Lần đầu sản xuất chương trình truyền hình thực tế dành cho cải lương: Trăm năm ánh Việt (với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Ngọc Giàu, NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc... trong vài trò giám khảo; phát tối thứ 6 hằng tuần trên THVL1), nhà sản xuất - NSƯT Vũ Thành Vinh đã có những chia sẻ thấu đáo từ quan sát và tìm hiểu cũng như từ sự trân trọng dành cho loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc của Việt Nam này.
Thí sinh Tấn Đạt (thứ 2 từ trái sang) đã đem đến tràng cười với tiểu phẩm thú vị của mình trong tập 1 |
k.m |
*Anh quan tâm đến điều gì đầu tiên khi sản xuất chương trình Trăm năm ánh Việt?
NSƯT Vũ Thành Vinh: Khi làm chương trình thực tế về cải lương này, một trong những điều kiện đầu tiên là phải có ban nhạc sống. Các thí sinh phải hát live là điều đương nhiên, nên sẽ có những tình huống ban nhạc xử lý tại chỗ, cũng như sẽ mang đến những xúc cảm mà nếu hát với nhạc thu sẵn sẽ khó có được. Và trên hết, nghệ sĩ phải thăng hoa cùng với ban nhạc.
NSƯT Vũ Thành Vinh cũng là một trong những giám khảo của chương trình |
k.m |
Vì hát với ban nhạc, nên ngay từ các buổi tập, ít hay nhiều đều phải có anh em nhạc công tham gia và theo suốt. Chúng tôi quyết định nâng thù lao của anh em nhạc công lên, “đầu tư” cho ban nhạc tới nơi tới chốn không thua các nghệ sĩ biểu diễn, từ trang phục đến vị trí xuất hiện trên sân khấu, thậm chí mời các anh đến dự họp báo ra mắt chương trình… Tôi nói các anh cứ đưa ra lộ trình làm sao cho chương trình tốt nhất, đạt chất lượng nhất.
Cùng với nghệ sĩ, thí sinh, soạn giả..., ban nhạc được chú trọng tại Trăm năm ánh Việt |
k.m |
Nói như thế để thấy, khi chúng ta nói trân quý cải lương thì phải thể hiện ở cả hình thức lẫn thực tế. Chúng ta ca ngợi nhiều mà thực tế các nhạc công cải lương không nuôi sống được bằng nghề thì làm sao có thể nói đến việc xa hơn là gìn giữ, duy trì, bảo tồn, phát huy… Đằng sau mỗi nghệ sĩ, mỗi nhạc công có cả gia đình, nên bản thân người làm nghề nào phải “có thực” trước đã, kế đến họ phải được ghi nhận, tôn trọng.
* Và điều gì khiến anh trăn trở nhiều nhất khi thực hiện show truyền hình này?
- Khi tìm hiểu và sản xuất các chương trình ở những lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh…, điều không khó nhận ra là các lĩnh vực này đều phát triển và đi theo tính đương đại. Một trong những lý do được đề cập trong các cuộc hội thảo về sân khấu cải lương, rằng vì sao cải lương không phát triển được như các loại hình khác, tôi cho rằng đó là vì cải lương không kịp thay đổi. Chúng ta không có nhiều những vở mới (phần lớn hiện nay là dựng lại các vở xưa); các trường có khoa đào tạo diễn viên cải lương, nhạc công dân tộc ngày càng giảm dần sinh viên, học sinh. Như vậy khả năng để có thế hệ tiếp cận là rất khó.
Thí sinh Ngọc Sương tạo ấn tượng với khán giả khi tranh tài ở tập 1 |
k.m |
Khi tiếp xúc với nhiều người làm nghề, các anh chị, các bạn đã chia sẻ, bày tỏ rằng nếu mong muốn cải lương được sống (khoan nói đến chuyện phát huy ra sao), trước hết phải tạo cho nó có sân chơi, sân chơi ấy phải thật sự hấp dẫn, và đặc biệt cần có sự thay đổi.
* Những điều anh vừa nói, có lẽ, người có tâm huyết với nghề ai cũng mong muốn thực hiện, nhưng không dễ...
- Thực tế khi sản xuất các chương trình có liên quan đến vở tuồng, mỗi lần dựng vở, phần lớn các em sẽ chọn dựng lại vở kinh điển. Điều này không sai. Nhưng chỉ có như thế không thì không đủ. Chúng ta vẫn tôn vinh tác phẩm bất hủ nhưng cũng phải có những vở mới mang hơi thở thời đại. Nếu các bạn trẻ không thấy mình trong đó, nghĩa là tương lai khó có lớp khán giả kế thừa.
Chúng ta vẫn yêu mến cải lương, nhưng người thưởng thức thì dần mất đi. Như vậy có yêu mến tận cùng mà người thưởng thức cải lương chỉ còn những bậc cha chú, những khán giả hoài niệm thôi thì làm sao sân khấu cải lương sáng đèn mãi được.
Kế thừa ở đây không chỉ là của ngành nghề, mà còn là kế thừa đối tượng thụ hưởng. Tại sao các loại hình khác có sức sống, vì khán giả hôm nay có thể thấy sự gần gũi, có thể hòa vào không gian, không khí của loại hình đó. Nói cách khác, loại hình nào có hơi thở đương đại, sẽ tồn tại được.
NSND Ngọc Giàu và NSND Bạch Tuyết đồng hành trong vai trò giám khảo |
k.m |
Nói điều này khiến tôi nhớ ngay đến NSND Bạch Tuyết. Được xem như một tượng đài của cải lương Việt Nam nhưng đến nay, bản thân cô Bạch Tuyết cũng luôn làm mới mình, cập nhật liên tục làn sóng trẻ. Người yêu thích cô và cả người trẻ hôm nay khi nghe NSND Bạch Tuyết ca cải lương, luôn thấy được sự mới mẻ mà vẫn không hề mất đi nét đẹp vốn có của loại hình này. Có lẽ cũng vì sự “chịu chơi”, chịu thay đổi đó nên giới trẻ yêu thích cô ngày càng nhiều.
Soạn giả Tô Thiên Kiều và một số thí sinh của Trăm năm ánh Việt |
k.m |
* Trong khuôn khổ của một chương trình thực tế, anh sẽ góp phần "giải bài toán" không đơn giản ấy như thế nào?
- Với Trăm năm ánh Việt, chúng tôi không chỉ đầu tư nhiều cho ban nhạc mà cả về tác phẩm, tôi mời các soạn giả viết mới theo từng chủ đề (vở mới chiếm phần lớn). Bên cạnh các nghệ sĩ gạo cội tham gia vai trò giám khảo, chương trình được kết nối bởi nghệ sĩ cải lương Bình Tinh – người con của gia tộc nghệ thuật cải lương tuồng cổ danh tiếng Huỳnh Long. Cùng những yếu tố đó, khi đưa cải lương lên màn ảnh nhỏ, tôi hy vọng tính đại chúng của truyền hình sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng hơn cũng như khơi gợi nơi người xem, nhất là công chúng trẻ, tình yêu cùng niềm tin về sức sống đối với loại hình nghệ thuật truyền thống hơn 100 năm tuổi này.
* Cảm ơn NSƯT Vũ Thành Vinh đã chia sẻ!
Bình luận (0)