Nông nghiệp Việt bỏ quên ứng dụng năng lượng nguyên tử

14/10/2016 10:07 GMT+7

Việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp có thể giúp VN tự chủ về giống, tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm nhưng lại đang bị bỏ quên.

Tại hội thảo quốc gia năng lượng nguyên tử (NLNT) phục vụ phát triển kinh tế xã hội do Bộ KH-CN tổ chức ngày 13.10, TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT (Bộ KH-CN), cho biết ứng dụng NLNT trong lĩnh vực nông nghiệp đã được thực hiện từ những năm 1980. Đến nay, việc chọn tạo giống đột biến đã có bước tiến đáng kể. Tính đến năm 2015, VN đã tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống, bao gồm: 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc... Trong đó, 65% số giống được tạo ra bởi Viện Di truyền nông nghiệp.
Tiết kiệm hàng trăm triệu USD


Theo đánh giá của IAEA năm 2014, VN là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực châu Á trong lĩnh vực nghiên cứu đột biến tạo giống. Hai lĩnh vực chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản chưa có được
những hoạt động triển khai cụ thể

TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Viện Di truyền nông nghiệp đã triển khai thực hiện hai đề tài nghiên cứu, tạo ra được hơn 650 dòng vật liệu đột biến lúa, đậu tương và hoa cúc. Nhờ xử lý chiếu xạ tia gamma, Viện Cây ăn quả miền Nam đã có giống cam sành không hạt LDD6 và giống bưởi đường lá cam ít hạt LĐ4. Bên cạnh đó, viện cũng đang có một số dòng có triển vọng từ chiếu xạ trên mầm ngủ của giống bưởi Năm Roi, cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng, thanh long ruột đỏ LĐ1, thanh long ruột tím hồng LDD5... Các dòng này sẽ được trồng thử nghiệm giống để phục vụ công tác công nhận giống mới.
Ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp mới được triển khai 4 trong 6 lĩnh vực, bao gồm: chọn tạo giống cây trồng, nông hóa, thổ nhưỡng, bảo vệ thực vật, bảo quản và chế biến. Theo đánh giá của IAEA năm 2014, VN là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực châu Á trong lĩnh vực nghiên cứu đột biến tạo giống. Hai lĩnh vực chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản chưa có được những hoạt động triển khai cụ thể”.
Ngoài ứng dụng trong chọn tạo giống, theo ông Tuấn, với diện tích 13 triệu ha đất dốc, chiếm khoảng 40% đất canh tác, nếu VN ứng dụng NLNT trong lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng nhằm giúp cho việc xây dựng các giải pháp khắc phục, quản lý và chống thoái hóa đất có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tấn phân bón nitơ và phốt pho với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Không bị lệ thuộc
Là người dành nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong nông nghiệp, GS-TS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác KHKT châu Á - Thái Bình Dương và đồng nghiệp đã tạo ra 3 giống lúa NPT4, NPT5 và QP-5 bằng đột biến tia gamma nguồn Co. Trong đó, NPT4 và NPT5 là những giống siêu lúa đạt năng suất cao, năng suất thực thu từ 9 - 11 tấn/ha, vượt giống lúa lai thế hệ mới nhất của Trung Quốc, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận lợi.
GS Quý bày tỏ: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà khoa học VN làm thế nào để tự túc được lương thực mà không phải lệ thuộc vào các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, các trung tâm chiếu xạ của chúng ta chỉ tập trung ở các bệnh viện, còn nông nghiệp chưa có trung tâm chiếu xạ riêng. Để chọn tạo giống, các nhà khoa học phải gửi nhờ giống đi chiếu xạ ở nước ngoài, hoặc các trung tâm chiếu xạ công nghiệp, y tế... vừa thiếu tính chủ động, vừa không chính xác”.
Theo GS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, rất nhiều nước trên thế giới đều có trung tâm ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp. Ở VN đã có quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Nếu được đầu tư đúng mức, VN sẽ không mất hàng ngàn tỉ đồng nhập giống từ nước ngoài. TS Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ KH-CN đang được giao chủ trì xây dựng luật NLNT sửa đổi, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét và ban hành vào năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.