Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn lại được người tiêu dùng quan tâm như hiện nay. Hàng loạt vụ phù phép, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn bị phanh phui trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.
Thịt bẩn vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ bị Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện, ngăn chặn - Ảnh: hoàng việt |
Nỗi lo thực phẩm bẩn
Những tháng đầu năm 2016 đã có hàng loạt vụ kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm bẩn bị phanh phui, khiến dư luận phẫn nộ.
Mới đây nhất là vụ người dân TX.Sông Cầu (Phú Yên) dùng chất nhuộm vải công nghiệp để nhuộm ruốc tôm bán cho thương lái. Ngày 13.4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản Phú Yên đã công bố kết quả kiểm nghiệm về hóa chất kể trên.
Theo đó, trong 3 mẫu chất dùng nhuộm ruốc có 1 mẫu hợp chất hóa học, không được dùng trong chế biến thực phẩm. Đây là hợp chất hóa học Rhodamine B, thành phần của phẩm màu công nghiệp, có thể gây độc cấp và mãn tính; khi bị tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ gây độc cho gan, thận, hệ thần kinh và có thể gây ung thư.
Trước đó, ngày 3.2, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng Q.3 bất ngờ kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt sạch thuộc Công ty TNHH Bính Hạnh (số 209/14 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3) phát hiện các nhân viên tại đây đang có hành vi sơ chế thịt heo nái thành thịt bò.
Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 2 tấn thịt heo nái đựng trong tủ đông và bên ngoài để chuẩn bị “hô biến” thành thịt bò bằng cách ngâm với hóa chất và huyết bò trước khi bán ra thị trường.
|
Hoang mang gạo giả, gạo dỏm
Ngoài những vụ thực phẩm bẩn từ các loại thịt còn có rất nhiều vụ như rau xanh tưới nhớt, mới phun thuốc trừ sâu đã cắt bán; trái cây ngâm hóa chất được phát hiện. Đáng ngại hơn, hiện nay, sản phẩm gạo cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến người tiêu dùng bất an.
Mới đây là trường hợp cơm ăn không hết, để đến hôm sau cơm chuyển sang màu hồng. Dù chưa có kết quả kiểm nghiệm nhưng ít nhiều khiến dư luận hoang mang. Hay trước đó là “nghi án” gạo giả Trung Quốc xuất hiện ở TP.HCM, khi đem rang cháy bốc mùi khét hôi và vón cục... Thêm vào đó là gạo nhập nhằng xuất xứ, gạo nội nhưng mang nhãn ngoại; gạo đấu trộn giữa chất lượng cao và chất lượng thấp cũng xuất hiện nhan nhản.
Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết bây giờ việc chọn thực phẩm hằng ngày cho gia đình luôn khiến chị lúng túng. “Không chỉ lo đổi món cho đỡ ngán, tôi còn phải suy nghĩ, tìm cách chọn loại thực phẩm nào ít rủi ro nhất”, chị Phượng nói.
Còn chị Nguyễn Như Hoàng (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Thực sự do công việc bận, mình không có nhiều thời gian lựa chọn thực phẩm mỗi ngày. Không thể biết được nguồn gốc thực phẩm dù mình vẫn mua ở chỗ quen”.
Người tiêu dùng đang thực sự bối rối trước “ma trận” thực phẩm bẩn và không biết làm thế nào chọn được thực phẩm an toàn.
Có một thực tế là các sản phẩm nông sản của VN vẫn đang xuất khẩu mạnh, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật, châu Âu, Mỹ… nhưng nghịch lý là sản phẩm tiêu thụ nội địa lại đang có vấn đề.
Điều này chứng tỏ khâu quản lý sản phẩm lương thực thực phẩm tiêu thụ nội địa đang bị buông lỏng. Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan là do ý thức trách nhiệm trong quản lý của các cơ quan nhà nước, của chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mới đây, tại buổi ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”, lãnh đạo TP.HCM cũng như các bộ ngành đều nhìn nhận, đã đến lúc hành động quyết liệt hơn nữa để loại trừ thực phẩm bẩn, bảo vệ người tiêu dùng.
Bình luận