trước sáng bừng lên. Một khúc sông hiện lên trước mắt. Khách trên 4 chiếc thuyền hôm ấy, ai cũng khỏe khoắn, tươi tỉnh hít tràn căng không khí trong lành.

Nông dân Quảng Ngãi làm du lịch sông nước - Ảnh 2.

Sông nước Cà Ninh bình yên và khoáng đạt như người dân nơi đây

P.A.

CẢ NHÀ LÀM DU LỊCH

Ông Phạm Huynh (68 tuổi), một nông dân chính hiệu ở Cà Ninh, cho biết rừng dừa nước khi xưa không chỉ có mấy chục héc ta ở đây, mà còn kéo dài lên tận các xã lân cận. Thế nhưng qua thời gian, rừng dừa giảm dần diện tích. Cách đây vài mươi năm, rừng dừa này vẫn còn là "cái rốn" của chim cò. Sáng chiều, đàn chim nườm nượp bay về đây trú ngụ, tiếng kêu của chúng rộn ràng cả cây số sông dài. Một thời gian, rừng dừa giảm dần diện tích, chim cò ít về. "Bây giờ, dân chúng tôi đã và đang trồng thêm rừng dừa để làm du lịch sông nước, chim cò đã có hướng quay về trú ngụ", ông Huynh cho biết.

Ông Huynh toàn tâm toàn ý tham gia "đổi vai" từ làm nông sang làm du lịch từ những ngày đầu. Khi đó, một số khách từ xa về Cà Ninh chơi rồi mê luôn rừng dừa nước, có người đi rồi còn dẫn anh em, bạn bè trở lại. Ban đầu, nhà ông chỉ có thuyền nhỏ đưa khách vào rừng dừa nên ông Huynh đi mua thêm 4 con vịt đạp nước từ tận Hà Nội để khách thư thả đạp vịt trên khoảng sông êm ái, ngắm rừng dừa, ngắm bình minh và hoàng hôn nhuộm vàng đặc sánh mặt nước.

"Chú làm 4 sào ruộng, quần quật quanh năm cũng không bằng làm du lịch kiểu này", ông Huynh kể. Mỗi lần có khách, ông Huynh mời lên thuyền đạp vịt, đưa áo phao rồi khi khách quay vào bờ, ông thu 100.000 đồng/lượt. Cứ thế, ngày "bèo bèo" cũng kiếm được 400.000 - 500.000 đồng. "Lễ tết và cuối tuần, chú cũng kiếm được 2 triệu đồng/ngày", ông Huynh cho biết thêm rồi phân tích: Một sào lúa làm hơn 3 tháng, nếu bán hết thì thu cao nhất khoảng 2,5 triệu đồng, lấy công làm lời cũng chỉ được 500.000 đồng là cùng.

Khi khoảng 20 hộ nông dân ở đây cùng "khởi nghiệp" du lịch sông nước dựa vào rừng dừa nước mênh mông, con trai ông Huynh là Phạm Tuân (33 tuổi) cũng bỏ nghề chạy xe dịch vụ để mở quán phục vụ du khách. Sau đó, vợ anh Tuân là chị Nguyễn Thị Thì nghỉ làm công nhân về phụ chồng. Chưa kể, dì ruột và cô ruột của anh Tuân cũng không làm nông nữa, về bán quán phục vụ khách. Cả nhà cùng nghiên cứu những món ăn từ sản vật sông nước và rừng dừa sao cho vừa độc đáo vừa giữ được chất quê.

Đi một vòng quanh xóm du lịch Cà Ninh, 20 hộ dân tham gia làm du lịch ở đây đều như vậy. Trong nhà mỗi người một việc. Còn trong xóm, mỗi gia đình cũng phân công nhau, không cạnh tranh tị nạnh. Ví như gia đình này mở quán ăn, đạp vịt thì gần bên làm dịch vụ khác, có thể làm điểm chụp ảnh, làm ghe dịch vụ, cho thuê quần áo… Chủ cơ sở Vú Sữa Cà Ninh cho biết anh mở bến, mua thuyền để làm điểm chụp ảnh cho du khách với người chèo thuyền là các chị, các dì ở xóm. Làm vậy là để chia sẻ thu nhập, để ai cũng được tham gia, hưởng lợi từ dòng sông và rừng dừa nước quê mình.

Nông dân Quảng Ngãi làm du lịch sông nước - Ảnh 3.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại Cà Ninh

PHẠM ANH

CHÂN CHẤT ĐẤT QUÊ

Người bạn của tôi từ Tây nguyên từng đi tham quan Cà Ninh kể anh vô cùng ấn tượng với con người nơi đây. Đó là lần anh cùng nhóm bạn thuê thuyền vào rừng dừa nước. Lúc lên bờ trả tiền, anh và bạn bè cho thêm nhóm các chị, các dì chèo thuyền. Ấy vậy mà họ không nhận, vì "không thể lấy thêm". "Trời đất, đúng dễ thương, đúng chân chất đất quê luôn", người bạn của tôi tấm tắc khen.

Ngày 28.1.2023, hai vợ chồng anh Lê Tuấn từ H.Phù Mỹ (Bình Định) đến Cà Ninh chơi. Sau khi cho con đạp vịt, hai vợ chồng lên quán Tôm Đất ăn trưa nhưng con gái anh cứ đòi đi đạp vịt tiếp. Ông Phạm Huynh cười: "Cho cháu đạp vịt đi, chú không lấy tiền đâu". Chưa hết, con gái anh Tuấn vì quá thích trái dừa nước, bà Phạm Thị Tường (vợ ông Huynh) cười hiền: "Thím có trái đây, để cho các cháu một buồng". Nói rồi bà mang dừa ra vừa bổ vừa hướng dẫn vợ chồng anh Tuấn cách lấy cơm dừa. Vợ chồng anh Tuấn càng ngạc nhiên hơn khi bà Tường nở nụ cười hồn hậu từ chối lấy thêm tiền. "Ở một số nơi, thấy trẻ con đòi là họ tìm cách "chặt" ngay. Còn ở đây, bà con dễ thương quá", anh Tuấn lên xe rời Cà Ninh, nhưng lòng cứ mãi lưu luyến đất lành này.

Theo UBND xã Bình Phước, hiện có khoảng 20 hộ nông dân tham gia làm du lịch. Theo đó, đội thuyền chèo có 14 thành viên và sở hữu 10 chiếc thuyền, 2 chiếc thúng, với tổng giá trị khoảng 70 triệu đồng. Đáng nói, đội chèo thuyền phần lớn là những người ở độ tuổi U.50, U.60, chủ yếu là phụ nữ, quanh năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông, làm nông nghiệp, chứ mấy ai được đi du lịch bao giờ. Bây giờ quê hương phát triển du lịch tại rừng dừa nước Cà Ninh, họ hăng hái tham gia và lấy từng trải nghề sông nước của mình để phục vụ du khách.

Ông Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND xã Bình Phước, cho biết đội chèo thuyền phục vụ khách du lịch này đã được tập huấn về kỹ năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi di chuyển trên sông nước. Theo ông Phong, chính quyền xã đã và đang phát triển du lịch cộng đồng Cà Ninh ngày càng chuyên nghiệp hơn. "Hiện xã đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng và vận động người dân cùng nhau bảo vệ, gìn giữ rừng dừa nước cùng nguồn lợi thủy sản tại đây. Thời gian tới, xã Bình Phước tập huấn thêm kỹ năng làm du lịch cộng đồng và đi học hỏi kinh nghiệm để phát triển du lịch gắn với rừng dừa nước Cà Ninh tươi đẹp này", ông Phong nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.