Thị trường 30 tỉ USD của Trung Quốc, cơ hội lớn cho rau quả VN

Chí Nhân
Chí Nhân
15/10/2024 06:19 GMT+7

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cho biết đến năm 2030, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu rau quả từ các nước ASEAN lên 30 tỉ USD. Hiện nay, Trung Quốc nhập khoảng 16 - 17 tỉ USD/năm. Điều này chứng tỏ thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng và dư địa cho rau quả VN tăng tốc, thậm chí là bứt phá", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN (VINAFRUIT), nói.


Bất ngờ từ trái cau tươi, lá sắn, lá khoai…

Câu chuyện thời sự của nhiều vùng quê hiện nay không phải những mặt hàng nông sản tỉ USD như sầu riêng, cà phê mà bất ngờ lại là những thứ mọc ở bờ rào hay mảnh đất thừa quanh nhà, chẳng hạn trái cau tươi, lá sắn, lá khoai lang…

Thị trường 30 tỉ USD của Trung Quốc, cơ hội lớn cho rau quả VN- Ảnh 1.

Trái cau bất ngờ sốt giá nhờ xuất khẩu thuận lợi

ẢNH: HOÀNG NGUYỄN

Bà Trần Thanh Nga, ngụ TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk), cho biết mọi năm giờ này người ta chỉ quan tâm tới giá sầu riêng, cà phê, nhưng năm nay lại có thêm mặt hàng trái cau tươi. Cuối tháng trước, giá cau tươi tại địa phương khoảng 70.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ nhiều năm, đã khiến nhiều người vui mừng. "Không ngờ từ đầu tháng 10 đến nay giá tiếp tục tăng và hiện đã lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg. Thương lái đi khắp làng trên xóm dưới lùng mua cau. Cau tươi chưa bao giờ có giá cao đến mức này", bà Nga cho hay.

Ông Nguyễn Văn Gia, đại diện một vựa mua cau, ngụ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết hoạt động xuất khẩu cau qua Trung Quốc đã xuất hiện nhiều năm qua, giá có lúc tăng, lúc giảm tùy theo thị trường. Trái cau tươi được thương lái mua về giao cho các vựa, phân thành 2 - 3 loại khác nhau tùy kích cỡ. Trái cau sau đó được hấp chín, phơi khô, đóng container chuyển ra đầu mối ở miền Bắc rồi xuất qua Trung Quốc. Trước đây, do quy mô nhỏ nên các vựa chủ yếu hoạt động thủ công. 

Vài năm gần đây, một số vựa được mời sang Trung Quốc tham quan các lò sản xuất kẹo cau, thấy họ hoạt động bài bản nên về đã nâng cấp thành các cơ sở sơ chế quy mô, sử dụng cả máy móc công nghiệp trong việc hấp cau. Việc này khiến hoạt động xuất khẩu cau vài năm gần đây khá ổn định. Tuy nhiên năm nay giá cau tươi tăng đột biến do nguồn cung từ đảo Hải Nam của Trung Quốc bị hạn chế. Một quầy cau nặng trung bình mười mấy ký, giúp nhà vườn thu về tiền triệu. Mức giá hiện tại cao gấp 2 - 3 lần so với các năm trước. Cây cau từ loại cây cảnh, trồng ở lối đi, bờ rào, mép vườn bỗng dưng thành nông sản phụ, giúp nông dân tăng thu nhập.

Dù không phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư, nhưng theo thống kê của VINAFRUIT, trong tháng 8.2024, xuất khẩu cau của VN đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của VN trong 8 tháng qua; trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, mắc ca và chôm chôm.

Không chỉ có trái cau, một số mặt hàng cũng gây bất ngờ như lá sắn đạt 2,5 triệu USD trong 8 tháng năm 2024, tăng 170% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, 8 tháng qua xuất khẩu lá chuối đạt 666.000 USD, tăng 15% và lá khoai lang đạt 567.000 USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.

Dư địa còn nhiều, có thể tăng gấp đôi

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 9.2024 đạt trên 920 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng tới 38% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số cao chưa từng có trong lịch sử ngành rau quả xuất khẩu của VN. Lũy kế xuất khẩu rau quả 9 tháng của năm 2024 đạt trên 5,6 tỉ USD, tăng 34% so cùng kỳ năm trước và tương đương kim ngạch của cả năm 2023.

