NSƯT Hạnh Thúy: 'Tôi không thích câu đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
30/06/2023 16:56 GMT+7

'Tôi không thích câu 'đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm', bởi áp lực xây tổ ấm bỗng dưng đè lên vai người phụ nữ', NSƯT Ngô Phạm Hạnh Thúy nói tại cuộc gặp gỡ, đối thoại ở TP.HCM sáng 30.6.

Sáng 30.6, lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp năm 2023. Tại buổi đối thoại, NSƯT Ngô Phạm Hạnh Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, phát biểu nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà Thúy cho biết ngày hội gia đình hạnh phúc (ngày 28.6) có ý nghĩa rất lớn, là tiền đề cho xã hội phát triển.

Ở TP.HCM và nhiều đô thị lớn, rất nhiều chị em phụ nữ có được cơ hội học tập, trao đổi, phát triển khả năng. Tuy nhiên, còn phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, hoặc ngay cả phụ nữ có tiềm lực kinh tế mạnh, phụ nữ trí thức vẫn còn chịu nhiều vấn đề tâm lý từ gia đình hoặc những bất bình đẳng, thiệt thòi lớn. 

Nhấn mạnh giá trị, bình đẳng cá nhân

"Tôi nghĩ rằng một phần do bản thân mình, như ngại xã hội biết vấn đề của gia đình. Một số người cho rằng phụ nữ thì không nên đòi hỏi, đàn bà phải chịu thiệt thòi. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc gặp nhiều khó khăn vì còn nhiều người ý thức chưa đúng về giá trị, sự bình đẳng cá nhân trong gia đình, còn rất nhiều phụ nữ đơn độc", NSƯT Hạnh Thúy nói.

NSƯT Hạnh Thúy: 'Tôi không thích câu đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm' - Ảnh 1.

NSƯT Hạnh Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, nêu ý kiến tại buổi đối thoại

THU NGÂN

Bà Thúy cũng chia sẻ: "Tôi không thích câu 'đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm', bởi áp lực xây tổ ấm bỗng dưng đè lên vai người phụ nữ. Tôi cho rằng bình đẳng trong gia đình rất quan trọng, không chỉ phụ nữ, mà đàn ông cũng phải có vai trò cùng xây dựng gia đình hạnh phúc".

Hiện nay, TP.HCM đã xây dựng bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc và có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ để phát triển kinh tế, sinh hoạt cộng đồng. Nhưng bà Thúy đề nghị TP.HCM cần có thêm những giải pháp để giáo dục thay đổi nhận thức của phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế để họ hiểu giá trị của bản thân, biết cách đấu tranh trước vấn đề bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới.

"Cũng cần giáo dục từ sớm cho trẻ em để hiểu về giá trị của bản thân và người xung quanh để có cách nhìn tôn trọng với người khác mình. Các lớp học tiền hôn nhân cần xem là tiêu chuẩn bắt buộc, ở đó cần nhấn mạnh giá trị bản thân mình và đối tác khi bước vào hôn nhân", bà Thúy nói.

Ngoài ra, bà Thúy cho rằng TP.HCM nên đầu tư xây dựng thêm những không gian văn hóa, giải trí để các gia đình có nơi sinh hoạt, tăng kết nối.

Cần đề án chung về phát huy tài năng, đóng góp của phụ nữ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM nên có đề án chung về phát huy tài năng, sự đóng góp của phụ nữ, đi kèm là cơ chế, ngân sách, nguồn lực thực hiện. Đồng thời, có biện pháp tạo cơ hội học tập, đào tạo để cán bộ nữ ở tất cả các cấp, địa phương có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa.

NSƯT Hạnh Thúy: 'Tôi không thích câu đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm' - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng TP.HCM cần có đề án chung về phát huy tài năng, sự đóng góp của phụ nữ

THU NGÂN

Về xây dựng gia đình hạnh phúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần tập trung cho nhiệm vụ này, lấy đó là trọng tâm để tổ chức các hoạt động. Từ đó, huy động ngân sách, nguồn lực xã hội để thực hiện.

Nhiều ý kiến của các đại biểu tại buổi đối thoại này cũng đề nghị lãnh đạo TP.HCM quan tâm phê duyệt dự án "Hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2026", tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, đề xuất thành lập giải thưởng nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM.

Mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới của TP.HCM đến 2030

Theo kế hoạch triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030, TP.HCM đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Như ở lĩnh vực chính trị, TP.HCM xác định đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Ở lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 60%; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 30%.

TP.HCM cũng xác định giảm số giờ trung bình làm việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.

Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu 90% người bị bạo lực gia đình/cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; và 70% người gây bạo lực gia đình/cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.