NSND Bạch Tuyết: Từ chối cát sê 200 triệu diễn Kiều Nguyệt Nga

12/04/2023 08:04 GMT+7

Ở tuổi U.80, NSND Bạch Tuyết vẫn hết lòng vì nghệ thuật. Gần đây, bà gây bất ngờ khi xuất hiện trong bộ phim điện ảnh Biệt đội rất ổn. Nhân dịp này, 'cải lương chi bảo' có nhiều chia sẻ với Báo Thanh Niên về quá trình tham gia dự án.

Cả đời tôi chưa hài lòng điều gì cả

NSND Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ xem mình là nghệ sĩ lớn - Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết dành nhiều lời khen cho các diễn viên trẻ, năng động trong Biệt đội rất ổn

ĐPCC

* Chào NSND Bạch Tuyết, vì sao bà nhận lời tham gia phim điện ảnh Biệt đội rất ổn?

- NSND Bạch Tuyết: Việc tôi không thích nhận tham gia phim ảnh là sự thật 100%. Rất nhiều dự án điện ảnh, sân khấu mời tôi, hầu như một năm bên tôi nhận ít nhất 15 lời mời để xuất hiện với vai khách mời nhưng tôi đều từ chối. Đến năm vừa rồi, sau cú hit Về nghe mẹ ru, tôi tiếp tục được nhiều nhãn hàng mời quảng cáo, làm gương mặt đại diện, phim điện ảnh, giám khảo cuộc thi… Quản lý của tôi nghĩ rằng mình nên làm gì đó, bởi vì đến tuổi 79 vẫn có một bài hit như vậy, đây là cơ hội để mình có thể trải lòng, tiếp cận với khán giả nhiều hơn. Vậy nên quản lý và đạo diễn phim đã thuyết phục tôi tham gia Biệt đội rất ổn.

Ban đầu kịch bản gửi cho quản lý mời tôi hát Kiều Nguyệt Nga, điều này là không thể. Hiện nay có một đơn vị sân khấu mời tôi hát vai này với cát sê 200 triệu cho một suất diễn nhưng tôi từ chối. Vì tôi nghĩ mình đã quá lớn để thể hiện nhân vật này, tôi thành “bà nội” Kiều Nguyệt Nga thì đúng hơn. Cũng nhờ quản lý khuyến khích tôi, vì ở tuổi 79, dù từng tham gia điện ảnh, nhưng tôi vẫn nghĩ mình là máu cải lương, là người của sân khấu. Tôi ít khi nhận lời lĩnh vực mới vì cho rằng bản thân sẽ không làm tốt bằng chuyên môn của mình.

May mắn là dự án Biệt đổi rất ổn có liên quan đến cải lương và bên phát hành cũng yêu mến, để đội ngũ của tôi tham gia thảo luận kịch bản sao cho hợp lý. Có nhiều người nói tôi nhận lời vì nhân vật Đời cô Lựu nhưng thật ra tôi muốn dung nạp những năng lượng trẻ của các bạn như Võ Tấn Phát, Nguyên Thảo, Ngọc Phước…

NSND Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ thấy mình là nghệ sĩ lớn!

* Cảm xúc của bà như thế nào khi thấy tác phẩm lên màn ảnh?

- Tôi thấy rất vui và việc mình tin tưởng các bạn trẻ rất đúng, vì các bạn rất thông minh. Mặc dù tôi xuất hiện không nhiều nhưng đó là những phân cảnh phù hợp, theo một cách tự nhiên. Tôi nghĩ một tác phẩm nghệ thuật thành công khi người xem thấy nhẹ nhõm. Cách làm này thích hợp với thế hệ 4.0, thích thì họ gia nhập và rời đi cũng vậy, không cần giải thích quá nhiều. Đó là tính hiện đại, nếu như không phải là các bạn ở tuổi đó, với sự thông minh đó, thì sẽ không làm nên tình tiết phim và bị ngượng. Tác phẩm nghệ thuật ngộ lắm, không nhất thiết phải là vai chính người ta mới để ý. Có khi khán giả xem họ không nhớ đến vai chính, mà nhớ nhân vật chỉ xuất hiện 1 phút thôi, đó là giá trị nghệ thuật.

NSND Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ xem mình là nghệ sĩ lớn - Ảnh 2.

NSND Bạch Tuyết diễn vở Đời cô Lựu cùng nam diễn viên Võ Tấn Phát

ĐPCC

* NSND Bạch Tuyết có hài lòng trước thành quả của mình trên màn ảnh?

