Nông dân thành doanh nghiệp

27/06/2013 10:11 GMT+7

Trăn trở đầu ra cho nông sản, ông Nguyễn Đình Định (xã Quảng Thành, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đã cất công đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi rồi về mở doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Vùng rau an toàn của tỉnh

Làng Thành Trung (xã Quảng Thành, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) là một trong các ngôi làng thuộc thành cổ Hoá Châu xưa. Từ hàng trăm năm nay Thành Trung được biết đến là vùng chuyên canh rau. Sử sách còn lưu tên tuổi của rau làng Thành Trung khi nguồn rau nơi đây được dùng để tiến vua với thương hiệu “rau phường Thành”. Năm 2003, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành khảo nghiệm nhiều nơi trên địa bàn tỉnh để xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn (RAT). Có nhiều địa điểm được lựa chọn khảo nghiệm, đầu tư kinh phí xây dựng nhưng đến nay nơi được đánh giá thành công nhất vẫn là vùng chuyên canh RAT Thành Trung bởi nơi đây hội đủ các tiêu chí về đất đai, điều kiện, kỹ thuật lẫn kinh nghiệm sản xuất…

 Rau an toàn
Vùng RAT làng Thành Trung, gần một nửa sản lượng được DN tư nhân Hóa Châu bao tiêu - Ảnh: Đình Toàn

Toàn xã Quảng Thành có trên 60ha đất trồng rau, trong đó phần lớn tập trung tại làng Thành Trung. Đặc biệt, năm 2013 Trung tâm khuyến nông - khuyến lâm tỉnh đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất RAT theo hướng VietGAP trên diện tích gần 1,7ha cho 12 hộ dân là xã viên HTX nông nghiệp và dịch vụ Kim Thành. Theo tính toán của nông dân, với 9 - 10 vụ sản xuất mỗi năm, 1ha rau các loại bình quân cho người nông dân khoảng 170 - 220 triệu đồng. Đây là nguồn lợi vượt trội so với sản xuất nhiều loại nông sản khác. Với bề dày truyền thống trồng rau, cộng thêm được công nhận sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP nên người nông dân lại háo hức ra đồng. Tuy nhiên kết quả khá bẽ bàng khi người nông dân phải tự túc đầu ra của nông sản, bị tư thương ép giá do “chê” giá cao (chi phí sản xuất RAT cao do áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt). “Ở đây người trồng rau có diện tích 1.500m2 mỗi năm lãi khoảng 20 triệu đồng. Tính ra thì lợi hơn trồng lúa nhiều nhưng do rau an toàn giá cao hơn rau bình thường trên nên bán rất khó, dù thế chúng tôi cũng cố gắng bám trụ bởi mình làm gì cũng phải có lương tâm” - chị Trần Thị Búp, một nông dân trồng RAT ở Thành Trung than vãn.

Tự cứu mình và cứu người

Là người con của vùng đất nổi tiếng trồng rau, và cũng là người được học tập, chuyển giao kỹ thuật và trồng RAT theo hướng VietGAP ông Nguyễn Đình Định, một xã viên của HTX nông nghiệp - dịch vụ Kim Thành cũng cám cảnh trước nguồn nông sản của chính mình và bà con làm ra chẳng được sự ưu ái từ thị trường. “Không ai cứu mình bằng chính mình cả”, ông Định bắt đầu nghĩ đến việc hình thành doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng RAT. Năm 2008 ông Định cất công vào Trảng Bom, Đồng Nai để học tập về sơ chế, bảo quản và cung ứng RAT ra thị trường. Trở về quê nhà, ông vay mượn tiền bạc rồi mua sắm trang thiết bị, máy ozone, ôtô để sơ chế, bảo quản và vận chuyển RAT đi tiêu thụ. Để có tư cách pháp nhân và tiến tới tiếp cận các siêu thị, “đàm phán” với các đầu mối tiềm năng này, ông Định quyết định thành lập doanh nghiệp, lấy tên là “Doanh nghiệp tư nhân Rau an toàn Hoá Châu” do ông làm chủ. “Trụ sở” của doanh nghiệp là ngôi nhà cấp 4 của mình, còn “nhân công” của doanh nghiệp chính là vợ, con và thi thoảng là… mấy em học sinh trong làng buổi học buổi làm thêm cho ông để kiếm tiền. Năm 2008, doanh nghiệp ông Định được Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sơ chế RAT. Năm 2013, cùng với 11 hộ dân khác, ông Định được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất RAT theo hướng VietGAP. Hiện nay, mỗi ngày bình quân có khoảng 500kg RAT các loại từ làng Thành Trung cung ứng ra thị trường thì riêng Doanh nghiệp Hóa Châu nhận tiêu thụ trên 200kg/ngày. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Thừa Thiên - Huế vừa sản xuất, sơ chế và bao tiêu sản phẩm RAT của nông dân cung ứng cho 3 siêu thị lớn tại Huế là BigC, Co.opMart và Thuận Thành thông qua các bản hợp đồng mua bán với các điều khoản chặt chẽ được kí kết định kì.

“Không phải chỉ có tui mới đau đầu chuyện đầu ra của sản phẩm. Ngành chức năng cũng đau đầu chuyện này, nhất là tính chịu trách nhiệm trước pháp luật, đề cao uy tín và sức khoẻ của người tiêu dùng. Biết là rất khó khăn bởi RAT của chúng tôi sản xuất đang tỏ ra lép vế trước loại rau xanh, đẹp, tốt tươi của một số vùng khác. Giá thành chúng tôi bán cao hơn, nhưng rau thì... xấu hơn, nên chưa thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên tôi tin là người tiêu dùng dần sẽ biết nên lựa chọn loại rau nào. Hiện tôi mới chỉ đi được 1/3 chặng đường trong việc tiếp cận thị trường và cung ứng RAT, nhưng nếu đời tôi không thành công thì con của tôi sẽ đi tiếp.”, ông Định quả quyết.

Đình Toàn

>> Áp dụng phân sinh học sản xuất rau sạch
>> Trồng rau sạch tại nhà
>> Công nghệ trồng rau sạch cho nhà phố hút khách
>> Vườn rau sạch vì cộng đồng
>> Hợp tác cung cấp rau sạch cho TP.HCM
>> Rau sạch trên đảo Phú Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.