NTK Thủy Nguyễn: Triển lãm 'Mộng bình thường', nhưng mơ lớn cho thời trang Việt

P.C.Tùng
P.C.Tùng
21/11/2020 20:49 GMT+7

Mộng bình thường như tự truyện của một nghệ sĩ, nói về giấc mơ đang được viết tiếp của nhà thiết kế (NTK) Thủy Nguyễn với hành trình sáng tạo gắn liền những chất liệu văn hóa và thủ công đặc trưng của Việt Nam.

Đánh dấu hành trình 9 năm dấn thân vào lĩnh vực thời trang, NTK Thủy Nguyễn phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tổ chức triển lãm trưng bày mang tên Mộng bình thường diễn ra từ đầu tháng 11 đến 6.2.2021 tại Q.2, TP.HCM.
NTK Thủy Nguyễn tên thật là Nguyễn Thu Thủy, sinh năm 1981, quê gốc Hà Nội, từng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, rồi sang Ukraine học thạc sĩ Mỹ thuật, sau đó bảo vệ luận văn tiến sĩ tại Đại học Mỹ thuật Kiev. Cô nói lần làm triển lãm này đã “mở toang cánh cửa đón khán giả vào thế giới riêng của mình”.

Chân dung NTK Thủy Nguyễn trong poster giới thiệu triển lãm Mộng bình thường

Ảnh: NSCC

* Vì sao một nghệ sĩ có vẻ “bất thường” như NTK Thủy Nguyễn lại làm một triển lãm có tên Mộng bình thường?
- Bản thân tôi lại thấy điều này rất bình thường. Mỗi bộ sưu tập, tác phẩm của Thủy đều gắn liền với cuộc sống thường nhật, kỷ niệm, những điều xung quanh mình. Đó là những hoa văn gạch bông trên áo dài Cô Ba Sài Gòn lấy cảm hứng kiến trúc của những căn nhà xưa, những món đồ chơi bố mẹ tôi đem từ Nga về, chiếc áo dài mặc thời cấp ba ký tên tập thể lớp như một món quà chia tay, hay là chiếc váy in lại bức thư tay con gái viết tặng mẹ... Với triển lãm này, bạn bè bảo họ bất ngờ vì chưa bao giờ tôi mở toang cánh cửa đón khán giả vào thế giới riêng của mình.

Áo dài Cô Ba Sài Gòn xuất hiện trong gian phòng Muôn hình vạn trạng

Ảnh: Hải Nguyễn

Có được những thứ bình thường trong cuộc sống là một điều vô cùng vất vả. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tôi tự hỏi mong muốn của mọi người là gì? Có phải là sự bình thường và bình an ở một nơi không bị tác động bởi những thứ xung quanh? Giống như tên gọi Ở trọ trần gian (tên một gian phòng triển lãm của Thủy Nguyễn), tất cả những gì chúng ta thấy ở đây, hay 9 năm qua của Thủy cũng chỉ là một đoạn. Tất cả đều chỉ là tạm thời, có thể sau này sẽ không còn nữa.
* Áo dài xuất hiện áp đảo trong triển lãm của Thủy Nguyễn. Chị nghĩ tương lai của áo dài sẽ thế nào?
- Chiếc áo dài có một bề dày lịch sử tương đối lớn. Những người bảo thủ sẽ trói buộc hình tượng áo dài vào hàng loạt các quy chuẩn xã hội, lịch sử, văn hóa, hay chỉ bày trong bảo tàng và nghiên cứu. Bảo tồn di sản là tốt, nhưng tôi nghĩ tương lai của áo dài cần phải tiếp diễn trong cuộc sống bình thường của người dân.
Những người tạo ảnh hưởng đến thời trang và xã hội cần phải truyền cảm hứng để người Việt Nam không chỉ mặc áo dài trong những dịp trọng đại mà còn có thể dùng nó như một trang phục bình thường, hằng ngày. Đây thực sự là một ước mơ mà Thủy muốn kiên trì theo đuổi trong tương lai, dù rất dài cũng cố gắng theo.