- Nếu nói về hài lòng thì cả đời tôi chưa hài lòng điều gì cả. Khi một vở diễn hay sản phẩm nào được tung ra và khán giả phản hồi thì tôi đã làm những dự án mới chứ không ngồi chờ để họ khen mình. Trong công việc, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là được làm và sáng tạo. Khi trình làng rồi, sản phẩm đó là của mọi người và nó có số phận riêng, có khi họ khen rất nhiều, cũng có khi mình đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng người ta chê không còn gì để nói. Đối với tôi, đời đi hát thì sáng tạo là điều cao nhất của người nghệ sĩ. Giống như họa sĩ, khi bức tranh được đem trưng bày thì anh không còn ở đó nữa. Thay vì ngồi đó để anh nghe tiếng khen, lời chê và sau đó không tự tin nữa thì phải bắt đầu tìm kiếm những thứ sáng tạo mới.

* Hợp tác cùng các diễn viên trẻ khác có khiến bà gặp khó khăn trong việc hòa nhập cùng mọi người?

- Từ lâu tôi chủ yếu làm việc với các bạn trẻ. Ở tuổi này mà tôi còn được trân trọng, được mời, được các bạn trẻ “cho chơi chung”, tôi rất hạnh phúc. Cứ bước vào công việc sáng tạo là tôi hăng say, đối với nghệ thuật, tôi mãi mãi thấy mình là khách chứ không phải là chủ. Tôi rất biết ơn các bạn, dù vẻ ngoài họ trẻ nhưng có đầu óc “khổng lồ”, vì họ có quá nhiều thông tin. Vậy nên khi làm việc với họ, khí chất của một người lớn tuổi và nhỏ tuổi là không có vấn đề. Năng lượng trẻ của các bạn luôn lan tỏa, tạo được sự liên kết rất tuyệt vời, chúng tôi giúp đỡ nhau. Hầu như bạn nào cũng cực kỳ thông minh, khoảng thời gian hợp tác rất hạnh phúc.

NSND Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ xem mình là nghệ sĩ lớn - Ảnh 3.

NSND Bạch Tuyết khẳng định dù làm nghề hơn 60 năm, bà chưa bao giờ thấy mình là nghệ sĩ lớn

ĐPCC

* Là một nghệ sĩ lớn, có phải rất khó để mời NSND Bạch Tuyết đóng phim?

- Tôi chưa bao giờ thấy mình là nghệ sĩ lớn. Tôi thấy rằng mình là người có hiểu biết chút đỉnh, cha mẹ sinh ra không rõ thế nào nhưng khán giả thấy mình thì họ có cảm tình. Tôi không lấy thời gian mình làm nghề dài lâu rồi tự thấy mình là cây đa cây đề, lớn hay nhỏ. Thật ra con người lớn hay nhỏ là do cách làm người, người nghệ sĩ lớn hay nhỏ do số phận mình may mắn có được góp mặt trong một tác phẩm giá trị hay không.

Chính vì quan niệm như thế nên tôi không bị trở ngại và không dám xem thường ai. Vì đã chứng kiến những bài học cuộc sống, tôi không thấy cao hay thấp, giàu hay nghèo, khôn hay dại. Chỉ biết rằng nếu sống trong đời này bằng một tấm lòng và sự biết ơn thì bạn đều kính trọng mọi người như nhau, không có sự phân biệt. Điều này ba Năm Châu cũng có nói rồi, một người nghệ sĩ thực thụ là người đó hay, được người ta khen, nhưng không thấy mình hay để có thể kiêu căng, tôi cứ học theo từ xưa.

Con người giết nhau bởi vì có lợi và bất lợi

* Là tiến sĩ cải lương, NSND Bạch Tuyết cảm thấy như thế nào khi phim Việt khai thác, đưa cải lương vào điện ảnh?

- Trong dòng sông, hầu như không có sinh vật nào muốn ở một chỗ. Tôi nghĩ rằng nếu người nghệ sĩ hiểu biết được nhiều thông tin về sự sống, lòng biết ơn, họ sẽ điều khiển sao cho những tác phẩm của mình ra đời không làm “ô nhiễm” thế giới, đó là tư cách người nghệ sĩ.

* Có phải vì hiện tại cải lương khó tiếp cận với khán giả trẻ nên phải lồng ghép qua các loại hình nghệ thuật khác?

