Lịch sử mười mấy năm đang lặp lại
* Thời gian gần đây dư luận đang lên án gay gắt hài nhảm, hài tục trên sóng truyền hình. Câu chuyện này khiến nhiều người nhớ đến giai đoạn cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000, tấu hài cũng từng một thời bị đem ra "mổ xẻ" như vậy. Có mặt ở cả hai thời kỳ, chị nghĩ như thế nào về làn sóng này?
- NSND Hồng Vân: Cũng giống như bây giờ gameshow đang bị lên án, lúc đó ai cũng nói tấu hài là nhảm nhí, tấu hài là rẻ tiền. Từ tấu hài cho đến nghệ sĩ giống như tội đồ vậy đó. Ngay cả một số nghệ sĩ trong nghề cũng lên án thậm chí tẩy chay luôn diễn viên đóng hài. Bây giờ, mọi thứ dường như đang lặp lại. Tôi có cảm tưởng, cứ mỗi một thời điểm, có một phát súng bắn lên là mọi người lại nhào vô, phải dùng từ "nhào vô" mới đúng để nói về việc người ta chửi rủa một cách mù quáng, vô tội vạ.
* Thời điểm đó, những nghệ sĩ hài như chị đã làm sao để vượt qua "cơn bão lớn"?
- Từ xưa tới giờ, quan điểm của tôi rất rõ ràng. Tôi được bước vào nghề này, được đứng trên sân khấu đã là hạnh phúc rồi. Tôi không phân biệt cái nào rẻ tiền hay cái nào mắc tiền hết. Ai chửi tấu hài chứ tôi vẫn cứ tham gia bởi vì thực sự nó nuôi sống bản thân tôi cũng như gia đình. Nhờ tấu hài mà tôi có tiền giữ được sân khấu của mình suốt 16 năm nay. Khóc hay cười cũng là một liều thuốc. Bạn cứ nghĩ đi, chẳng ai khóc suốt hay cười suốt. Con người ai phải có hỉ nộ ái ố, có khóc cũng phải có cười.
|
* Và bây giờ, đến lượt gameshow hài bị lên án, chị nghĩ như thế nào?
- Lịch sử mười mấy năm đang lặp lại. Bây giờ gameshow giống như là "tội đồ" mặc dù rất nhiều phiên bản được mua từ nước ngoài và ở nước ngoài, dân trí của họ rất cao nhưng cũng có những gameshow rất nhảm và những gameshow đàng hoàng.
Vấn đề là mình phải chọn lựa. Bản thân tôi chỉ tham gia gameshow nào là sở trường và phù hợp với mình. Tôi cũng hỏi rõ nhà sản xuất và bàn bạc, thống nhất để làm sao chương trình không vô thưởng vô phạt, không trở nên rẻ rúng. Truyền thông, nhà sản xuất và văn nghệ sĩ phải chung tay để định hướng cho đúng thì mới đẩy lùi được những cái gọi là nhảm.
|
- Cái đó ăn thua nhận thức của mỗi người. Mình phải biết cái nào phù hợp, cái nào không. Cũng như gameshow có cái nhảm, có cái chất lượng. Vấn đề là mình phải làm sao và chọn lựa như thế nào.
Thực tế, trong cái giai đoạn này gameshow nhảm nhiều hơn gameshow có chất lượng. Bạn có biết lý do tại sao không? Đơn giản là vì cái cười sinh lý, cái cười bản năng, rất dễ cười. Tôi chọc lét bạn thì bạn phải cười còn dùng lời nói, câu chuyện để khiến người ta cười là khó vô cùng. Đương nhiên, cái dễ thì người ta nhảy vô làm. Điều đó thuộc về khâu sản xuất.
Thứ hai là trách nhiệm của nhà đài, phải chọn lựa chương trình nào phù hợp để phát sóng. Còn với nghệ sĩ, mình phải đủ tỉnh táo để lựa chọn. Cách đây 3-4 năm, trong cuộc họp của Hội đồng nhân dân, tôi từng đề cập đến tình trạng gameshow và hài nhảm quá nhiều. Nhà quản lý và những người có trách nhiệm phải định hướng cho khán giả nhìn nhận ra vấn đề trước khi quá muộn.
Tôi cũng lớn tuổi rồi, chỉ có thể tham gia nghệ thuật một thời gian nữa nên những gì cần nói thì phải nói. Chúng ta phải chung tay góp sức vì đối tượng thụ hưởng bây giờ là những đứa trẻ, vài tuổi đã biết sử dụng điện thoại, lên mạng, xem clip, xem chương trình.
|
* Không chỉ có hài nhảm mà hiện nay hài tục cũng bị lên án gay gắt...
