“Đổ bệnh” mùa nóng
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, buổi sáng 4.4, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) đông nghịt phụ huynh dẫn trẻ đến khám. Cứ trong khoảng 5 bé thì đến 3-4 bé gặp các triệu chứng về hô hấp hay tiêu hóa.
Bác sĩ Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết, trời nóng các bệnh liên quan đến siêu vi trùng nói chung, đặc biệt là bệnh về hô hấp, tiêu hóa nói riêng tăng cao.
|
“Trong tuần nay, số bệnh nhi đến khám tăng hơn tuần trước khoảng 200 bệnh nhi mỗi ngày”, bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết.
Thứ hai là ngày có số khám bệnh đông nhất với hơn 5.000 trường hợp. Những ngày khác, trung bình có khoảng hơn 4.000 bệnh nhi tới khám tại bệnh viện.
Trong đó, các bệnh chủ yếu mà trẻ mắc phải trong những ngày nắng nóng này là bệnh về tiêu hóa, hô hấp hay sốt siêu vi.
Tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện trung bình có khoảng hơn 150 bệnh nhi đang nằm viện.
Trong khi đó, số trẻ nhập viện Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 chủ yếu là tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm.
|
“Ngoài ra, đang có xu hướng gia tăng bệnh tay chân miệng”, bác sĩ Thủy nhận định.
Bác sĩ Thủy cho biết, ghi nhận tại phòng khám thì trong tuần trước, có khoảng 70 ca đến khám mắc bệnh tay chân miệng mỗi ngày, qua đến tuần này, số ca bệnh đã tăng lên khoảng 90 ca mắc tay chân miệng/ngày.
Trời nóng, trẻ bị… nhiễm lạnh
“Những ngày trời nóng, khoa Khám bệnh tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp do… nhiễm lạnh”, bác sĩ Thủy nói. Theo bác sĩ Thủy, nguyên nhân chính là do phụ huynh cho trẻ nằm quạt, hạ thấp nhiệt độ máy lạnh quá độ.
“Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đang trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng nóng cũng làm cho cả người lớn và trẻ em bị choáng, đổ bệnh”, bác sĩ Đằng nói thêm.
Vì vậy, “phụ huynh nên giữ cho trẻ ở nhiệt độ bình thường, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh phù hợp. Ví dụ, buổi trưa hay chiều nóng thì có thể chỉnh 22-23 độ C. Nhưng trẻ sẽ không chịu nổi nhiệt độ này vào giữa khuya, khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp hơn. Vì vậy, khi đó trẻ sẽ thấy lạnh, dễ viêm đường hô hấp”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Bên cạnh đó, máy lạnh phải được vệ sinh thường xuyên để tránh trở thành "ổ vi khuẩn".
|
Bên cạnh đó, liên quan đến bệnh đường hô hấp, theo bác sĩ Đằng, còn do thời tiết khô, nóng thì ô nhiễm nhiều, đồng thời niêm mạc mũi bị khô cũng hạn chế khả năng “phòng vệ” với vi trùng. Điều này dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.
Việc uống nước đá liên tục cũng gây ra viêm họng cho trẻ.
Các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ trong giai đoạn này là viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản.
Mặt khác, bác sĩ Đằng phân tích: Trời nắng nóng cũng tạo điều kiện môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, thực phẩm dễ hư hỏng, ôi thiu và nhiễm siêu vi.
“Các hàng quán trên đường phố không đảm bảo, thức ăn, thức uống bày bán đầy đường, bị “phơi” ngoài bụi bẩn. Người dân lại mau nóng, mau khát, bạ đâu uống đó nên dễ dàng nhiễm khuẩn, dẫn đến tiêu chảy”, bác sĩ Đằng nói.
Vì thế, các bác sĩ khuyên mọi người nên cẩn trọng trong việc ăn uống vào mùa nóng để phòng ngừa bệnh tiêu hóa.
Trong tuần qua, tại các Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Đại học Y Dược TP.HCM cũng gia tăng bệnh nhân cao tuổi. Ghi nhận của Bệnh viện Nguyễn Trãi, mỗi ngày có gần 300 bệnh nhân cao tuổi đến khám các bệnh có liên quan đến thời tiết nắng nóng. Đa phần người cao tuổi có biểu hiện chung là mệt mỏi, biếng ăn, khó ngủ. Một số trường hợp cao huyết áp, rối loạn nhịp tim. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết thời gian này khoa có 140-150 bệnh nhân nằm viện mỗi ngày liên quan đến đột quỵ, mạch máu não. Trung bình khoa tiếp nhận 20-30 ca bệnh mới mỗi ngày. Đặc biệt, nhiều trường hợp đột quỵ do có bệnh sử bị cao huyết áp nhưng ở ngoài trời nắng nóng quá lâu. Các bác sĩ khuyến cáo, thường những lúc thay đổi thời tiết thất thường như nắng nóng hay lạnh giá thì số ca đột quỵ, tai biến tăng lên, những người già đã mắc các bệnh mãn tính cũng có nguy cơ trở nặng hơn. Điều đáng ngại là số người tuổi 30-40 bị đột quỵ ngày càng nhiều do hoạt động quá sức. |
Nguyên Mi
>> Nhiều trẻ bị bệnh hô hấp nặng do trời trở lạnh
>> Thai phụ ở vùng bão, con dễ bệnh hô hấp
>> Nhỏ hít khói thuốc lá, lớn dễ bệnh hô hấp
>> 6 cách phòng bệnh tiêu chảy
>> Cạo cao răng giúp ngừa đột quỵ
>> Cà phê, trà xanh giúp giảm nguy cơ đột quỵ
>> Ăn giảm đột quỵ
>> Miền Nam còn nắng nóng 5-6 ngày nữa
>> Miền Nam nắng nóng kéo dài
Bình luận (0)