- Không phải như thế, nếu nghiên cứu bài hát của nhiều thế hệ trên thế giới bạn sẽ thấy nghệ thuật rất lạ. Đôi khi không có gì nhưng chỉ ngân nga vài giai điệu là đã tạo nên một bản nhạc. Có lần tôi ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi hỏi sao Sơn hay ghê, làm thơ, viết nhạc… hầu như cái gì Sơn cũng làm mọi người mong đợi. Thì Sơn nói rằng sao con người mình chỉ viết thôi chứ không hát được nhỉ, đôi khi trong đầu mình hát mà không kịp ghi lại. Tất cả sự hồn nhiên đó sẽ là nghệ thuật.

Còn nếu nói vì người ta thích thể loại đó nên phải ghép cải lương vào để họ nghe, xin lỗi nhưng sao nó có vẻ trần tục thế. Nó không phải nghệ thuật. Nghệ thuật cần tài năng và sự hồn nhiên, nhưng đặc biệt nhất là sự trung thực của bạn. Vậy nên những bài hát, vở diễn mà tôi thể hiện, được khán giả ấn tượng thì ngoài tác giả, ngoài tài năng, tất cả còn có sự may mắn gặp nhau ở một giây phút ngẫu nhiên và sự tuyệt vời ra đời.

NSND Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ xem mình là nghệ sĩ lớn - Ảnh 4.

Theo NSND Bạch Tuyết, nghệ thuật là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có tài năng và sự trung thực

ĐPCC

* Từng có nhiều phim điện ảnh khai thác về cải lương, song phần lớn đều không gây được nhiều tiếng vang, NSND Bạch Tuyết nghĩ sao?

- Mọi thứ còn phụ thuộc vào may mắn. Có những cái bánh bán rất đắt hàng nhưng cũng có những cái bánh khổ công làm ra nhưng ai ăn cũng chê, đó là số phận. Nếu không thì ông bà mình đâu có câu “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”. Những điều ngoại lệ đến bây giờ cả trăm, cả ngàn năm vẫn tồn tại, nghĩa là chuyện đó đã từng xảy ra trong quy luật vận hành của vũ trụ.

Tôi không có thời gian nghĩ đến chuyện đó đâu. Tôi chỉ thích khi mình sáng tạo, thể hiện một bài hát sao cho ưng ý, khi bài hát được phát hành thì bản thân nó và khán giả mới là yếu tố chính. Đến khi người ta khen, đừng nói nhờ có mình, hay bị chê thì cũng đừng chối bỏ và đổ lỗi cho người khác, điều đó không đúng tư cách của người nghệ sĩ.

Điều quan tâm của tôi đó là cha mẹ sinh ra và nuôi bạn bằng đồng tiền lương thiện. Sự trả ơn không chỉ là bạn đi làm nuôi lại họ, mà điều lớn hơn là bạn làm gì để người ta đừng xem thường cha mẹ mình. Đối với tôi đó là tư cách làm nghề.

NSND Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ xem mình là nghệ sĩ lớn - Ảnh 5.

NSND Bạch Tuyết cho rằng một tác phẩm có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự may mắn

ĐPCC

* Biệt đội rất ổn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đoàn phim còn cho biết gặp tình trạng bị chơi xấu, seeding bẩn, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Như đã nói, khi hoàn thành xong một tác phẩm thì tôi không còn quan tâm nhiều đến nó nữa. Mỗi tác phẩm đều có số phận riêng. Nhiều người chê thì không có nghĩa là nó dở, nhiều người khen chưa hẳn đã hay xuất sắc. Khi xã hội như thế thì có gì ngạc nhiên. Mình có thể thấy như Van Gogh, ông chết rồi mới nổi tiếng. Nhà văn giỏi khác như Ernest Hemingway (tác giả Ông già và biển cả), tác phẩm ra đời trở thành huyền thoại, còn tác giả tự sát.

Những điều đó mình có suy nghĩ không, không có gì ra đời một cách tốt đẹp và nhẹ nhàng cả. Đó là thành công, máu và nước mắt. May mắn thì nước mắt, còn thiếu may mắn là máu. Thậm chí mình qua đời rồi, mấy chục năm sau bỗng dưng người ta đòi mua tác phẩm cả triệu đô. Vậy giá trị của sự khen chê, tại thời điểm tác phẩm ra đời, chẳng có giá trị gì, ai thích gì làm nấy, đó là sự công bằng. Bởi vì đã nói thích nghĩa là có cái tôi thích, nhưng nếu bạn không thích thì bạn chê.

Còn việc seeding đó là công nghệ của thời đại, của đám đông. Họ làm điều gì đó theo lợi ích của riêng họ, con người giết nhau bởi vì có lợi và bất lợi, đó là một trong những dòng sống của nhân loại thì có gì ngạc nhiên, mình không phải người đầu tiên cũng không phải cuối cùng.

* Cảm ơn NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.