Bi kịch 'người khổng lồ'

29/08/2016 05:10 GMT+7

Trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới, VN liên tục là 1 trong 3 nước dẫn đầu về sản lượng.

Hơn 20 năm qua, sản lượng lúa gạo của chúng ta cũng không ngừng tăng lên và không hề quá lời khi cho rằng, VN là một "người khổng lồ" trên thị trường lúa gạo toàn cầu. Chỉ tiếc rằng "người khổng lồ" lúa gạo Việt đang rơi vào bi kịch mất giá trị.
Bi kịch đầu tiên là không có thương hiệu. Do không có thương hiệu, gạo Việt luôn bị o ép, xuất khẩu với giá rẻ và ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Không chỉ thế, cả sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của VN ngày càng giảm. Năm 2012 sản lượng xuất khẩu gạo tăng 8,27% thì giá trị giảm gần 2% so với năm 2011. Sang năm 2013, cả sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo đều giảm sâu với tỷ lệ lần lượt là 13,45% và 16,23%. Nếu xuất khẩu gạo năm nay chỉ đạt 5,65 triệu tấn thì đây là năm đầu tiên sau 7 năm, sản lượng xuất khẩu gạo của VN xuống dưới ngưỡng 6 triệu tấn. Thậm chí gạo Việt giờ đây còn "sợ" cả gạo Campuchia, một "lính mới" trên thị trường cung ứng gạo thế giới. Bởi dù mới chỉ tham gia 5 - 6 năm nay nhưng Campuchia đã khẳng định được những thương hiệu gạo đẳng cấp, trong khi "người khổng lồ" gạo VN vẫn loay hoay với câu chuyện xây dựng thương hiệu. Không những thế, gạo Campuchia còn tràn qua và đang trở thành quen thuộc với người tiêu dùng VN.
Bi kịch thứ hai là chúng ta dồn chủ yếu diện tích nông nghiệp để trồng lúa, nhưng giá trị xuất khẩu gạo mang lại không đủ bù đắp cho nhập khẩu vật tư, nông sản khác. Đơn cử, để trồng lúa, chúng ta phải nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, giống, thiết bị nông nghiệp... Xuất khẩu gạo nhưng chúng ta phải nhập khẩu nhiều lương thực khác. Nếu như năm 2012, xuất khẩu gạo đạt 3,7 tỉ USD thì nhập khẩu ngô, đậu tương, lúa mì làm thức ăn gia súc, nguyên liệu chế biến và phục vụ ngành chế biến thực phẩm hết 4 tỉ USD. Khoảng cách giữa thu từ lúa và chi nhập khẩu hoa màu ngày càng tăng. Đến năm ngoái, xuất khẩu gạo mang về 2,9 tỉ USD thì chỉ riêng việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi "ngốn" mất 6,5 tỉ USD. Nếu nhìn tổng thể ngành lương thực chúng ta đang nhập siêu.
Bi kịch lớn nhất của “người khổng lồ” xuất khẩu gạo Việt là chính nông dân - những người đang ngày đêm đổ mồ hôi trên cánh đồng để VN trở thành "người khổng lồ", đã và đang rất nghèo. Trong khi Chính phủ hằng năm vẫn phải chi ngân sách để thu mua lúa dự trữ nhằm đảm bảo một định mức lợi nhuận nhất định cho họ.
Cũng chính vì các bi kịch này, VN đã lên chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang hoa màu. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 chúng ta giảm từ 700.000 - 1 triệu ha diện tích đất trồng lúa để giảm áp lực về xuất khẩu. Để khuyến khích việc chuyển đổi đất lúa, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 580 ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang cây ngắn ngày ở ĐBSCL. Định hướng này là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh xâm ngập mặn diễn ra ngày càng mạnh mấy năm trở lại đây. Chỉ tiếc rằng, chương trình đang triển khai hết sức ì ạch và manh mún. Đơn cử, theo chủ trương ĐBSCL sẽ chuyển đổi khoảng 200.000 ha đến năm 2020 nhưng cả năm 2015 chỉ đạt 3.600 ha. Ở một số địa phương thậm chí còn xuất hiện tình trạng đi ngược, nghĩa là diện tích lúa vẫn tăng.
Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp... đã được các cấp có thẩm quyền, giới chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và cả những người nông dân phân tích, đề xuất ở rất nhiều hội nghị, hội thảo trong mấy năm qua. Nhưng sự thiếu đồng bộ trong các cơ chế, chính sách (vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa nông nghiệp, giống, hỗ trợ...) đi kèm khiến "bi kịch của người khổng lồ" trong xuất khẩu gạo nói riêng và ngành nông nghiệp Việt nói chung chưa biết bao giờ kết thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.