‘Nóng hừng hực’ giá xăng dầu: Còn dư địa để giảm nhiệt

15/03/2022 20:38 GMT+7

Giá xăng dầu tăng liên tục là câu chuyện nóng trong những ngày qua.

Cùng với bối cảnh quan hệ quốc tế căng thẳng tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng quốc tế, tình hình sản xuất xăng dầu nội địa cũng chao đảo bởi nhà máy lọc dầu trong nước gặp vấn đề, góp phần khiến thị trường xăng dầu trong nước tăng 'sốc' chưa từng có.

Các chuyên gia cho rằng giá xăng vẫn còn dư địa giảm nếu cân nhắc giảm thuế phí

Ảnh: Hải Nguyên

Giá xăng dầu trong nước thấp hơn thế giới khoảng 20%

Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu Việt Nam hiện nay đang ở mức trung bình chung của giá xăng dầu thế giới. Nếu so với trong khu vực Đông Nam Á, giá xăng dầu Việt Nam có nhỉnh hơn hoặc thấp hơn một chút, song nếu so với mức thu nhập của người dân thì lại là câu chuyện rất khác.

Ở chiều ngược lại, lâu nay chúng ta đòi hỏi thị trường xăng dầu trong nước phải được điều tiết sát với tình hình thị trường thế giới. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới tăng, và thị trường trong nước buộc phải tăng giá theo thì lại đòi hỏi phải làm sao để giá tăng ở mức thấp nhất có thể, để tránh những hệ lụy vật giá “té nước theo mưa” tăng theo giá xăng dầu.

Trong báo cáo 1235/BC-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14.3.2022 khẳng định, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2021 khoảng 20,5 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,27 triệu m3 (chiếm khoảng 70% nhu cầu), nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 (chiếm 30% nhu cầu).

Theo kế hoạch năm 2022, tổng nguồn cung nhỉnh hơn một chút, ở mức 20,7 triệu m3, song mức nhập khẩu sẽ giảm nhẹ ở mức khoảng 6,282 triệu m3 và sản xuất sẽ tăng lên thành 14,418 triệu m3. Với những số liệu trên, có thể thấy năng lực sản xuất trong nước đã có được sự cải thiện, bất chấp những khó khăn vừa trải qua tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ảnh chụp màn hình giá xăng thị trường thế giới theo globalpetrolprices

Cũng trong báo cáo này, Bộ Công Thương cho biết tính từ đầu năm 2022 tới nay, sau 6 kỳ điều hành đều tăng giá thì mức tăng là 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91 - 39,56%.

Bộ này cũng khẳng định việc liên tục chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu từ 100 - 1.500 đồng/lít đã góp phần tác động để mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore, biến động tăng từ 44,01 - 60,02%). Như vậy, giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn thế giới từ 19,1 - 20,46%.

Không chỉ Bộ Công thương, trước đó, Bộ Tài chính cũng khẳng định “giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực" khi so sánh với Trung Quốc (26.611 đồng/lít), Lào (30.665 đồng/lít) và Campuchia (26.184 đồng/lít).

Bộ Công thương phải làm gì?

Xăng dầu là một trong những mặt hàng đặc biệt quan trọng, được đặt trong rổ bình ổn giá, trong khi vừa phải chịu áp lực biến động tiêu cực của giá xăng dầu thế giới, chúng ta vẫn phải vận hành đảm bảo mức tăng giá xăng dầu nội địa ở trong ngưỡng tác động thấp nhất đến thị trường chung là bài toán không đơn giản.

Nếu tuân theo cơ chế thị trường một cách tuyệt đối, giá xăng dầu thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước chắc chắn phải tăng tương ứng, nhất là khi nguồn nhập khẩu chiếm tới 30% tổng mức tiêu thụ.

Nhưng vì là mặt hàng cần bình ổn giá nên vai trò điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương càng cần thể hiện rõ và phải được thực hiện một cách linh động, kịp thời.

Người dân xếp hàng dài chờ bơm xăng trước giờ tăng giá

Ảnh: Tùng Giang

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương chỉ ra hàng loạt các hành động để chứng minh cho việc điều hành thị trường xăng dầu trong nước của mình như phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, liên tiếp chi Quỹ Bình ổn giá...

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong thời gian tới, cụ thể như:

Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung; Cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022; Phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát...

Ngoài ra là các công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm điều hành và nhanh chóng giải quyết vướng mắc.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công thương cũng có kế hoạch yêu cầu chủ động nguồn hàng, chia sẻ nguồn cung, tăng công suất sản xuất, công bố kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước 45 ngày...

Bày tỏ quan điểm góp ý về công tác điều hành giá xăng dầu trong nước, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Bộ Công thương cần kiểm soát được nguồn cung và cả nguồn dự trữ từ 5 - 6 tháng để bảo đảm chủ động nguồn cung trong nước; Khuyến khích doanh nghiệp bằng cách giảm thuế nhập khẩu.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, 40% trong giá xăng dầu là thuế phí nên còn dư địa để giảm giá, ví dụ như xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, thuế VAT nhưng điều chỉnh chính sách về thuế cần sự đánh giá, tính toán một cách toàn diện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.