Nóng lòng chờ ngày đi metro TP.HCM

05/10/2024 05:45 GMT+7

Chỉ còn 2 tháng nữa, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM sẽ chính thức được đưa vào khai thác, hiện thực hóa "giấc mơ metro" của người dân TP sau gần 20 năm mong mỏi.

Chốt đích lần cuối?

Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) thông tin từ ngày 1.10, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đã chính thức vận hành thử (trial run) sau một thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên Công ty HURC1. Quá trình vận hành thử sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 được chủ trì bởi các chuyên gia tư vấn NJPT của Nhật Bản, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện bởi nhân viên của Công ty HURC1.

Công tác này dự kiến kéo dài đến 17.11 với 47 kịch bản khác nhau, từ vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu… ở các vị trí khác nhau trên phạm vi toàn tuyến metro số 1 (bao gồm đoạn trên cao và trong đường hầm).

Nóng lòng chờ ngày đi metro TP.HCM- Ảnh 1.

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM sẽ vận hành vào tháng 12

ẢNH: NGUYỄN ANH

Trước khi vận hành thử, MAUR cũng đã hoàn thành ký kết các thỏa thuận với nhà thầu Hitachi và các nhà thầu xây dựng về việc sử dụng trang thiết bị của các nhà thầu phục vụ cho công tác đào tạo và vận hành thử. Trong quá trình này, các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại sau này với khoảng cách giữa các chuyến là 4 phút 30 giây. Nhân viên vận hành của tất cả các vị trí đều được huy động bao gồm nhân viên lái tàu, điều độ ở trung tâm điều khiển (OCC), nhân viên ở các nhà ga… Tổng cộng sẽ có 71 nhân viên tham gia vận hành thử trong mỗi ca làm việc và dự kiến mỗi ngày có 2 ca làm việc.

Metro số 1 TP.HCM sẽ vận hành vào tháng 12.2024

Song song với quá trình trial run, các chuyên gia tư vấn đánh giá an toàn hệ thống BVT (Liên danh Bureau Veritas của Pháp và TEDI của VN) sẽ tiến hành theo dõi, chứng kiến và đánh giá sự thành thạo của nhân viên Công ty HURC1 trong các tình huống khẩn cấp.

Dự kiến từ 18 - 31.11, phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá an toàn để trình nộp cho Cục Đường sắt thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của luật Đường sắt. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ tiến hành nghiệm thu để chấp thuận đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại. Đáng chú ý, trong thông báo lần này, MAUR đã đưa ra mốc thời gian cụ thể dự kiến chạy tàu metro số 1 trong tháng 12, thay vì chỉ nói chung chung vào cuối năm như những thông báo trước.

"Hy vọng tháng 12 sẽ là đích cuối cùng mà metro số 1 hứa hẹn", anh Trần Thanh Tâm (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ. Sang Đức du học về chuyên ngành kỹ thuật cầu đường, sau đó trở về nước từ 2013, anh Trần Thanh Tâm vẫn luôn dõi theo từng bước trên hành trình của tuyến metro số 1. Với anh, metro số 1 không chỉ đánh dấu một bước tiến rất lớn đối với ngành giao thông TP, là minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ của TP.HCM trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, mà còn là bệ phóng giúp TP.HCM nói riêng, đất nước nói chung chuyển mình phát triển mạnh mẽ. 

"Một phương tiện hiện đại có mặt tại TP.HCM không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân mà còn là "bàn đạp" để phát triển kinh tế, du lịch. Sau khi hoàn thành tuyến metro đầu tiên, TP.HCM sẽ có thêm cơ sở cả về kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai tiếp các tuyến khác. Tôi tin rằng không riêng gì tôi mà rất nhiều người đang nóng lòng chờ ngày dự án này đi vào hoạt động. Chúng ta có quyền tự hào và hy vọng thêm về những chuyến tàu mới trong tương lai", anh Trần Thanh Tâm hào hứng chia sẻ.

