Bất ngờ giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Có rẻ hơn máy bay?

Bất ngờ giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Có rẻ hơn máy bay?

Mai Hà
Mai Hà
02/10/2024 05:54 GMT+7

Dự kiến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541 km được chia thành 4 dự án thành phần triển khai đồng thời, hoàn thành vào 2035. Giá vé tàu tốc độ cao bằng 75% trung bình hàng không giá rẻ.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án đang được nhiều người dân cả nước quan tâm.

Bất ngờ giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Có rẻ hơn máy bay?

Tốc độ 350 km/giờ

Theo dự thảo tờ trình của Chính phủ, tốc độ 250 km/giờ đã phát triển từ cách đây 50 năm và hiện tại chỉ phù hợp với các tuyến đường ngắn và trung bình.

Còn với hành lang Bắc - Nam, dài hơn 1.500 km và nối liền nhiều đô thị lớn, tốc độ 350 km/giờ sẽ giúp thu hút nhiều hành khách hơn.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc chọn tốc độ 350 km/giờ không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/giờ.

Dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn từ 8 - 9%, nhưng đây là một quyết định có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo sự hiện đại và đồng bộ với các tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới.

Giá vé dự kiến

Giá vé dự kiến của tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ vào khoảng 75% giá vé trung bình của hàng không giá rẻ và phổ thông.

Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau. Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn, tiết kiệm thời gian.

Bất ngờ giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Có rẻ hơn máy bay?- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ kết nối các đô thị lớn mà còn dự kiến bố trí 23 ga hành khách trên toàn tuyến, đi qua địa phận 20 tỉnh thành, trong đó mỗi địa phương bố trí 1 ga khách gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

ẢNH MINH HỌA

Riêng Hà Tĩnh bố trí thêm ga Vũng Áng là ga hàng có đón tiễn khách, đồng thời là ga kết nối với tuyến đường sắt Mụ Giạ - Vũng Áng. Vũng Áng là khu kinh tế lớn khu vực bắc miền Trung nên dự báo cho thấy nhu cầu vận tải hành khách đi lại tương đối lớn.

Hai tỉnh Bình ĐịnhBình Thuận bố trí thêm ga Bồng Sơn và ga Phan Rí để phục vụ tác nghiệp trong quá trình khai thác. Theo nghiên cứu của tư vấn, phương án bố trí ga khách của tuyến tương đồng với tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải (chiều dài hơn 1.310 km, tốc độ thiết kế 380 km/giờ, bố trí 24 ga).

Với địa hình phức tạp của Việt Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ sử dụng ba loại kết cấu chính: cầu chiếm khoảng 60% chiều dài tuyến, hầm chiếm 10%, và nền đất chiếm 30%. Điều này không chỉ giúp tuyến đường đi qua nhiều vùng địa hình khác nhau một cách hiệu quả mà còn đảm bảo tính ổn định và an toàn khi vận hành.

Các dự án thành phần

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài lớn (dự kiến khoảng 1.541 km, trong đó 70% là công trình cầu, hầm có yêu cầu khảo sát thiết kế phức tạp).

Do đó, để rút ngắn thời gian thực hiện, huy động tối đa nguồn lực, các nhà thầu trong nước tham gia thực hiện, Chính phủ dự kiến phân chia thành 4 dự án thành phần và đồng thời triển khai.

Bất ngờ giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Có rẻ hơn máy bay?- Ảnh 2.

Sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỉ USD

ẢNH MINH HỌA

Dự án thành phần 1: đoạn từ ga Ngọc Hồi (tại Hà Nội) đến ga Vinh (ở Nghệ An) có tổng chiều dài khoảng 281 km.

Dự án thành phần 2: đoạn từ ga Vinh đến ga Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 420 km.

Dự án thành phần 3: đoạn từ ga Đà Nẵng đến ga Diên Khánh (ở Khánh Hòa) có tổng chiều dài khoảng 480 km.

Dự án thành phần 4: đoạn từ ga Diên Khánh đến ga Thủ Thiêm (tại TP.HCM) có tổng chiều dài khoảng 360 km.

Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỉ USD.

Đường sắt Bắc - Nam 67 tỉ USD tốc độ cao 350 km/giờ đi qua những đâu?

Với dự kiến tổng mức đầu tư là hơn 67 tỉ USD, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5 - 5,7% GDP như hiện nay. Chính phủ đề xuất bố trí nguồn vốn đầu tư công.

Sau khi hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao, dự kiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị. Đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành cũng sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.