Nông nghiệp phải giảm phụ thuộc vào nhập khẩu

30/05/2022 05:54 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị đối thoại với nông dân toàn quốc, diễn ra ngày 29.5, do T.Ư Hội Nông dân VN và tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức tại Sơn La.

Chia sẻ với người nông dân đang chật vật vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao, Thủ tướng bày tỏ không hài lòng về quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, dẫn tới các giống cây ngắn ngày như ngô, đậu tương chúng ta cũng phụ thuộc nhập khẩu để bị tác động nặng nề của cơn bão giá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho đại biểu nông dân tham gia đối thoại trong ngày 29.5

Hiếu Lê

Phụ thuộc cả ngô, đậu tương...

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Hòa Mỹ, chăn nuôi lợn công nghệ cao xã Vạn Hòa (H.Ứng Hòa, Hà Nội), phản ánh giá cả nhiều vật tư nông nghiệp, trong đó có thức ăn chăn nuôi đều tăng rất cao so với trước dịch Covid-19. Nhiều hộ chăn nuôi chịu thua lỗ, phải treo ao, treo chuồng. "Trước tình hình này, xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ chúng tôi", ông Thanh hỏi.

Được Thủ tướng ủy quyền trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng tăng giá vật tư nông nghiệp là vấn đề toàn cầu, không riêng gì quốc gia nào. Bộ Công thương có chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các loại vật tư nông nghiệp, không để găm giữ hàng, đẩy tăng giá. Nếu giá vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ sớm có chính sách bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, thậm chí phải trợ giá một số vật tư thiết yếu cũng như kiến nghị điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế.

Ông Diên khẳng định Bộ Công thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp, bởi theo tính toán, vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nếu tính toán tỉ mỉ vẫn có thể giảm giá thành sản phẩm, chia sẻ lợi ích, giúp nông dân giảm bớt khó khăn.

Chia sẻ với ông Thanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự không hài lòng khi nhiều vật tư nông nghiệp chưa tự chủ, phụ thuộc vào nhập khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay, ngành nông nghiệp phải nhập khẩu quá nhiều ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, trong khi đây là cây trồng ngắn ngày có thể xoay xở được thì các bộ, ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

"Chúng ta đưa ra giải pháp và phải hành động với quyết tâm cao để nông nghiệp giảm bớt phụ thuộc về nguyên liệu đầu vào. Chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm việc này chứ không phải "tính cua trong lỗ"”, Thủ tướng nói.

Đại diện nông dân Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Trâm, trú tại xã Minh Tân (H.Lương Tài), bày tỏ sản xuất nông nghiệp chủ yếu đang ở dạng sản xuất thô. Nông sản xuất khẩu cũng dưới dạng thô, chưa có chế biến sâu, nên giá trị thu về còn thấp. Bà Tâm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ chế biến nông sản cho nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành đối thoại định kỳ với nông dân

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân. Dự kiến, cuộc đối thoại này tổ chức trong khoảng tháng 4 - 5 hằng năm. Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải đối thoại với nông dân địa phương vào giữa 2 kỳ đối thoại của Thủ tướng để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề đã được phân cấp. Đối với các vấn đề nông dân kiến nghị tại hội nghị đối thoại năm 2022, Thủ tướng đề nghị phải có theo dõi và đánh giá để xem thực tế hiệu quả, chuyển biến ra sao.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, cũng cho rằng không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp. Nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hóa thì rõ ràng rất cần những chính sách hỗ trợ, tiếp sức từng ngành nghề, từng thời điểm. Chính sách cần nhất hiện nay là xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp đã đề cập rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn khác nhau nhưng nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cùng nhau nâng cao nhận thức tầm quan trọng, giá trị cũng như tập trung làm thương hiệu đối với nông sản, để nâng cao cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Trăn trở khó khăn trong tiêu thụ, ông Trần Như Kiên (H.Yên Châu, Sơn La) cho rằng, gần 3 năm nay, nhiều loại trái cây ở Sơn La gặp khó khăn vì giá giảm. Nông dân lãi ít, thậm chí thua lỗ khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn. “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?”, ông Kiên hỏi.

Theo Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đã có rất nhiều địa phương đàm phán với các thương nhân Trung Quốc để đưa nông sản vào sâu nội địa. Nông sản xuất khẩu không chỉ bán ở tiểu ngạch biên giới mà cần phải bán sâu vào nội địa phía bắc của Trung Quốc thì mới đảm bảo tính ổn định, an toàn. Nhưng để xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một quá trình và chúng ta phải chuẩn bị xây dựng quá trình này.

Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để giải quyết việc xuất khẩu nông sản sang chính ngạch Trung Quốc, trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó, các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn cụ thể về quy trình canh tác, sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm và đây là điều kiện để mở rộng, đa dạng thị trường tiêu thụ.

Cần cơ quan dự báo thị trường, để không còn “được mùa rớt giá”

Tại buổi đối thoại, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN, cho rằng chúng ta đã có chủ trương và khẩu hiệu“sản xuất theo tín hiệu thị trường”. Nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất.

Theo đó, ông Lương Quốc Đoàn kiến nghị, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Trực tiếp tháo gỡ khó khăn nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc, Thủ tướng khẳng định, thị trường này không còn dễ tính như trước đây. Trung Quốc đã kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn, nhất là tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế tiểu ngạch. “Nông sản muốn xuất khẩu thuận lợi vào Trung Quốc buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Thủ tướng nói.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề; ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường để góp phần điều chỉnh sản xuất.

Thủ tướng cho rằng, không thể giải quyết tất cả vấn đề trong một cuộc đối thoại nên những nội dung được nông dân phản ánh thì lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền trách nhiệm tiếp tục giải quyết, đảm bảo hiệu quả. “Tôi yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng”, Thủ tướng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.