Từ Hà Nội, bác Nguyễn Tiến Lập (cán bộ hưu trí) cũng đếm từng ngày mong ngóng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức khai trương để thực hiện "chuyến đi để đời" bằng tàu hỏa từ Bắc vào Nam rồi đi metro. "Tôi đã đến hầu hết các danh lam thắng cảnh của VN, đã đi máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, đi metro Cát Linh - Hà Đông, giờ chỉ còn được đi metro TP.HCM nữa là trọn vẹn một đời phiêu bạt. Tuyến này dài và được đi ngầm. Đó là điều tôi mong chờ nhất", bác Lập nói.

TP mong muốn người dân cùng chung tay làm metro

Không chỉ dành nhiều kỳ vọng cho tuyến metro số 1, người dân TP.HCM còn rất đồng lòng chia sẻ cùng TP trên hành trình phủ mạng lưới metro. Suốt nửa đầu năm nay, những hộ dân cuối cùng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) đã tất bật sửa sang lại nhà cửa sau khi tháo dỡ, di dời lùi vào trong để nhường mặt bằng cho việc xây dựng tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Có những gia đình phải lùi vào tới 1/3 căn nhà nhưng vẫn chấp nhận xử lý nhanh nhất có thể để tuyến metro số 2 sớm có mặt bằng "sạch" thi công. 

Theo dự kiến của MAUR, ngay sau khi tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động, MAUR cũng sẽ khởi công tuyến số 2. Dự án hiện cũng đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Qua các bước chuẩn bị, mục tiêu đề ra là thi công các hạng mục nhà ga, tuyến chính vào năm 2025, đảm bảo đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với việc chạy đua tiến độ tuyến số 1 và số 2, TP.HCM cũng đang chuẩn bị trước nhiều công tác để có thể thực hiện ngay đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035, TP sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km, sau đó tiếp tục làm thêm hơn 168 km để nâng tổng số chiều dài mạng lưới metro lên hơn 351 km vào năm 2045. Sơ bộ tổng cầu vốn đầu tư cho đường sắt đô thị đến năm 2035 của TP.HCM khoảng 34,92 tỉ USD. Trong đó, TP.HCM cân đối được 25,17 tỉ USD và đề nghị T.Ư hỗ trợ có mục tiêu khoảng 9,75 tỉ USD.

Tại phiên làm việc thứ ba của Đại hội đại biểu Ủy ban MTTQ VN TP.HCM lần thứ 12 vào sáng 3.10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu nói trên, TP sẽ huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách nhà nước, thu từ phát triển đô thị, đầu tư công. Đặc biệt, TP sẽ có cơ chế phát hành trái phiếu, bao gồm trái phiếu đường sắt đô thị, để huy động nguồn lực từ người dân. Người đứng đầu UBND TP bày tỏ mong muốn người dân TP.HCM chung tay góp sức thực hiện các dự án quan trọng, thông qua việc mua trái phiếu.

"Thay vì gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất có thể cao hơn, việc mua trái phiếu đường sắt đô thị tuy lãi suất có thể thấp hơn, nhưng đó là cách chúng ta đóng góp vào sự phát triển của TP. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện được những việc lớn lao này", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP cũng cho biết khi nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, nguồn vốn đầu tư đường sắt đô thị chủ yếu từ ngân sách, chỉ một số hạng mục có nguồn lực xã hội. Đơn cử như ở Busan (Hàn Quốc), nguồn thu từ bán vé, quảng cáo, chi phí cho thuê mặt bằng chỉ chiếm 40 - 50%, còn lại phải cấp bù ngân sách thông qua cơ chế khai thác quỹ đất dọc tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng). Từ đó, ông Mãi phân tích nếu chia 36 tỉ USD trong 10 năm, mỗi năm gần 4 tỉ USD thì "không phải quá nhiều", bao gồm cả huy động nguồn vốn và trả nợ sau này. TP không đặt vấn đề vay ODA mà sẽ vay trong dân thông qua trái phiếu đường sắt đô thị. Các ngân hàng khẳng định nếu lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ thì sẽ huy động tốt khoản này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.