Nông nghiệp lập hàng loạt kỷ lục

12/01/2024 06:45 GMT+7

Ngành nông nghiệp VN trong năm qua đã chứng tỏ vai trò là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, thiết lập hàng loạt kỷ lục mới trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy thoái.

Những lần đầu tiên ngoạn mục

Nói về thành tựu cả năm 2023, Bộ NN-PTNT tự hào toàn ngành tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Nông nghiệp lập hàng loạt kỷ lục- Ảnh 1.

Xuất khẩu lúa gạo lần đầu tiên đạt mức 8,3 triệu tấn

CÔNG HÂN

Nông nghiệp lập hàng loạt kỷ lục- Ảnh 2.

"Đây là một sự cố gắng, quyết tâm lớn của cả ngành trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua, và đặc biệt là thiết lập hàng loạt kỷ lục mới", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định. Thực tế, năm 2023 có thể gọi là năm của kỷ lục xuất khẩu nông sản. Đầu tiên là gạo, năm vừa rồi VN xuất khẩu sản lượng cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn và nhiều thời điểm trong năm, giá gạo VN phá vỡ kỷ lục, cao nhất thế giới.

Xuất khẩu rau quả cũng lần đầu tiên đạt kim ngạch gần 5,7 tỉ USD, đáng nói hầu hết các loại cây ăn quả đều có giá bán cao, giúp nông dân làm giàu.

Một dấu ấn quan trọng được thực hiện trong năm 2023 là xuất siêu ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục với 12,7 tỉ USD, tăng 43,7%. Có 6 nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm gạo, rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: "Một điều quan trọng nữa là lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Trong năm 2023 cả nước đã có 1.400 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trong ngành lên trên 16.100, tăng 7,3% so với năm 2022. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nafoods, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì con số tăng trưởng này là một thành tích rất đáng kể. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô".

Một "lần đầu tiên" nữa, đó là tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt gần 90%, lần đầu tiên bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, với đơn giá 5 USD/tấn, ngành lâm nghiệp đã thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng)…

Tiếp tục là trụ đỡ

Nhìn lại lịch sử xuất khẩu, phải thừa nhận là có những khoảng thời gian, nông nghiệp bị thụt lùi, thậm chí lép vế so với nhiều ngành khác. Thế nhưng từ khi đại dịch Covid-19 ập đến và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông sản đã được khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận xét: "Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng kinh tế năm 2023 của VN vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm trước. Trong đó, phải khẳng định ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là các tháng cuối năm. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4/2023 khởi sắc hơn so với các quý trước, góp phần đưa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2023 tăng 6,2%".

Tuy nhiên, theo bà Hương, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: nhiều loại vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đã làm tăng chi phí sản xuất; diện tích cây điều, cao su, hồ tiêu tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế không cao; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; sản lượng gỗ khai thác tăng thấp do các doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

"Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của VN. Tuy nhiên theo tôi, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế", bà Hương dự báo.

Chia sẻ niềm vui với thành tựu của lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bộc bạch: "Năm 2024 dù ở ngành nào, lĩnh vực nào, chúng ta cũng cần làm tốt 2 nhiệm vụ: Thứ nhất là, thay đổi phương pháp làm việc gắn với chuyển đổi công nghệ. Ví dụ như viễn thám, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ được con người sử dụng để có được bản đồ rủi ro thiên tai, quy hoạch thủy lợi, vùng trồng… Thứ hai là, năm 2024 là năm của kết nối giảm phát thải với tăng trưởng xanh trong tất cả các nhiệm vụ của ngành từ trồng trọt, chăn nuôi, thú y… Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ đạt được những kết quả nổi bật hơn nữa".

Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu ngành nông nghiệp trong năm 2024 bao gồm: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỉ USD; tăng 1 - 2 tỉ USD so với năm 2023. Được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn song với lợi thế của nhiều mặt hàng nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp năm nay hoàn toàn có khả năng đạt kế hoạch đề ra và chúng ta có thể kỳ vọng những kỷ lục mới của ngành này. 

Những loại nông sản sẽ bị lép vế

Theo Bộ NN-PTNT, dự báo năm 2024 cây lương thực, thực phẩm sẽ giảm dần diện tích do bị cạnh tranh bởi lúa gạo và cây ăn quả. Trong đó bắp ngô dự kiến sản lượng 4,42 triệu tấn, giảm 0,1%; sắn đạt sản lượng 10,43 triệu tấn, giảm 1,8%; đậu phộng đạt sản lượng 401.600 tấn, giảm 1,6%; đậu tương sản lượng 48.300 tấn, giảm 7,3%.

Các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, chè, hồ tiêu, cao su, điều… cũng giảm diện tích và sản lượng đáng kể do sự lấn át của cây ăn quả.

Xuất khẩu rau quả năm 2023 được giá nên diện tích trồng rau và các loại cây ăn quả tăng trưởng mạnh. Trong đó diện tích trồng rau đạt 1 triệu ha, tăng 11.300 ha; sản lượng rau đạt 19,07 triệu tấn, tăng 3,7%. Diện tích cây ăn quả năm 2023 cũng đạt 1.250.000 ha, tăng 28.600 ha. Đặc biệt sản lượng sầu riêng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 39%; chôm chôm đạt 325.000 tấn, tăng 3,4%; dứa đạt 724.000 tấn, tăng 2,9%; xoài đạt 1 triệu tấn, tăng 2,1%; nhãn 635.000 tấn, tăng 1,6%; vải 370.000 tấn, tăng 1,2%. Tuy nhiên, 2 loại cây ăn quả gồm bưởi và thanh long giảm sản lượng do giá bán thấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.