Nộp 7.000 USD để đi xuất khẩu lao động... chui

26/04/2014 09:00 GMT+7

Một số lao động nghèo ở miền Trung mỗi người phải bỏ ra 7.000 USD (gần 150 triệu đồng) để được đi xuất khẩu lao động sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ lại bị đưa sang đảo Síp làm việc không đúng hợp đồng, người bị đuổi về nước, người cư trú bất hợp pháp và không có tiền về VN.

Một số lao động nghèo ở miền Trung mỗi người phải bỏ ra 7.000 USD (gần 150 triệu đồng) để được đi xuất khẩu lao động sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ lại bị đưa sang đảo Síp làm việc không đúng hợp đồng, người bị đuổi về nước, người cư trú bất hợp pháp và không có tiền về VN.

 Nguyễn Thị Mai
Về nước trắng tay, chị Nguyễn Thị Mai phải bế con sang ở nhờ nhà bố mẹ đẻ - Ảnh: Mạnh Dũng

Bị quỵt lương, trục xuất...

Theo đơn gửi Báo Thanh Niên ngày 16.4, chị Nguyễn Thị Mai, xã Cẩm Nhượng, H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tố cáo: tháng 5.2013 chị được ông Phan Công Tịnh, tự xưng là người của Công ty CP xuất khẩu lao động (XKLĐ) và thương mại du lịch (Colecto), và bà Nguyễn Thị Kim Trang, Giám đốc Trung tâm đào tạo XKLĐ Colecto (có trụ sở tại xã Tân Dân, H.Sóc Sơn, Hà Nội), tuyển dụng đưa đi XKLĐ tại Thổ Nhĩ Kỳ, làm việc trong nhà máy nhựa, thời hạn 60 tháng với mức lương 480 euro/tháng (tương đương 14 triệu đồng). 4 lao động khác được tuyển dụng gồm: Nguyễn Thị Kim, Phạm Tấn Quỳnh, Chu Đình Toàn, Phan Thị Loan. Nhưng đến ngày 1.6, khi chuẩn bị lên máy bay, cả 5 lao động mới nhận được thông báo nơi họ tới làm việc là quốc đảo Síp.

Chị Mai kể: “Tại sân bay, bà Trang đưa cho chúng tôi bản hợp đồng bằng tiếng Anh. Còn hộ chiếu chỉ có thời hạn cư trú 30 ngày, chứ không phải là 60 tháng. Tiền đã đóng, vé cầm trong tay, chúng tôi chẳng còn cách nào khác, đành lên đường. Sang đến nơi, họ bảo tôi đi làm vườn. Tôi điện về, ông Tuấn, Phó giám đốc Công ty Colecto, nói cứ ở đó làm”. Từ làm vườn, chị Mai được chuyển sang trông một bà cụ 85 tuổi bị tâm thần. Tháng đầu được trả 400 euro, tháng tiếp theo trả 390 euro, tháng thứ 3 bị quỵt lương. Để tồn tại, chị phải tự tìm việc hái chanh, giúp việc gia đình... Vì cư trú bất hợp pháp nên bị chủ quỵt lương, dọa bỏ tù và bị trục xuất về nước. “Ngày 15.3.2014 tôi về tới Hà Nội. Đúng là cơn ác mộng, thật khủng khiếp. Họ đã đem con bỏ chợ. Chúng tôi tiếng tăm không biết, tiền không có, Sứ quán VN tại Síp cũng chưa có, biết kêu ai, nhờ cậy ai để về VN”.

Theo lời chị Mai, rất nhiều người Việt bị lừa qua Síp làm việc, muốn về nước nhưng không có tiền, sống cù bơ cù bất. Thậm chí, có người chấp nhận đi vào con đường tội lỗi. “Chỉ riêng chuyến đi này họ đã lừa đảo được 35.000 USD. Gia đình tôi cắm sổ đỏ vay ngân hàng 100 triệu đồng, giờ phải ở nhờ bố mẹ đẻ. Giờ phút này tôi chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng và báo chí lên tiếng, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của họ”, chị Mai bức xúc.

Nhiều khuất tất

Ngày 18.4, Thanh Niên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty Colecto tại Hà Nội. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty vắng mặt với lý do bận và cử bà Đỗ Thị Phương Lan, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, tiếp. Khi chúng tôi hỏi giấy phép XKLĐ cho phép công ty đưa lao động sang Thổ Nhĩ Kỳ, bà Lan lúng túng, lúc thì khẳng định đã được duyệt đơn hàng đưa đi Thổ Nhĩ Kỳ, lúc lại bảo đã trình Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định đơn hàng. Sau khi ra ngoài gọi điện thoại, bà Lan lại xin đính chính: “Công ty chỉ có giấy phép đi XKLĐ tại đảo Síp, cụ thể làm việc ở bắc Síp hay nam Síp thì cần phải hỏi thêm”. Bà Lan cho hay, trung tâm hiện đã giải thể và ông Tuấn, Phó giám đốc công ty, giờ cũng xin nghỉ việc nên cần có thời gian kiểm tra hóa đơn và phiếu thu nộp tiền của người lao động.

Ngày 21.4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết giữa VN và Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp chưa có hiệp định về XKLĐ. Đến thời điểm này, Cục chưa thẩm định đơn hàng nào đi Thổ Nhĩ Kỳ và cũng chưa doanh nghiệp nào được phép đưa đi. Riêng với đảo Síp, chỉ có một số doanh nghiệp được phép đưa đi làm việc, chủ yếu ở nam Síp, trong đó có Công ty Colecto. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định hợp đồng đưa nhóm chị Mai đi XKLĐ chưa được Cục thẩm định. “Cục sẽ kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, đưa lao động đi khi chưa có ý kiến của Cục là vi phạm pháp luật. Ngoài rút giấy phép, tổ chức, cá nhân vi phạm, lừa đảo người lao động, Cục sẽ chuyển cơ quan công an xử lý”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Đào Công Hải, để được sang nước ngoài làm việc hợp pháp, lao động phải có visa cư trú và giấy phép lao động; phải được đào tạo ít nhất 3 tháng về ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa...; HĐLĐ bắt buộc phải bằng 2 thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng bản địa. Việc Colecto đưa người lao động chưa qua đào tạo đi XKLĐ là có nhiều dấu hiệu bất minh.

Đây không phải lần đầu tiên Công ty Colecto bị người lao động tố cáo sai phạm, năm 2013, công ty này đã bị Cục Quản lý lao động ngoài nước rút giấy phép vì đưa người sang Angola bất hợp pháp.

Thu Hằng

>> Bắt 2 người lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt 2,5 tỉ đồng
>> Dừng hoạt động 14 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan
>> Xử lý nghiêm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu thêm phí 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.