Trên mũ, nón - những món phụ kiện che tóc có giá trị "định vị" đẳng cấp, xác định địa vị đặc biệt này là tất cả sự cầu kỳ của nghệ thuật trang trí, sự tỉ mỉ của kỹ thuật thủ công và cả sự thời thượng, sành điệu của nghệ thuật thời trang.
Một chiếc mũ của Hoàng gia Anh có thể lên đến hàng trăm triệu đồng hoặc hơn. Set đồ thời trang sẽ nhanh chóng trở nên cao cấp, trang trọng và mang tính nghi lễ cao hơn nếu có kèm các thiết kế mũ.
Ở Việt Nam, theo nếp văn hóa cổ, phổ dụng hơn, nón là một loại phụ kiện không chỉ để che mưa nắng, bảo vệ sức khỏe mà còn là món đồ thời trang không thể thiếu một thời… Những chiếc nón quai thao độc đáo đi cùng những chiếc áo tứ thân điệu đà, xúng xính. Hay những chiếc nón làng Chuông, nón Huế đi với những chiếc áo dài duyên dáng thậm chí đã trở thành một biểu tượng văn hóa thời trang của người Việt, rất được các du khách, các nhà văn hóa nước ngoài yêu thích, muốn khám phá.
Các trào lưu, xu hướng thời trang hiện đại không ngừng biến đổi tạo nên những dòng chảy đa dạng, mới mẻ. Trong khi thời trang nhiều nước vẫn duy trì và phát triển thịnh vượng các loại phụ kiện che tóc thì thời trang Việt lại bị mai một món đồ này. Điều đó khiến cho thời trang Việt, trong nhiều trường hợp dường như bị khuyết đi một mảng quan trọng.
Chia sẻ với phóng viên, NTK Phạm Ngọc Anh cho biết: "Mình thấy nón Việt giờ dường như chỉ còn thịnh hành" ở các vùng quê và ở độ tuổi của các… bà. Người trẻ, người thành thị hầu như không sử dụng. Trong khi đó, lúc mình tham dự một số lễ hội thời trang, âm nhạc quốc tế thấy các nước họ sử dụng rất nhiều. Họ thậm chí sáng tạo ra những món đồ thời trang rất độc đáo từ nón, mũ. Có một số bạn bè của mình từng đến Việt Nam mua nón về làm quà rồi tự làm mới lại bằng cách trang trí tua rua, đèn hoa lên nón, trông rất sáng tạo, vui mắt. Có đi xa quê hương mới thấy, bắt gặp một món đồ thuần Việt như nón sẽ xúc động, tự hào nhường nào. Hơn cả một món đồ thời trang, đó là bản sắc văn hóa của quê hương".
"Tại sao các NTK Việt không sáng tạo ra những chiếc nón điệu đà hoặc độc đáo để có thể phối được với nhiều kiểu trang phục, biến nón thật sự trở thành một món phụ kiện hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc nhưng vẫn đầy tính ứng dụng, có thể phổ dụng như nó đã từng? Thế giới họ làm rất nhiều", NTK chia sẻ thêm.
"Ở các nước, ví dụ như Anh, họ còn khuyến khích người dân đội mũ hoặc các phụ kiện trang trí đầu khi đi lễ nhà thờ, đám cưới, xem đua ngựa… thì sao mình không thay đổi và điều chỉnh để nón được trở lên sang trọng hơn, ứng dụng được nhiều hơn nữa?", NTK Ngọc Anh kể.
"Nhiều quốc gia như Nhật đã làm cho Kimono, dép xỏ ngón - biểu tượng trong văn hóa, thời trang của họ trở nên phổ biến trên khắp thế giới thông qua các thiết kế hiện đại. Người Indonesia cũng làm cho các hình vẽ Batik trở lên được ưa chuộng, trân trọng, tới mức không chỉ người dân nước họ sử dụng mà nhiều người dân, tín đồ thời trang các nước khác cùng chưng diện. Rất nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ đều đang nỗ lực bảo tồn và phát triển các bản sắc văn hóa, thời trang của họ", NTK nói tiếp.
Thực tế thì hiện nay có rất nhiều NTK Việt đang tìm cách "quay trở về". Có nhiều loại trang phục của người Việt xưa như áo dài, áo yếm, áo tứ thân, guốc, váy đụp… cùng các chất liệu dân gian như thổ cẩm và họa tiết, nội dung các dòng tranh cổ được những NTK "tái hiện" lại một cách gần gũi, mới mẻ, hiện đại rất dễ dùng. Chúng thậm chí còn gần như được giữ nguyên phom dáng, kiểu mẫu của bản cổ. Điều đó làm cho hương sắc thời trang Việt không chỉ đa dạng, độc đáo mà còn có tính bảo tồn cao, ngày càng cao cấp và giàu tính văn hóa, truyền thống.
Ảnh: NTK Phạm Ngọc Anh, La Phạm, CNN, VOI, Daily Mail