- Nếu bạn tìm hiểu kỹ về hài kịch thì có nhiều lắm, hài hiện đại, hài nhân gian rồi hài chèo, hài cải lương, hài điện ảnh... Ở đây, nói tục giản thanh thì rơi vào hài dân gian. Mình nghe mà mình không xem diễn thì người nghe có thể là "tục" nhưng kết hợp vào nội dung câu chuyện và lối kể chuyện thì nó sẽ là "thanh". Cái này rơi vào hài chèo nhiều nhất. Điển hình là anh Xuân Hinh.
Tuy nhiên, có những người vận dụng điều đó sai, hiểu sai. Một số bạn trẻ không hiểu rõ về hài, bắt chước mà không tìm hiểu nên ra nông nổi như vậy. Ở nước ngoài, người ta cũng nói rất tục. Quan trọng là bạn biết vận dụng như thế nào. Cùng một miếng trứng, miếng hành thì có người chiên ngon, có người chiên dở. Tất cả vấn để nằm ở tầm hiểu biết của mình.
Làm người trước rồi hãy làm "sao"
* Hiện nay, văn hóa của nghệ sĩ cũng là điều đáng bàn. Được biết, chuyện lễ phép, kính trên nhường dưới trong giới nghệ sĩ ngày trước rất nghiêm?
- Nói đâu xa, với học sinh của tôi, ngày đầu tiên các bạn vào học, tôi đã nói ngay, một ngày là thầy, một tháng, một năm cũng là thầy. Thứ hai, dù các bạn có lớn tuổi hơn nhưng về nghề nghiệp, người ta đi trước mình thì các bạn gặp cũng phải chào. Đó là tiên quyết của tôi, Minh Nhí và anh Hữu Châu.
Anh Châu dữ lắm, ai mà không được là ảnh cầm dép chọi luôn nhưng các học trò lại thương anh ấy kinh khủng. Ngày xưa tôi cũng vậy. Chúng tôi được học thầy Trần Minh Ngọc, cô Ngọc Giàu, cô Mai Thanh Dung... Không ai dám vắng mặt hay có bất cứ thái độ vô lễ nào.
|
* Các nghệ sĩ trẻ bây giờ không phải ai cũng có nền tảng tốt dẫn đến xảy ra những chuyện không hay với bậc cha chú, đàn anh, đàn chị của mình. Nếu chị rơi vào hoàn cảnh đó, chị sẽ làm gì?
- Cũng trở lại cái gọi là nhận thức và giáo dục. Nhận thức là cái cơ bản về đạo đức và ảnh hưởng bởi yếu tố là gia đình, nguồn cội. Các bạn đó ở đâu, sinh ra trong một gia đình như thế nào và sống trong môi trường gì. Tôi không coi những người đó là nghệ sĩ và đồng nghiệp. Tôi chỉ coi họ là những người bình thường.
|
Bây giờ "quả báo nhãn tiền", chúng ta không cần nặng nề chi cho mệt. Đối với tôi, những chuyện đó bình thường. Gặp những người lớn tuổi hơn, mình chào có mất gì đâu, có bị "xuống giá" đâu hoặc gặp những khán giả thương mình thì mình cười, chuyện đó đơn giản mà.
Tôi không khắt khe, chỉ mong là khi họ bị một vài lần như vậy thì họ thấy sai, họ sửa. Nếu như vì chuyện đó, mình vùi dập đi tài năng thì cũng không nên. Có thể họ sinh ra trong một môi trường mà họ không được quyền chọn lựa, không được mài dũa. Làm sao mà mình trách các bạn ấy được. Khi nào họ tự nhận thức cái đó là sai thì tự động họ sẽ sửa thôi. Là con người, đâu có ai muốn làm những chuyện sai đâu.
* Chị từng kể về một số học trò nhận giải xong thì "phủi tay", làm ngơ trước thầy cô của mình. Nếu gặp lại họ thì chị sẽ có thái độ như thế nào?
- Bình thường. Vì nếu mình cho việc đó là quan trọng thì chẳng khác nào mình quá ích kỷ. Ở trên sân khấu, đừng bao giờ nghĩ nhờ có tôi, bạn mới được như vậy. Học trò cũng đóng tiền đi học mà? Còn diễn viên trẻ cũng vậy, nếu họ cảm thấy không hợp với sân khấu của mình thì họ có thể tìm nơi phù hợp hơn để bộc lộ tài năng, đấy là quyền của họ.
Tôi tốt nghiệp ở đoàn kịch nói Bông Hồng nhưng tôi cảm thấy mình không phát huy được thì tôi đầu quân về kịch nói 5B và ở đó cho đến khi tách ra sân khấu riêng. Bản thân tôi trước khi trách ai, tôi sẽ đặt ngược vấn đề lại. Nếu mình là người đó thì mình có làm như vậy hay không. Và mình coi điều đó nhẹ nhàng.
* Xin cảm ơn chị!
Bình luận (0)