Gian phòng triển lãm chủ đề Xưa đến ngày nay

Ảnh: Hải Nguyễn

* Năm 2013, Thủy Nguyễn ra mắt bộ sưu tập áo dài đầu tiên với chất liệu gấm. Thử thách này đem đến cho chị trải nghiệm gì?
- Đầu tiên, tôi chọn chất liệu gây ám ảnh và “ngấm” vào con người của mình nhất, đó là gấm. Tính chất của chất liệu này cũng thể hiện được tình cảm, tinh thần của nơi chốn mà tôi sinh ra và lớn lên: Hà Nội. Vùng đất kinh thành này nổi tiếng với lụa là gấm vóc từ Hà Đông, Nha Xá, Vạn Phúc... Ngày còn bé, bố thường dẫn tôi đi cùng trong các chuyến công tác đến các tỉnh xa xôi. Dần dần, tôi bắt đầu biết thế nào là các làng nghề, vì sao mình cần gìn giữ nghề truyền thống. Tôi đã đi đến đâu thì học đến đấy, cũng ăn ở cùng người dân bản xứ. Qua chất liệu, tôi học được câu chuyện văn hóa của cả một vùng đất, càng học thì càng thấy trân trọng hơn. Đó là lý do vì sao tôi rất hay sử dụng các chất liệu và kỹ thuật truyền thống của Việt Nam.
Lý do thứ hai là tôi muốn thử thách bản thân mình, vì gấm là một chất liệu rất khó xử lý và khó “làm mới”. Thường người ta dùng lụa là gấm vóc vào những trang phục sang trọng, sự kiện lớn. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy nhà thiết kế nào sử dụng gấm mà đẩy được chất liệu này lên mức “hiện đại” và làm cho nó dễ dùng, gần gũi hơn với người mặc. Sài Gòn là nơi tôi chọn để an cư lạc nghiệp, đối với tôi thì Sài Gòn là một môi trường mới. Khi tôi làm với gấm, tôi thử mang cái chất truyền thống Hà Nội của mình tiệm cận với cái hiện đại của Sài Gòn, nhằm thổi một làn gió mới đến bối cảnh thời trang ở Sài Gòn lúc đó. Đấy là một thử nghiệm tôi nghĩ thành công đối với mình, tôi cảm thấy nó đúng với mình nhất, không vay mượn của ai cả. Từ đó, tôi trung thành hơn với chất liệu gấm.

Không gian triển lãm chủ đề Ở trọ trần gian

Ảnh: Hải Nguyễn

* Vì sao chị thường kể câu chuyện về thiên chức làm mẹ, tôn giáo và thiên nhiên trong các bộ sưu tập của mình?
- Lúc nào tôi cũng sáng tác dựa trên những câu chuyện thật với mình nhất, đúng nhất với nội tâm của mình. Khi đó, tôi tin rằng những thông điệp trong thiết kế của mình sẽ trở nên chân thật và rung động những xúc cảm sẵn có của mọi người. Cùng là người Việt Nam, cùng là phụ nữ với nhau, những câu chuyện của tôi chắc chắn sẽ có liên đới đến những trải nghiệm của những người Việt khác, những người phụ nữ khác ở khắp nơi trên thế giới.
Ví dụ như trong bộ sưu tập Viên mãn (2016), tôi mang câu chuyện mang thai, làm mẹ, những nét chữ trẻ thơ vào thiết kế của mình vì tôi cảm thấy mình thực sự hạnh phúc khi được trải qua những cảm xúc ấy. Trong bộ sưu tập Mỵ Châu (2019), tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện Nỏ thần, nhưng gửi vào đó những trăn trở về tình yêu của nàng Mỵ Châu với Trọng Thủy. Tôi thương cảm cho thân phận phụ nữ, từ thời cổ đại đến hiện đại đều loay hoay không thể tự định đoạt số phận của mình. Cách tôi đặt tên các bộ sưu tập, từ Lúng liếng (2015), Cọc cạch (2016), Mộng mị (2017) cho đến Tình tang (2019), đều lấy cảm hứng từ ca dao, tục ngữ, từ láy của tiếng Việt. Hình tượng những đám mây, động vật, hoa hay con người trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, và các tác phẩm của các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Picasso đều có ảnh hưởng lên nghệ thuật và thiết kế của tôi.
Tôi không chỉ kể câu chuyện của mình mà còn khơi gợi lên những tiềm thức, nhắc nhở mọi người về di sản mà chúng ta sẵn có, rằng chúng ta nên giữ gìn và phát triển chúng.

