Tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic VN, xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”, do Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ KH-CN tổ chức ngày 12.5 ở TP.HCM, các chuyên gia cho biết năm 2012 tổng giá trị của thị trường hữu cơ thế giới đạt 63 tỉ USD, đến năm 2014 tăng lên 72 tỉ USD. Mỹ là nước có thị trường phát triển nhất với tổng giá trị trên 17 tỉ USD, kế đến là Đức với khoảng 8 tỉ USD, các nước châu Âu, Canada, Úc và cả Trung Quốc. Còn tính theo bình quân đầu người thì Thụy Sĩ là nước tiêu thụ mạnh nhất sản phẩm hữu cơ với khoảng 221 EUR/người/năm.
Ở VN, việc sản xuất sản phẩm hữu cơ không chỉ là xu thế, mà là đòi hỏi cấp bách nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn đang có xu hướng gia tăng. Hiện ở VN có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ, sản phẩm làm ra cũng rất đa dạng từ lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức uống... Thế nhưng, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) còn rất nhỏ bé với khoảng 0,2% tổng diện tích đất sản xuất, tương đương khoảng 23.400 ha.
Sản xuất đã khó, tiêu thụ càng khó
|
|
Còn ông Nguyễn Đại Thắng, chủ trang trại chăn nuôi heo Bảo Châu, cho biết làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, bán được càng khó hơn. Người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm thường, đâu là sản phẩm hữu cơ, cũng không nhiều người hiểu được lợi ích của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thường, trong khi giá bán lại cao hơn nên rất khó tiêu thụ. “Chúng tôi vừa đóng vai nông dân sản xuất, nhà bán hàng, nhân viên tiếp thị sản phẩm. Một người làm một việc đã khó nay lại phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc nên thật sự là rất khó khăn”, ông Thắng nói.
Cần chính sách đồng bộ
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh nhìn nhận để thúc đẩy NNHC phát triển cần phải có chính sách đồng bộ. “Chính sách thiếu là điểm yếu của chúng ta hiện nay”, ông Khánh nói và cho rằng trước hết cần rà soát lại đất đai xem khu vực nào chưa bị ô nhiễm, có thể sản xuất được sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó xây dựng chính sách hỗ trợ, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn NNHC và đặc biệt là hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Tương tự, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cơ chế chính sách cho phát triển NNHC đã có nhưng chưa hoàn chỉnh, cần bổ sung. “Chúng tôi sẽ sẵn sàng ngồi lại với doanh nghiệp để cùng nhau tìm cách thúc đẩy phát triển nền NNHC”, ông Nam nói.
TS Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, lưu ý chính sách cho NNHC phải ở tầm quốc gia, mang tính đột phá để chuyển dần nền sản xuất từ hóa học hiện nay sang nền sản xuất thân thiện với môi trường. Do phải mất ít nhất 3 năm chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp bình thường sang sản xuất hữu cơ, nên các chính sách về đất đai và tín dụng phải dài hơn so với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông thường, lãi suất vay phải thấp hơn. Kèm theo đó là các chính sách về thuế, phí cũng phải được ưu đãi hợp lý...
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bổ sung NNHC không chấp nhận sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gien - GMO, chính vì vậy cần phải có chính sách về giống cây trồng vật nuôi phù hợp. Chính sách phát triển nghiên cứu khoa học, sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ chăm sóc cây trồng vật nuôi; các chính sách liên kết phát triển sản xuất với tiêu thụ, thu hoạch, bảo quản... cũng cần được tính toán cụ thể.
Bình luận (0)