NSƯT Hạnh Thúy: 'Trách nhiệm để các nhà hát, rạp chiếu ở TP.HCM mất dần là do ai?'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
10/10/2022 17:40 GMT+7

Sân khấu truyền thống gồng gánh để sáng đèn từng đêm; những nhà hát sử dụng sai công năng; những rạp chiếu phim mất dần, đời sống văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn... là những trăn trở của NSƯT Hạnh Thúy nêu ra trong hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 10.10 tại TP.HCM.

Sáng 10.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc hơn 200 cử tri là cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu. Tại hội nghị, bà Ngô Phạm Hạnh Thúy (NSƯT Hạnh Thúy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ nghệ sĩ TP.HCM) cho biết, hiện nay hầu như các nữ nghệ sĩ phải hoạt động độc lập, đời sống vật chất, tinh thần không được nhiều sự quan tâm của nhà nước.

Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật hiện hoàn toàn tự chủ trong mọi khâu, có thể hụt hơi, dễ chạy theo tiếng cười, tức nhu cầu giải trí đơn giản mà bỏ qua yếu tố nghệ thuật. Vì vậy, bà Thúy đề nghị nhà nước cần quan tâm hỗ trợ đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho văn nghệ sĩ để tích cực cống hiến.

NSƯT Hạnh Thúy cũng nêu thực trạng "đa phần sân khấu hoạt động hiệu quả đều do tư nhân chủ trì. Họ linh hoạt thay đổi, chấp nhận mạo hiểm và mở rộng đối tượng hợp tác kinh doanh. Trong khi đó, các sân khấu kịch, cải lương, tuồng cổ, chèo... có thể nói là đang ngắc ngoải trong khi đây là những loại hình nghệ thuật có chiều sâu và hiệu quả xã hội cao".

Bà Ngô Phạm Hạnh Thúy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ nghệ sĩ TP.HCM, nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri

phạm thu ngân

"Thực tế, như tuồng cổ đã chết lâm sàng, nghệ sĩ tuồng cổ lâu thật lâu mới có một vài show diễn. Còn tuồng cổ ở những lễ hội, đình chùa ngày càng sơ lược, không tạo được lớp kế thừa..., rất có thể thành quá vãng. Kịch và cải lương vẫn gồng gánh để sáng đèn từng đêm theo năng lực của những người quản lý. Nhưng chẳng có nơi nào khả dĩ để phục vụ cho sân khấu một cách chính quy", bà Thúy nói.

TP.HCM hiện chỉ có Nhà hát Kịch TP.HCM và Nhà hát Kịch 5B chuyên cho kịch nói nhưng hoạt động cầm chừng vì sử dụng sai công năng, xuống cấp hoặc không phát huy hiệu quả. Có những nhà hát mới xây cũng gặp trường hợp như vậy nhưng không thấy ai khắc phục hay chịu trách nhiệm. Các rạp hát, rạp chiếu phim như Kim Châu, Long Châu, Nam Quang, Thủ Đô… xuống cấp hoặc bị phá hủy để trở thành trung tâm thương mại, cao ốc và nhiều sân khấu phải chuyển đổi phương thức hoạt động như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân...

"Vậy trách nhiệm để các nhà hát, rạp chiếu mất dần là do ai? Đừng để đến lúc kịch, tuồng cổ, cải lương, chèo... là điều gì đó lạ lẫm với công chúng bởi vì chúng đã chết rụi trong những khó khăn, việc gầy dựng lại vô cùng nan giải", bà Thúy nói và đề nghị phải có hệ thống nhà hát đúng nghĩa, đúng công năng để các sân khấu luôn được diễn, kinh phí thuê ở mức tương đối và được vận hành bằng những chính sách rõ ràng, công bằng.

Còn nhiều bất cập...

Trước ý kiến của cử tri, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM nói: "Tôi hết sức chia sẻ bởi trong số những quy định hiện hành, thì quy định về chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ là viên chức, người lao động hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật công lập hoặc là NSND, NSƯT, nghệ nhân… trên địa bàn thành phố của chúng ta hiện còn rất bất cập. Những quy định quá lạc hậu và không còn thực tiễn nữa".

"Sở VH-TT TP.HCM đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền và trong thời gian tới trong phạm vi trách nhiệm của mình, chúng tôi xây dựng những nội dung chính sách để đề xuất với HĐND TP.HCM thông qua những chế độ đặc thù đãi ngộ cho lực lượng văn nghệ sĩ lớn tuổi có nhiều đóng góp xuất sắc, có được nhiều danh hiệu cao quý để kịp thời động viên", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin.

Về phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật truyền thống dân tộc, cụ thể là sân khấu nghệ thuật truyền thống, lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cũng cho hay đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các viện nghiên cứu để xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống, trong đó có đề xuất công nhận cải lương là di sản phi vật thể quốc gia. Nếu được thông qua sẽ giúp cho nghệ thuật sân khấu truyền thống có cơ chế để chăm lo, phát triển.

Liên quan ý kiến của cử tri về các chính sách hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng còn cần lộ trình dài hơi, từ việc bổ sung các cơ chế, chính sách đến cơ sở vật chất.

"Chúng ta có thông tin là TP.HCM không có loại hình rạp hát đúng chuẩn cho loại hình biểu diễn chuyên nghiệp ở tất cả các lĩnh vực từ sân khấu hàn lâm, giao hưởng, nhạc vũ kịch, sân khấu kịch truyền thống, cải lương... thì giải pháp nào đây?", bà Thúy nói và cho hay đối với những công trình lớn, TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở VH-TT cũng cho biết: "Có nỗi niềm mà tôi chia sẻ với các văn nghệ sĩ. Đó là rạp hát đã cũ mà TP.HCM quản lý trong thời gian qua không có điều kiện, cơ chế để khai thác phù hợp thì nội dung này liên quan đến rào cản trong công tác quản lý tài sản công, quy định pháp luật. Sở VH-TT đã kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét và phê duyệt các đề án quản lý sử dụng tài sản công do sở quản lý để có thể khai thác đúng quy định pháp luật và hợp tác công tư đạt hiệu quả như mong muốn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.