Tháng 5.2021, nụ cười của chàng bác sĩ Đặng Minh Hiệu (28 tuổi), Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lúc cạo trọc đầu trước khi lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, khiến nhiều người xúc động.
Ngày hôm đó, chàng bác sĩ trẻ mang theo nụ cười đầy quyết tâm ấy cùng đồng nghiệp của mình đi vào “trận chiến” ở Bắc Giang. Nhưng ít ai biết được rằng, đến khi Bắc Giang kiểm soát được dịch bệnh, chàng bác sĩ quay về với tâm dịch TP.HCM và “chiến đấu” cho đến tận hôm nay.
Dẫu cứ 2 tháng sẽ được thay phiên một lần, nhóm này về nghỉ ngơi và thay vào nhóm khác, nhưng bác sĩ Hiệu vẫn “ở lì” tại Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để chống dịch.
Nụ cười lúc cạo trọc đầu trước khi đi vào tâm dịch Bắc Giang từ tháng 5.2021 của bác sĩ Hiệu đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người |
NVCC |
Sợ nhất là kiệt sức trong cảm xúc
Sau khi từ Bắc Giang trở về, bác sĩ Hiệu nhập cuộc ngay vào “trận chiến” ở TP.HCM, và điểm đầu là Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Đến ngày 1.8.2021, khi thành lập Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì bác sĩ Hiệu về đây vừa trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa là tổ trưởng tổ cấp cứu ngoại viện của trung tâm. Vì vậy, ngoài ca trực điều trị, lúc nào chàng bác sĩ trẻ cũng trong tâm thế sẵn sàng chạy đi cấp cứu bệnh nhân Covid-19.
Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay chưa một ngày bác sĩ Hiệu cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Khi được hỏi “sức người cũng có hạn, chiến đấu mãi vậy sao được?”, bác sĩ Hiệu bày tỏ: “Nếu vẫn tiếp tục bám trụ thì sẽ là nguồn động lực tinh thần cho mọi người cùng bám trụ để chống dịch. Hơn nữa, mình còn trẻ và độc thân cũng là một lợi thế để ở lì và đi được đường dài với cuộc chiến này”.
Lâu lắm rồi, bác sĩ trẻ này không còn quan tâm cũng như không biết hôm nay là thứ mấy, có phải ngày nghỉ, cuối tuần, hay dịp lễ gì đó hay không. Mà thay vào đó là hôm nay những ca nào tiến triển tốt, ca nào sắp bình phục được trở về nhà…
Chúng tôi hỏi bao giờ thấy kiệt sức và nghĩ rằng không thể tiếp tục được nữa không, bác sĩ Hiệu khẳng định: “Nhiều lắm, nhiều lần như thế lắm. Nhất là với những ca bệnh mình đã cố gắng rất nhiều, bệnh nhân cũng chiến đấu với mình cả 2 - 3 tháng trời nhưng sau đó tử vong. Những lúc đó mệt mỏi vô cùng, như những cố gắng của mình nó trôi tụt hết. Nên lo sợ nhất không phải mệt vì kiệt sức, mà là kiệt sức trong cảm xúc”.
Không để bệnh nhân có cảm giác cô đơn
“Có cô bệnh nhân lúc đầu còn khóc lóc vì sợ không qua khỏi, đến khi cứu được và dần ổn trở lại thì bắt đầu không chịu hợp tác. Dặn đi dặn lại là đừng nằm ngửa sẽ làm ô xy tụt, thế nhưng nguyên một đêm trực, mình phải đứng canh, vì cô cứ không chịu nằm sấp. Cảm giác của mình lúc đó rất bực, mình chỉ bệnh nhân nặng kế bên và nói: “Cô nhìn đi, nếu nặng như thế là ăn uống cũng không được, thở cũng không xong, cô có muốn bị cảnh đó không? Cảm xúc của mình là bị sợ, sợ thay cho bệnh nhân khi phải đối mặt với những diễn biến xấu, sợ thay những cảm giác đau đớn cho bệnh nhân”, bác sĩ Hiệu kể lại.
Sau hơn nửa năm, vẫn nụ cười đầy nhiệt huyết ấy ở vùng tâm dịch |
Thế nhưng, bác sĩ Hiệu cho biết lớn tiếng cũng phải có “chiêu” để bệnh nhân hợp tác điều trị: “Trong ca trực thường có 2 anh em sẽ phối hợp với nhau, giống như người cương người nhu. Nói chung, mình phải phối hợp nhiều thứ để cho người bệnh biết được tầm quan trọng của việc hợp tác điều trị và để bệnh nhân không cô đơn”.
Cũng theo bác sĩ Hiệu, khi vào đây rồi, bệnh nhân không có người thân đi theo, nên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế vừa lo công tác điều trị, vừa chăm sóc, trò chuyện và chia sẻ giống như một gia đình để bệnh nhân không cảm thấy cô đơn và có thêm tinh thần chiến thắng dịch bệnh.
“Vì lo nghĩ và trăn trở về từng ca bệnh nhiều quá mà đêm ngủ cứ nằm mơ thấy bệnh nhân. Mọi người trong phòng nửa đêm nghe tự dưng mình đang ngủ mà la toáng lên: Lo mà uống thuốc đi! Nằm sấp lại”, bác sĩ Hiệu kể.
Một thanh xuân đặc biệt
Với bác sĩ Hiệu, những tháng ngày “ở lì” để chống dịch là một hành trình thanh xuân rất đặc biệt. Nơi mà anh được cống hiến sức trẻ, được làm những điều ý nghĩa cho cộng đồng.
“Đi chống dịch mọi người nghĩ sẽ hao mòn bản thân rất nhiều, nhưng điều mình nhận lại được ý nghĩa hơn gấp bội. Mình trưởng thành hơn trong chuyên môn và đặc biệt là trưởng thành trong cảm xúc”, bác sĩ Hiệu bày tỏ.
Cảm xúc tuyệt vời nhất của chàng bác sĩ trