Ngày 28.5, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế và Sở KHCN TP.HCM đã ký kết hợp tác để cùng tạo dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
Sau lễ ký kết hợp tác, Sở KHCN đã tổ chức kết nối giữa ngành y tế với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (“Connect”). Qua đó, Sở Y tế đã đặt hàng 2 vấn đề ưu tiên của tháng 5.2022 trong buổi khởi động kết nối đầu tiên này.
Thứ nhất, các giải pháp giúp xác định và can thiệp liên quan đến sức khỏe tinh thần của người dân TP.HCM liên quan đến Covid-19. Thứ hai, làm thế nào đưa những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ đọc kết quả X-quang ngực trở thành công cụ thích hợp cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu Covid-19 là ưu tiên hàng đầu hiện nay của TP.HCM |
DUY TÍNH |
3 trọng tâm của ngành y tế
Vì sao phải tạo dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế ? Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, ngành y tế TP.HCM đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, hệ thống y tế của TP.HCM vẫn còn đó những khoảng trống giữa hiện thực và mong đợi của người dân, của lãnh đạo thành phố và của cả chính các nhà quản lý ngành.
Những khoảng trống này càng bộc lộ rõ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian qua. Trong đó, hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế phường, xã, thị trấn mặc dù được Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư nhưng thực tế chưa đáp ứng được các yêu cầu trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.
Hệ thống y tế dự phòng chỉ đủ sức ứng phó với các dịch bệnh lưu hành, chưa đủ lực để ứng phó với dịch bệnh mới nổi bùng phát lan rộng như Covid-19. Các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh còn gặp không ít khó khăn trong công tác quản trị, điều hành khi phải tự chủ tài chính, đòi hỏi phải có sự cạnh tranh lành mạnh để tạo niềm tin cho người bệnh, giữ chân nhân viên…
Do đó, ngành y tế TP.HCM đã xác định 3 trọng tâm đòi hỏi tập trung nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, để nâng cao năng lực đồng bộ cho cả hệ thống.
Thứ nhất là nâng cao năng lực y tế cơ sở, cụ thể là năng lực phòng, chống dịch bệnh, năng lực quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm, các chương trình sức khoẻ của các trạm y tế và nâng cao năng lực Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM lên một tầm cao mới.
Thứ hai, nâng cao năng lực các bệnh viện quận, huyện đảm bảo là nơi tiếp nhận đầu tiên các bệnh nhân do y tế cơ sở chuyển đến; nâng cao năng lực các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP.HCM thật sự là các bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các bệnh nhân nặng, phức tạp cho các bệnh viện tuyến huyện chuyển đến hướng đến là tuyến cuối của cả khu vực phía Nam và ngang tầm các nước trong khu vực.
Thứ ba, nâng cao năng lực mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng Paramedic đảm bảo đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cấp cứu kịp thời cho người dân 24/7.
“3 trọng tâm trên chắc chắn sẽ khó đạt được nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào từng nhóm năng lực. Việc Sở KHCN đã chủ động gặp, trao đổi, bàn bạc và thống nhất với Sở Y tế TP.HCM để cùng khởi động hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế như đã tiếp thêm một nguồn lực mới cho ngành y tế”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nói.
Ngành y tế cần gì trong thời gian tới ?
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, rất nhiều đơn đặt hàng của ngành y tế cho hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, xây dựng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác quản trị, điều hành của hệ thống y tế TP.HCM, trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng và hệ thống cấp cứu ngoại viện.
Thứ 2, nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thứ ba, kết nối, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực y, dược.
Sở Y tế TP.HCM mong muốn có nhiều doanh nghiệp, khởi nghiệp đồng hành với ngành y tế và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả và sẽ được hỗ trợ nguồn vốn thực hiện tạo ra các sản phẩm thiết thực từ ngân sách thông qua Sở KHCN.
Bình luận (0)