Thị trường 30 tỉ USD của Trung Quốc, cơ hội lớn cho rau quả VN- Ảnh 2.

Người dân Tây nguyên có thu nhập khá nhờ nhiều loại trái cây trúng mùa, được giá

ẢNH: HOÀNG NGUYỄN

Với tỷ trọng lên đến 65%, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của hầu hết các loại rau quả xuất khẩu của VN. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8, Trung Quốc đã chi hơn 3 tỉ USD để nhập khẩu rau quả từ VN. Đáng chú ý như mặt hàng chủ lực sầu riêng chỉ mất 8 tháng đã đạt kim ngạch gần 2 tỉ USD, gần bằng cả năm 2023. Trong khi đó, các chuyên gia ước tính 3 tháng cao điểm mùa sầu riêng Tây nguyên kéo dài từ tháng 9 - 11 có thể mang về cho trái sầu riêng thêm 1 tỉ USD. Trái sầu riêng một lần nữa lập thêm kỳ tích xuất khẩu. Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), Thái Lan đã mất hàng chục năm để phát triển ngành sầu riêng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc và năm 2023 mới đạt 4 tỉ USD. Chúng ta chỉ mất 2 năm để đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỉ USD là một kỳ tích. Ngoài sầu riêng, nhiều mặt hàng rau quả xuất khẩu chính của VN đang tăng trưởng 2 con số ở thị trường Trung Quốc như chuối, xoài, mít, dừa, dưa hấu, nhãn, bưởi… để đạt kim ngạch từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD mỗi loại.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, theo lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thì chỉ sau hơn 5 năm nữa, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc từ khu vực ASEAN sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, lên 30 tỉ USD. Điều này chứng tỏ thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng và dư địa cho rau quả VN bứt phá. Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm của họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải cạnh tranh với các nước khác nên chất lượng sản phẩm cũng phải tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Thị trường Trung Quốc còn rất rộng lớn mà hàng hóa chúng ta chưa vươn tới được, kể cả vùng sâu, vùng xa và các tỉnh phía bắc của Trung Quốc.

Còn ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, thì lo không có đủ dừa để xuất đi Trung Quốc. Đối với trái dừa tươi, trong nhiều năm qua Thái Lan là nguồn cung chủ lực với thị phần chiếm đến 60%. Bắc Kinh và Thượng Hải là các thị trường tiêu thụ rất mạnh sản phẩm này. DN Trung Quốc thậm chí đầu tư phát triển trang trại trồng dừa quy mô lớn để xuất ngược về quê hương của họ. Còn VN do thiếu sự đồng nhất về giống, khi thị trường cần sản lượng lớn, DN bị lúng túng. Bên cạnh đó là cơ sở chế biến dừa tươi còn thiếu sự đầu tư nên năng lực còn hạn chế. "Chúng ta phổ biến còn gọt dừa tươi theo hình thức thủ công... Những yếu tố này khiến nhiều đơn vị chỉ dám tiếp nhận các đơn hàng 5 - 10 container/tháng trong khi nhiều DN lớn ở thị trường Trung Quốc có nhu cầu tối thiểu đến 50 container/tháng. Thế nên chỉ lo không có hàng mà xuất", ông Khoa nêu vấn đề.

Cũng theo ông Khoa, bên cạnh dừa tươi thì Trung Quốc cũng có nhu cầu rất lớn về sản phẩm dừa chế biến. Các DN VN có thể tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này và cũng có thể khuyến khích DN Trung Quốc đầu tư, vì việc này sẽ giúp người trồng dừa gia tăng đầu ra cho sản phẩm và giá bán ổn định. "Để ngành dừa tận dụng được cơ hội thị trường Trung Quốc, chúng ta phải tiếp tục đầu tư mạnh từ vùng trồng đến chế biến các sản phẩm từ dừa", ông Khoa nhấn mạnh.

"Sau sản phẩm sầu riêng đông lạnh và dừa tươi mới ký được nghị định thư với Trung Quốc thì chúng ta có thể tiếp tục hy vọng vào những mặt hàng mới như bưởi da xanh, trái bơ và chanh không hạt. Với đà tăng trưởng như hiện nay và nếu chúng ta tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc thì ngành rau quả sẽ sớm trở thành ngành hàng xuất khẩu chục tỉ USD trong một vài năm tới".

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.