Những cỗ máy tăng trưởng
Có thể nói, 2024 là năm thành công rực rỡ với xuất khẩu nông sản, năm kỷ lục của những kỷ lục. Đầu tiên, phải kể đến cà phê với kim ngạch 5,4 tỉ USD, tăng đến 29% so với năm 2023 và rau quả đạt 7,2 tỉ USD tăng 28%. Đây là 2 mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực nông sản.
Đối với hoạt động xuất khẩu cần tăng cường mở cửa thị trường, đặc biệt là đàm phán với Hàn Quốc về việc bỏ hạn ngạch đối với mặt hàng tôm cũng như mở rộng thị phần tại khu vực Trung Đông. Có thể tham khảo mô hình phát triển thương hiệu ẩm thực K-Food của Hàn Quốc để xây dựng mô hình V-Food cho VN.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN
Một ngành hàng nổi đình nổi đám suốt 2 năm qua không thể không nhắc đến là sầu riêng. Xuất khẩu sầu riêng năm 2024 tăng thêm hơn 1 tỉ USD, đạt 3,3 tỉ USD, tăng 46% về kim ngạch, sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2023. Mặc dù tăng mạnh, sầu riêng vẫn đang để ngỏ đường băng tăng trưởng tốt. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), phân tích: Kỹ thuật canh tác của bà con nông dân VN đã phát triển rất tốt. Nếu những năm trước sản lượng chỉ tăng thêm từ 5 - 10 tấn/ha thì hiện nay, nhà vườn đạt năng suất 30 - 40 tấn/ha không còn là chuyện hiếm. Kỹ thuật canh tác vụ nghịch cũng ngày một hoàn thiện, số lượng cây sầu riêng đến tuổi thu hoạch năm 2025 cũng tăng lên...
Những yếu tố này cho thấy nguồn cung sầu riêng của VN trong năm mới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Về thị trường, ngoài "người khổng lồ" Trung Quốc, các thị trường còn lại cũng tăng trưởng 2 - 3 con số. Vì vậy, ông Nguyên kỳ vọng nhiều khả năng kim ngạch của sầu riêng trong năm 2025 có thể đạt 4 tỉ USD.
Không chỉ sầu riêng, thời gian qua, nhiều mặt hàng rau quả của VN cũng xuất khẩu rất thuận lợi như chuối, mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu, chanh dây… Đặc biệt cuối năm ngoái, VN ký nghị định thư xuất khẩu dừa tươi vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó là mở cửa cho nhiều mặt hàng trái cây tươi vào Mỹ, Úc, Hàn Quốc. Với hàng loạt yếu tố tích cực như vậy, có thể thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành rau quả trong năm 2025 là rất lớn. "Trừ đi phần dự phòng cho những tình huống bất ngờ thì khả năng xuất khẩu rau quả năm 2025 vẫn sẽ tăng trưởng, ít nhất cũng 8 tỉ USD", ông Đặng Phúc Nguyên tự tin.
Sự lạc quan tương tự cũng được nhìn thấy với cà phê. Chưa bao giờ ngay vào cao điểm thu hoạch, giá cà phê lại ở mức cao như hiện tại, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, cà phê tươi đang có giá 20.000 đồng/kg, cà phê nhân 120.000 đồng/kg và cà phê robusta trên thị trường thế giới là hơn 5.000 USD/tấn. Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao VN (VICOFA), do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, sản lượng cà phê của VN tiếp tục duy trì mức thấp với khoảng 1,6 triệu tấn. Nguồn cung lớn nhất là Brazil cũng gặp khó khăn vì thời tiết.
Trên phạm vi toàn thế giới, nguồn cung cà phê ở mức thấp hơn so với nhu cầu đang tăng. Thêm một yếu tố tích cực với hạt cà phê VN là EU sẽ áp dụng quy định chống phá rừng. Hiện tại, VN là nước tích cực nhất trong việc tuân thủ quy định này nên hoạt động xuất khẩu cà phê của chúng ta sẽ tiếp tục thuận lợi khi quy định được áp dụng vào cuối năm 2025. Bên cạnh xuất khẩu thô thì thời gian qua, VN cũng đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu cà phê chế biến, cà phê hòa tan và xây dựng thương hiệu cà phê VN. Những yếu tố này sẽ góp phần giúp hoạt động xuất khẩu cà phê đạt những cột mốc mới.
Động lực mới cho những mặt hàng chủ lực
Với đà của năm 2024, năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục rực rỡ của nông sản xuất khẩu, ngay cả với những mặt hàng có thể giảm về lượng. Chẳng hạn như gạo, năm 2024, xuất khẩu đạt kỷ lục 9 triệu tấn, kim ngạch 5,8 tỉ USD. Năm 2025 với sự quay trở lại của Ấn Độ, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính xuất khẩu gạo của VN chỉ đạt khoảng 7,8 triệu tấn. Tuy nhiên, khách hàng lớn nhất của VN là Philippines vẫn tiếp tục tăng nhập khẩu với con số kỷ lục 5,4 triệu tấn nên khả năng giá gạo vẫn đứng ở mức cao. Mặt khác, VN đã chủ động chuyển đổi sản xuất để chuẩn bị cho bối cảnh Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu. Đáng chú ý nhất là việc các doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia các dự án sản xuất gạo phát thải thấp.
Mới nhất, có 8 doanh nghiệp gạo VN tham gia Dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở ĐBSCL - TRVC" do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với các đối tác VN thực hiện và được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc. Trong vụ lúa hè thu vừa qua cũng là vụ đầu tiên của dự án, kết quả kiểm toán cho thấy đã giảm được trên 27.000 tấn CO2 tương đương.
Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice) - một trong các doanh nghiệp tham gia dự án, chia sẻ: Kết quả giảm phát thải đã được kiểm toán độc lập bởi Công ty Regrow của Úc. Họ cũng có hệ thống cập nhật quản lý vùng nguyên liệu giúp các doanh nghiệp và nông dân có thể dùng công nghệ để quản lý đồng ruộng tốt hơn. Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ tự tin trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới này vào "Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phát thải thấp" của Chính phủ. Trên cơ sở này, VN sẽ có thể nhân rộng ra để xây dựng thương hiệu "gạo xanh, gạo phát thải thấp", tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.
Bên cạnh đó, thách thức lại được nhìn thấy với một ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác là thủy sản. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nói: Trong 5 - 6 năm qua, xuất khẩu thủy sản của VN cũng chỉ xoay quanh 8 - 10 tỉ USD trong khi mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 là kim ngạch 14 - 16 tỉ USD. Để đạt được con số này, tốc độ tăng trưởng phải từ 10 - 15%/năm nhưng ngành thủy sản toàn cầu mỗi năm chỉ tăng trưởng bình quân 5 - 6%.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng nêu trên, ngành thủy sản không chỉ cố gắng giữ vững thị phần mà còn phải tăng hàm lượng chế biến hàng giá trị gia tăng, nghiên cứu để có mô hình tăng trưởng mới phù hợp. Trước mắt, VN cần nỗ lực để sớm được gỡ thẻ vàng trong hoạt động khai thác hải sản. Bên cạnh đó, cần có chiến lược xây dựng mô hình các doanh nghiệp lớn về khai thác biển và hợp tác khai thác với các quốc gia có biển nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào và bền vững. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển và đất liền gắn với chính sách về đất đai, vốn, phát triển con giống chất lượng cao…
Bình luận (0)