Nữ biệt động kiệt xuất Lê Hồng Quân - Kỳ 2: Chinh phục giang hồ Sài Gòn

23/12/2008 00:37 GMT+7

Chuyện chưa xong, chị Lê Hồng Quân nói mệt, phải nghỉ để mai đi tỉnh sớm, làm... chính sách. Trong tập hồ sơ dày cộm chị cầm, chúng tôi thấy có nhiều trường hợp là nam giới.

“Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, sao lại có nam?”, khi gặp lại chị, chúng tôi thắc mắc. Chị giải thích, ban đầu đa số là nữ, nhưng về sau phải tuyển thêm nhiều nam do yêu cầu của hoàn cảnh thực tế chiến đấu. Thành ra, danh nghĩa là đơn vị nữ biệt động, nhưng có tới gần một nửa nam giới. Nhiều người đã nhầm lẫn chi tiết này, chị đề nghị chúng tôi thông tin lại cho rõ.

Những năm 1966-1967, chính quyền Sài Gòn ráo riết lùng sục vây “bắt lính”. Lúc đó, số cán bộ tăng cường từ Cần Thơ lên Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ) do ông Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình), Phó bí thư Khu ủy SG-GĐ trực tiếp chỉ đạo (ông Trần Bạch Đằng lúc đó là Bí thư Khu ủy). Lực lượng này nhận lệnh từ Khu ủy, bí mật trà trộn vào nội thành nhận nhiệm vụ vừa cài đặt cơ sở cách mạng, vừa tổ chức thanh niên chống lại các đợt “tổng động viên” của chính quyền cũ. Phong trào được phát động chủ yếu ở các khu lao động nghèo, có nhiều thanh niên trốn quân dịch như Khánh Hội, Tôn Đản, Cây Bàng, Vĩnh Hội (Q.4); khu lao động ở đường Nguyễn Thông nối dài ( Q.3); các khu Bảy Hiền, Mã Lạng... Để có thể đấu tranh phản ứng, tạo chướng ngại vật, cản đường lùng sục của lính và cảnh sát, ít nhiều phải có vài ngón... võ thuật; có chút máu “giang hồ” càng tốt. Tất cả những yêu cầu này đều được các cơ sở nội đô của chị Quân đảm nhận, bí mật đưa người xuống giúp dân.

Khi thực hiện các công việc này lực lượng nữ biệt động SG-GĐ đã tiếp cận và thuyết phục nhiều tay giang hồ có máu mặt ở quận 4 đang trốn lính. Chính các “tay anh chị” này đã ném tối hậu thư vào nhà các tên chuyên “theo đóm ăn tàn”: nếu chỉ điểm người trốn lính cho cảnh sát bắt, thì sẽ bị trừng trị thích đáng! Quá sợ hãi, bọn chỉ điểm và quan quyền đương chức quận 4 đã phải cầu hòa, thông qua sự dàn xếp của “đàn anh” Lê Văn Bi đang là tài công giỏi của hãng RMK. Anh này mặc dù không lập băng, nhóm nhưng nhờ giỏi võ thuật và rất có nghĩa khí nên được giới giang hồ kiêng nể như một... đại sư huynh. Những tên chỉ điểm cũng không ngờ chính sư huynh Lê Văn Bi là người đã được các nữ biệt động cảm hóa, nhận dạy võ cho các nhóm thanh niên chống bắt lính trong các khu lao động. Nhờ mối liên lạc ấy mà rất nhiều tin tức quan trọng của chính quyền cũ, kể cả các cuộc bố ráp bắt lính, đại sư huynh Bi đều biết, báo lại cho lực lượng nữ biệt động SG-GĐ, từ đó truyền tai đến các xóm lao động.

 

Chị Quân và các đại biểu trong một lần dự đại hội điển hình tại Hà Nội - Ảnh do chị Quân cung cấp

Nhắc đến vị hảo hán này, chị Quân không ngớt trầm trồ. Chị kể, nhiều chị em được quân ta cài vào RMK đã tận mắt thấy Lê Văn Bi dám “bạt tai” một tên cai và cảnh cáo: “Mẹ! Làm công ăn lương thì biết ăn lương thôi. Sao lại ỷ thế hà hiếp công nhân?”. Từ hạt nhân Lê Văn Bi, phong trào phản kháng giới chủ ở RMK lên cao. Khi biết giới chủ và chính quyền cũ có ý định sa thải hơn 600 công nhân quân cảng Sài Gòn, thay vào đó là công nhân đến từ Philippines để bốc xếp các loại vũ khí, hóa chất bí mật, Lê Văn Bi cùng với chị em công nhân được cài vào đã đình công tập thể. Theo lời chị Quân, cuộc đấu tranh lần đó đã kéo theo nhiều nghiệp đoàn lao động các nơi khác, làm thất bại âm mưu của địch.

