Nộp lại 5,6 tỉ đồng, cựu đại tá 'bảo kê' xăng lậu được đề nghị giảm án

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/12/2022 16:03 GMT+7

Thừa nhận đã nhận tiền từ trùm buôn lậu và nộp lại 5,6 tỉ đồng trong tổng số khoảng hơn 19 tỉ đồng bị cáo buộc nhận hối lộ, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh được Viện Kiểm sát quân sự T.Ư đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ mức án.

Nhận tội, tác động gia đình nộp lại 5,6 tỉ đồng

Chiều 28.12, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, đại diện Viện Kiểm sát quân sự T.Ư (Viện Kiểm sát) đã công bố quan điểm luận tội đối với 9 bị cáo có đơn kháng cáo.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh tại phiên tòa

trọng đức

Đối với bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), đại diện Viện Kiểm sát cho hay, ban đầu, bị cáo Nguyễn Thế Anh kháng cáo toàn bộ bản án, khẳng định không nhận tội hối lộ, không lợi dụng chức vụ và kêu oan.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận tội hối lộ, xin giảm nhẹ hình phạt nhưng đề nghị xem lại số tiền nhận hối lộ theo cáo buộc, song vẫn không nhận hành vi tổ chức cho em họ là Nguyễn Văn An (trú TP.HCM, người thay mặt Nguyễn Thế Anh nhận tiền hối lộ) trốn ra nước ngoài trái phép.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo là người có chức vụ quyền hạn và nhận tiền của Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) để bảo kê đường dây xăng dầu của Hữu nên đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.

Về số tiền, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra nhiều chứng cứ khẳng định từ 10.2019 đến 1.2021 bị cáo nhận tổng số tiền 6,2 tỉ đồng và 560.000 USD. Đồng thời, Viện Kiểm sát bác bỏ kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế Anh, cho rằng chỉ nhận khoảng 2,7 tỉ đồng và không phải nhận hối lộ.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát cũng cho biết, sau phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thế Anh đã tác động gia đình nộp lại 5,6 tỉ đồng, một phần thành khẩn khai báo, do đó đề nghị hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ nêu trên áp dụng cho bị cáo Nguyễn Thế Anh.

Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Anh mức án chung thân về tội nhận hối lộ.

Riêng với tội danh tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, đại diện Viện Kiểm sát lập luận và đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định bị cáo Nguyễn Thế Anh sau khi biết tin Phan Thanh Hữu bị bắt giữ do buôn lậu xăng dầu đã hướng dẫn, đưa tiền cho Nguyễn Văn An và sử dụng các mối quan hệ để đưa An trốn sang Lào trái phép. Do đó, Viện Kiểm sát cho rằng không có căn cứ đáp ứng kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế Anh về tội danh này.

Ngoài bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu thượng tá Lê Văn Phương, cựu Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh, cũng được Viện Kiểm sát đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra, bị cáo Lê Văn Phương đã nộp lại 100 triệu đồng trong tổng số 360 triệu đồng nhận hối lộ từ Phan Thanh Hữu thông qua Nguyễn Văn Hùng. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo đã khắc phục thêm 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Phương đã thành khẩn khai báo. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt theo kháng cáo đối với bị cáo.

Trước đó, bị cáo Phương bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.

Tương tự, bị cáo Phạm Hồ Hải, nguyên đại diện cảng Cần Thơ tại Trà Vinh, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù, cũng được Viện Kiểm sát đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ mới bổ sung tại phiên phúc thẩm gồm 10 danh hiệu Lao động tiên tiến tại Cảng vụ Cần Thơ và huân huy chương của bà ngoại và ông nội bị cáo.

Đề nghị không xem xét giảm nhẹ cho 2 cựu thiếu tướng Cảnh sát biển

6 bị cáo còn lại không được Viện Kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt theo đơn kháng cáo.

Cụ thể, đối với 2 cựu thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3), đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, các mức án lần lượt là 15 năm tù và 12 năm tù cho tội nhận hối lộ tại phiên tòa sơ thẩm là đúng, có căn cứ, đúng quy định. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho 2 cựu thiếu tướng, do đó không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ cho 2 bị cáo này.

Đối với các bị cáo khác gồm Nguyễn Văn Hùng (cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); Phạm Văn Trên (cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Văn An (trú TP.HCM, em họ Nguyễn Thế Anh), đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm đã áp dụng các hình thức giảm nhẹ nên không có căn cứ để xem xét kháng cáo.

Trước đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù, Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù, Phạm Văn Trên 10 năm tù và Nguyễn Văn An 15 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.