Vụ tranh chấp 2 cầu thủ của CLB TP.HCM, trong đó có 1 tuyển thủ nữ Việt Nam là hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Trong cuộc làm việc với Trung tâm TDTT Thống Nhất TP.HCM và Trung tâm TDTT quận 1 TP.HCM đầu tháng 3, Mỹ Anh đã báo cáo về việc họ được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên mời đầu quân với tiền lót tay 500 triệu đồng (Hoài Lương là 400 triệu đồng) và tiền lương cao. Hai cầu thủ xin không tái ký hợp đồng với CLB TP.HCM nữa.
Mỹ Anh |
VFF |
Sau thời điểm này, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên đã có công văn gửi Sở VH-TT TP.HCM và Trung tâm TDTT Thống Nhất về việc muốn 2 đơn vị này tạo điều kiện cho Mỹ Anh và Hoài Lương được thanh lý hợp đồng. Thái Nguyên muốn tiếp nhận Mỹ Anh (sinh năm 1994) và Hoài Lương (sinh năm 1996).
Cuối tháng 3, Trung tâm TDTT Thống Nhất đã phúc đáp công văn của Thái Nguyên, trong đó đề nghị: “Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên cần trao đổi cụ thể, chi tiết với trung tâm chúng tôi trước khi thực hiện thủ tục tuyển chọn 2 VĐV trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho 2 VĐV và không làm ảnh hưởng đến hệ thống đào tạo bóng đá nữ của thành phố”.
Ngày 1.4, Sở VH-TT TP.HCM đã có công văn do ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở ký, trong đó trình bày rất chi tiết về diễn tiến sự việc. Công văn cho biết: “Hai VĐV Lê Hoài Lương và Nguyễn Thị Mỹ Anh đã được Sở VH-TT TP.HCM phát hiện, tuyển chọn, đào tạo từ tuyến năng khiếu ban đầu, thuộc ngân sách nhà nước chi trả trong nhiều năm.
Hiện nay hợp đồng lao động giữa Trung tâm TDTT Thống Nhất (đơn vị được Sở giao quản lý đào tạo bộ môn bóng đá) với 2 VĐV này là hợp đồng lao động gắn kết đào tạo thuộc ngân sách nhà nước chi trả và đang trong quá trình xem xét, giải quyết từ các đơn vị, cá nhân có liên quan do trong điều khoản hợp đồng vẫn có yêu cầu thương thảo để tái ký hợp đồng.
CLB nữ TP.HCM là đội bóng nữ duy nhất ở khu vực phía Nam được hình thành trên 30 năm, với hệ thống tuyển chọn, đào tạo từ 3 đội năng khiếu, đội trẻ và CLB với hàng trăm VĐV. Đây là đơn vị đầu tiên có công tác tuyển chọn VĐV bóng đá nữ không qua đào tạo của một đơn vị khác. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho 2 VĐV nêu trên và không làm ảnh hưởng đến hệ thống đào tạo bóng đá nữ của TP.HCM, đồng thời tránh tiền lệ xấu khi nhận được đề nghị hấp dẫn từ đơn vị khác về chế độ tiền lương, đãi ngộ (chi phí lót tay) rồi VĐV sẵn sàng từ bỏ nơi đào tạo ban đầu để chuyển sang đơn vị khác”.
VFF |
Công văn của Sở VH-TT TP.HCM viết tiếp: “Sở VH-TT TP.HCM kính đề nghị VFF có ý kiến về các quy định, quy chế quản lý VĐV như trường hợp của Lê Hoài Lương, Nguyễn Thị Mỹ Anh, do hiện nay nội dung môn bóng đá nữ được VFF tổ chức với hình thức giải vô địch quốc gia, giải vô địch Cúp quốc gia thuộc hệ thống thi đấu ngoài chuyên nghiệp. Trong quá trình chờ ý kiến phản hồi của VFF, Sở VH-TT TP.HCM đề nghị đơn vị có nhu cầu tiếp nhận Mỹ Anh và Hoài Lương, cần có trao đổi trực tiếp với đơn vị đào tạo, nhằm hướng đến giải pháp tốt nhất cho sự phát triển môn bóng đá nữ tại Việt Nam và tránh làm ảnh hưởng, phá vỡ hệ thống đào tạo của đơn vị chủ quản”.
Bình luận (0)