Khi đã phát triển đông quân số, cuối năm 1967 cánh cán bộ hoạt động bí mật nội đô SG-GĐ chính thức trở thành đơn vị nữ biệt động SG-GĐ, tiền thân của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng sau này. Đơn vị do chị Quân phụ trách, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Khu ủy SG-GĐ. Đại sư huynh Lê Văn Bi sau đó trở thành quyền Trung đội trưởng Trung đội 3 của đơn vị này. Một số tay “anh chị” khác cũng theo gương anh Bi, “rửa tay gác kiếm” để trở thành chiến sĩ biệt động của cách mạng.

Sau đợt tổng tấn công vào Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân, lực lượng biệt động SG-GĐ được lệnh đưa quân vào “ém” tại các cơ sở nòng cốt đã được đơn vị này bí mật xây dựng, chủ yếu tại các căn cứ ở quận nhì (nay thuộc quận 1-TP.HCM) và quận 4 để chờ đợt tấn công mới. Chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ chỉ huy tiền phương đối với lực lượng này là “cờ phất, giờ điểm là hành động, không trông chờ, không ỷ lại ngoại viện...”. Theo hợp đồng, hỏa lực mạnh của ta sẽ nã phủ đầu cơ quan đầu não địch để biệt động đồng loạt tấn công  các bót, ty cảnh sát ngụy. Đến “giờ G”, không hiểu vì trục trặc sao đó, nên hỏa lực ta đã không nổ như dự kiến. Dù vậy, lực lượng biệt động SG-GĐ vẫn quyết tâm xung trận. Loa phóng thanh được sử dụng để phát lệnh tấn công vang lên oang oang tại các đường Đề Thám, Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Thái Học, Bến Chương Dương, Bùi Viện... nhằm lung lạc tinh thần địch quân. Cánh biệt động do Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân phụ trách (lúc này đã mang tên Tiểu đoàn Lê Thị Riêng) triển khai tấn công quyết liệt tại đường Đề Thám. Bà con hẻm 83 Đề Thám hỗ trợ bằng cách lăn ống cống và vứt nhiều vật dụng khác ra đường làm chướng ngại vật, phòng ngừa xe tăng địch tiến vào phản công. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra ác liệt, giằng co suốt đêm 4.5.1968. Sáng hôm sau địch quân phản công dữ dội. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân bị thương gãy tay. Để khỏi vướng cánh tay đang lủng lẳng, chị nhờ đồng đội Lê Thị Bạch Cát (6 Xuân) cắt hộ để tiếp tục chiến đấu thu hút hỏa lực địch về mình, tạo điều kiện cho đồng đội rút lui tránh bớt thương vong. Nhưng thương bạn, Bạch Cát không cắt. Chị Quân phải tự rút dao găm cắt tay mình. Đến trưa cùng ngày, Bạch Cát và nhiều chiến sĩ biệt động khác hy sinh. Hết đạn và kiệt sức, chị Quân bị địch bắt.

Mẹ chị, bà Lê Thị Xuân, cán bộ phụ vận Sài Gòn cũng bị bắt sau đó không lâu. Chính quyền cũ giam hai mẹ con cùng một phòng giam. Lúc thì chúng tra tấn mẹ trước mặt chị; lúc thì tra tấn chị trước mặt mẹ. Đòn roi và nhiều trò tra tấn dã man khác đã trút xuống hai mẹ con từ các nhà tù trong đất liền đến “chuồng cọp” Côn Đảo. Nhưng trước sau hai người nhất quyết không nhận nhau là mẹ - con.

Sau Hiệp định Paris, năm 1974 hai mẹ con chị được trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh. Chị Quân kể, 6 năm ở tù chung với mẹ, nhiều lần chị muốn gọi “mẹ” nhưng không gọi được. Hôm trở về với cách mạng cùng với mẹ, chị đã kêu “Mẹ ơi!” thật to và khóc.

(Còn tiếp)

* Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội

Nguyên Thủy - Văn Nhiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.