Gian phòng triển lãm Lầu son gác tía

Ảnh: Hải Nguyễn

* Chị làm thế nào để cân bằng trong khi vừa làm kinh doanh, vừa sáng tạo nghệ thuật, vừa là mẹ 4 con?
- Thật ra, tôi mất rất nhiều thời gian để học thiền định. Ngày xưa, tôi không biết nói “không”. Cái gì mình cũng muốn làm và ai mình cũng muốn giúp. Về sau, tôi học được cái gì cần buông bỏ, cái gì cần chú tâm hơn. Tôi cũng học được cách sắp xếp thời gian cho những điều quan trọng. Khi làm việc cùng các nhân viên và cộng sự, tôi học được cách tin tưởng và trao quyền cho họ. Đây là việc rất khó với tôi, nhưng tôi biết khi mình buông bỏ bớt thì sẽ hiệu quả hơn. Tôi rất thích một câu nói nổi tiếng: “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau”. Đấy là cái mà mình phải trau dồi, phải học hằng ngày.

Không gian Đôi vầng Nhật Nguyệt

Ảnh Hải Nguyễn

Gian phòng chủ đề Phố phố phường phường

Ảnh: Hải Nguyễn

Dạo này, tôi vừa học được thêm một cái mới. Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi bán hàng/quảng cáo điện thoại. Mỗi ngày có khi lên đến 20 cuộc điện thoại quảng cáo. Ngày xưa, tôi sẽ bảo: “Ok cám ơn em, chị không cần”, dập máy. Nhưng bây giờ tôi tự nhận ra rằng mình đã rất là không hay đối với họ. Họ chỉ đang làm công việc của họ mà thôi. Thế là tôi tự điều chỉnh, bình tĩnh sống. Tôi nghe điện thoại, “Thế hả em, ừ được rồi…”, trong đầu tôi không nghĩ, không nghe họ nói gì cả đâu, nhưng rõ ràng là mình đang để họ làm cái việc của họ, tôn trọng họ. Tôi nghĩ rằng, ở đâu đấy, người ta sẽ tôn trọng ngược lại mình. 
Để có được sự cân bằng giữa gia đình và công việc, tôi phải trau dồi cách sắp xếp thời gian và buông bỏ hằng ngày, nhỏ từng giọt kiên nhẫn, từng tí từng tí một. Tuy rất khó khăn, nhưng trải qua rồi mới biết. Ai cũng có 24 giờ một ngày. Mình cố gắng rèn luyện nhiều hơn thì mình sẽ làm/nghĩ được 2-3 việc cùng một lúc, thay vì chỉ được một thứ thôi.

Không gian chủ đề Đong đầy ký ức

Ảnh: Hải Nguyễn

* NTK Thủy Nguyễn hình dung chặng đường thời trang 10 năm tới của mình sẽ thế nào?
- Mọi người vẫn hay hỏi như thế. Thật ra làm việc gì tôi cũng nghĩ mình sẽ làm hết mức để khi nhìn lại, không có gì để hối tiếc. Mục đích sống của tôi là tất cả công việc tôi làm đều khiến tôi hạnh phúc và vui. Vậy thì, 10 năm nữa của Thuy Design House vẫn phải vui, vẫn phải rất đam mê và nhiều cống hiến để câu chuyện truyền thống - đương đại này đi dài hơn nữa.
Tôi vẫn muốn tiếp tục kể chuyện, mang văn hóa và truyền thống ra ngoài sách vở, đi vào cuộc sống thật của mọi người. Giống như tà áo dài, không chỉ đến những dịp đặc biệt chúng ta mới nhớ tới để mặc, mà nó phải thực sự sống trong tim của mọi người.

NTK Thủy Nguyễn sống trọn với đam mê và hy vọng thời trang Việt với chất liệu văn hóa đa sắc sẽ có vị thế nhất định khi vươn ra quốc tế

Ảnh: NSCC

10 năm tới, hy vọng câu chuyện của Thuy Design House sẽ lan tỏa đến mọi người trong nước và cả những người Việt xa xứ; để thế giới biết làng thời trang Việt như thế nào, nghệ sĩ chúng tôi hoạt động ra sao...
 * Cảm ơn những chia sẻ của Thủy Nguyễn và chúc triển lãm của chị đón thêm nhiều tri âm đồng cảm với "giấc mộng bình thường"!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.