Nóng trên mạng xã hội: Hai CSGT và hai tình huống gây tranh luận

08/01/2018 09:02 GMT+7

Vụ án vào nhà trọ, mới câu trước câu sau đã rút súng bắn vào đầu khiến nạn nhân tử vong ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) tiếp tục được cộng đồng mạng quan tâm (ảnh 1).

Nếu như sáng hôm qua, mọi suy đoán còn theo hướng “manh động kiểu này chỉ có thể là giang hồ, xã hội đen”, thì đến chiều, khi vụ việc này có thông tin mới, cả cộng đồng mạng bị “sốc”: nghi can là một trung úy CSGT Đồng Nai và đã bị tạm giữ để điều tra. Không ai nghĩ rằng vụ án kinh động như thế này lại liên quan đến một sĩ quan công an.
Theo thông tin ban đầu, chỉ vì bênh người quen mà sĩ quan CSGT này đã không kiềm chế được cơn nóng giận, gây ra một vụ án mạng. Chưa biết vụ nổ súng gây chết người xảy ra là do “vô tình hay cố ý”, nhưng nghe thông tin trên, có người bình luận: “CSGT cũng là người, đôi khi giận quá mất khôn”.
Tuy nhiên, ý kiến này bị hầu hết dân mạng phản bác kịch liệt. “Chuyện không có gì lớn, sao một trung úy công an lại hành xử như thế? Người được giao công cụ hỗ trợ, vũ khí để bảo vệ pháp luật, không thể đem ra sử dụng vào việc riêng rồi nói câu không thể kiềm chế”, một người phản bác.
"Gạch đá" cho người “ném đá” CSGT

Tình huống thứ 2, mới xảy ra vào chiều qua khiến trên mạng xã hội bùng phát sự tranh luận kịch liệt, cũng liên quan đến CSGT. Đó là clip chiến sĩ CSGT Sóc Trăng rượt đuổi người vi phạm. Sau khi CSGT chặn bắt và khống chế được người này (ảnh 2), người dân xung quanh phát hiện anh ta bị gãy tay.
Người đăng clip này lên mạng lúc đầu viết: “Rượt đuổi người vi phạm, CSGT vô ý đè gãy xừ tay người ta”. Dòng trạng thái có phần cảm tính và trách móc CSGT này nhận được sự đồng tình thì ít, mà phản ứng từ dân mạng thì quá nhiều. Hầu hết cư dân mạng đều không cho rằng đó là lỗi của CSGT. “Dù sai hay không, thì cứ chấp hành luật trước. Bỏ chạy là cố tình chống người thi hành công vụ”, một Facebooker phân tích. “Ở nước ngoài, vi phạm mà bỏ chạy, cảnh sát được quyền bắn chứ đừng nói vật lộn với cảnh sát xong còn mè nheo ăn vạ”, một người khác bình luận.
Đến cuối giờ chiều qua, trước sự phản ứng của mạng xã hội, người viết dòng trạng thái trách móc CSGT đã phải xóa và viết lại dòng trạng thái khác: “Thanh niên vi phạm bị CSGT truy đuổi, tự ngã ra đường và gãy tay, anh CSGT không biết, vẫn khống chế cho đến khi nhìn vào cánh tay...”. Đây là trường hợp khá hiếm hoi người đăng tin, trước sức ép của mạng xã hội, đã phải thay đổi quan điểm của chính mình.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.