Chỉ 3 tuần tuổi cây dâu tây đã có trái là chuyện có thật tại vườn dâu của vợ chồng anh Nghiêm Văn Minh (Việt kiều Pháp) và chị Nguyễn Thị Bích Thủy ở khu du lịch (KDL) hồ Than Thở (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).
Du khách tham quan vườn dâu của gia đình anh Minh - chị Thủy. Ảnh: Biofresh cung cấp
|
Anh Minh kể hồi năm 2010, khi đi dạo ở chợ Đà Lạt, vợ chồng anh thấy người ta bày bán trái dâu tây liền mua ăn thử, nhưng lại không thấy có mùi vị thơm ngon như được ăn ở bên Pháp. Lấy làm lạ, anh bắt đầu tìm hiểu rồi bất ngờ “dính” vào loại cây này với mong muốn tìm ra một giống dâu tây sạch cho Đà Lạt, dù chuyên môn của anh là lĩnh vực phần mềm, còn chị Thủy làm du lịch.
Nhờ bạn bè là những chuyên gia nông nghiệp giỏi trong lĩnh vực trồng dâu ở Pháp, anh Minh liên lạc, tìm hiểu về cây dâu tây và trực tiếp sang các vườn dâu bên ấy xem cách canh tác và chất lượng dâu thế nào. Từ đó, vợ chồng anh lập Công ty TNHH Sinh Học Sạch (Biofresh) tại Đà Lạt và nhập giống, phân bón, giá thể về trồng dâu. Thậm chí, vợ chồng anh còn gói cả mẫu đất, cây dâu, trái dâu, đến cả giá thể trồng, phân bón, nước để gửi sang Pháp nhờ chuyên gia phân tích.
Sau khi nghiên cứu, chọn lọc, gia đình anh chị giữ lại 3 giống dâu Pháp (có bản quyền) phù hợp có tên Mara Des Bois, Charllot, Maika và tháng 6.2011 bắt đầu trồng. Tuy nhiên, mấy năm qua anh chị luôn phải “bầm dập” vì liên tục dời địa điểm trồng. Mãi đến năm 2014, khi dời vườn dâu về KDL hồ Than Thở, anh chị mới tương đối ổn định và anh Minh dành thời gian nhiều hơn cho việc nghiên cứu. Theo chị Thủy, vườn dâu Pháp ở KDL này của gia đình anh chị rộng 2 ha, được trồng theo công nghệ Pháp, đảm bảo sạch hoàn toàn. Hằng ngày vườn dâu cho thu hoạch từ 200 - 300 kg, bán với giá bình quân 150.000 - 250.000 đồng/kg. Mấy tháng qua, mỗi tháng vườn dâu còn đón cả ngàn lượt du khách đến tham quan.
Với việc áp dụng thành công công nghệ và kỹ thuật vào sản xuất, bình quân vườn dâu của gia đình anh Minh - chị Thủy cho thu hoạch sau khoảng 2,5 tháng từ khi xuống giống, nhanh hơn bình thường. Vẫn chưa hài lòng, sau thời gian nghiên cứu, ngày 20.3 vừa qua, anh Minh đã bắt đầu trồng thử nghiệm một số cây dâu tây trong vườn với quy trình kỹ thuật, công nghệ rất khoa học và kết quả rất đáng ngạc nhiên - chỉ 3 tuần tuổi cây bắt đầu có trái trong khi cây vẫn sinh trưởng, phát triển rất khỏe mạnh. “Theo quan sát hằng ngày, có thể đúng 1,5 tháng tuổi là cây cho thu hoạch trái và rất nhiều khả năng thử nghiệm này sẽ thành công. Việc trồng cây siêu nhanh này hoàn toàn áp dụng khoa học kỹ thuật chứ không có chút nào là bơm thuốc kích thích hay can thiệp vấn đề gì vào cây. Quy trình này thành công, chúng tôi sẽ chuyển giao có điều kiện (vì liên quan đến bản quyền giống) cho nông dân trồng...”, anh Minh nói.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho hay bình thường cây dâu tây hiện nay trồng khoảng 3 tháng trở lên sẽ cho thu hoạch. Còn với cây dâu tây của anh Nghiêm Văn Minh dự kiến cho thu hoạch sau 1,5 tháng - nếu thành công, cây sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại năng suất, hiệu quả cao thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên, đây đang là thử nghiệm, nên cần theo dõi cả chu kỳ của cây mới biết đánh giá cụ thể như thế nào.
Bình luận (0)