NSND Bạch Tuyết tiết lộ chuyện đổi đời sau khi giành giải Thanh Tâm

21/06/2024 13:46 GMT+7

Làm giám khảo 'Học viện cải lương', NSND Bạch Tuyết bồi hồi nhớ về kỷ niệm giành giải Thanh Tâm năm 1963, một cột mốc trong sự nghiệp ca hát của bà.

NSND Bạch Tuyết tiết lộ chuyện đổi đời sau khi giành giải Thanh Tâm- Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết mong các thí sinh áp dụng những bài học trong suốt 11 tập để tỏa sáng ở chung kết Học viện cải lương

BTC

Sau 11 tập, giám khảo Học viện cải lương chọn 10 thí sinh bước vào chung kết. Trong đêm thi này, các giọng ca trẻ trải qua nhiều thử thách như trình diễn, trả lời ứng xử bằng tiếng Anh. Thông qua đó, ban tổ chức thực hiện mục tiêu vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo người làm văn hóa, giúp người trẻ có thể mang cải lương quảng bá đến công chúng, du khách quốc tế.

Trước thềm chung kết, NSND Bạch Tuyết chia sẻ xưa nay khi làm điều gì đó cho cải lương, bà và cộng sự luôn hết lòng, còn kết quả sẽ do khán giả quyết định. “Hãy để khán giả nhìn, nghe rồi dạy mình. Đó là lời mà nghệ sĩ Năm Châu đã dạy chúng tôi. Hiện, chương trình đã đi đến đoạn kết, chỉ còn chờ phản hồi từ khán giả”, bà nói. Theo nữ nghệ sĩ, sự trưởng thành, thay đổi tích cực của thí sinh mới là điều cần quan tâm. “Chúng tôi rất vui vì hầu hết thí sinh đều thay đổi đáng kể. Các bạn có những nét rất riêng, không hòa lẫn vào đâu. Chúng tôi không ngờ có một mùa “bội thu” như thế”, bà tâm sự.

Theo NSND Bạch Tuyết, trong mọi việc cứ làm hết lòng chứ không kỳ vọng nhiều. Vì thế bà cũng mong thí sinh thực hiện tốt nhất phần thi của mình vì: “Đây là đêm thi cuối cùng. Mỗi bạn tự khắc có cách để khẳng định mình, bên cạnh những gì đã được đào tạo. Chúng tôi không nói trước được điều gì. Nghề này ngộ ở chỗ có khi chúng ta nghĩ đây là số một, nhưng khi họ hiện diện trên sân khấu thì sự đánh giá của khán giả rất khác. Và đó mới là điều đúng nhất”, bà nói.

NSND Bạch Tuyết tiết lộ chuyện đổi đời sau khi giành giải Thanh Tâm- Ảnh 2.

NSND Bạch Tuyết khuyên các thí sinh cứ hết mình và không nên kỳ vọng quá nhiều

BTC

NSND Bạch Tuyết cho rằng sự nỗ lực của thí sinh trong suốt quá trình thi đáng được trân trọng. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc sẽ phụ thuộc vào sự thể hiện của các hậu bối trong đêm chung kết. “Trong nghệ thuật, khán giả khen hay là được. Nghệ sĩ Năm Châu từng nói: “Khán giả của đêm hát đó là người thầy cuối cùng”. Điều này tạo nên sự công bằng cho tất cả nghệ sĩ”, NSND Bạch Tuyết nêu quan điểm.

Tại đây, bà cũng nhớ về kỷ niệm từng giành giải Thanh Tâm năm 1963. Đây là giải thưởng danh giá thời bấy giờ của sân khấu cải lương. “Tôi may mắn khi vào nghề đã được ông Tổ sắp xếp cho mình được đóng đào chính. Vì thế, tôi không cần trải qua những cuộc thi thố. Với giải Thanh Tâm, bạn không biết người chấm mình là ai, tài năng, đạo đức của nghệ sĩ và vở diễn là những tiêu chí hàng đầu. Đến cuối năm, nghệ sĩ sẽ biết mình được giải triển vọng hay xuất sắc nhất”, bà nói.

Chia sẻ về giải thưởng này, NSND Bạch Tuyết nói những lời nhận xét của các thầy, khán giả đã giúp bà có được kết quả như vậy. “Đi theo giải thưởng này là sự đổi đời. Giả sử lương của nghệ sĩ là 2 triệu/đêm nhưng khi giành giải này có thể tăng lên 5-10 triệu/đêm, tùy vào sức hút của họ với khán giả. Đó là những điều có thể đo đếm được thực tế”, NSND Bạch Tuyết kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.