Xuất khẩu kỷ lục 7,2 tỉ USD nhưng ngành rau quả 'chưa có kế hoạch tầm quốc gia'

28/12/2024 09:34 GMT+7

Năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỉ USD, lập kỷ lục mới nhưng ngành hàng này vẫn 'chưa có kế hoạch tầm quốc gia'. Bộ NN-PTNT phải sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho những sản phẩm chủ lực.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp, do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 27.12, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã kiến nghị các giải pháp để xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Xuất khẩu kỷ lục 7,2 tỉ USD nhưng ngành rau quả 'chưa có kế hoạch tầm quốc gia'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu ngành rau quả

ẢNH: ĐINH TÙNG

Khẳng định vị thế, nhiều cơ hội xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, rau quả đang là ngành thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia thị trường khắp thế giới.

Tại Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới, Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng... đang đứng thứ hai về xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cũng tại thị trường này, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam ngày càng tăng. Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 15 mặt hàng rau quả, trong đó nhiều sản phẩm: sầu riêng, chuối, dừa… đang tăng trưởng tích cực.

Không chỉ ở Trung Quốc, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang nhiều thị trường khác tăng trưởng cao như Mỹ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn chứng, những năm qua, xuất khẩu rau quả luôn tăng trưởng ở mức rất cao. Năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng 67% và năm 2024 tăng 23%, thiết lập kỷ lục mới khi đạt 7,2 tỉ USD. Kỳ tích này đến từ sự tích lũy trong nhiều năm trước. Đa số các cây ăn quả đều cần thời gian đầu tư dài từ 3 - 5 năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình nhận định, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu khi chúng ta đang là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các hoạt động xúc tiến thương mại rau quả đang được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư.

Chưa có tiêu chuẩn hoàn chỉnh kiểm soát chất lượng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu, giữ uy tín người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu cho ngành hàng rau quả, một trong những vấn đề nóng hiện nay là tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng.

Ngành rau quả đã có một số tiêu chuẩn chung, chẳng hạn như độ ẩm, sự trầy xước, sượng... nhưng theo ông Bình, hầu hết những tiêu chuẩn này chưa được xây dựng hoàn chỉnh cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giá trị xuất khẩu lớn, chẳng hạn sầu riêng, thanh long, chuối...

Xuất khẩu kỷ lục 7,2 tỉ USD nhưng ngành rau quả 'chưa có kế hoạch tầm quốc gia'- Ảnh 2.

Sầu riêng cắt non, chất lượng kém là vấn đề nóng trong ngành rau quả khi đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực

ẢNH: PHAN HẬU

"Ví dụ về trái sầu riêng, quy cách thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch cũng như vận chuyển, chế biến đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt. Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, người nông dân có thể vô tình làm giảm chất lượng sản phẩm, nếu lớp vỏ bị trầy xước, khiến thời gian bảo quản giảm", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, Bộ NN-PTNT đã xây dựng các đề án liên quan như phát triển cây ăn quả chủ lực, phát triển bền vững một số loại cây như cây có múi. Nhưng đa số những chương trình, đề án đều tập trung phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ đối tượng sản xuất là người nông dân, hợp tác xã. Trong khi đó, trái cây là mặt hàng xuất khẩu chính, chủ lực lại chưa thực sự có một kế hoạch tầm quốc gia nào.

Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam được trồng tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, chất lượng sản phẩm cuối cùng khác nhau. Đây là lợi thế giúp Việt Nam đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường nhưng cũng đặt ra vấn đề kiểm soát chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam tin rằng, khi xây dựng, ban hành được tiêu chuẩn về chất lượng rau quả sẽ giúp các bên có một "cơ sở" để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Tiêu chuẩn này sẽ là tiền đề giúp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao... tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường. Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.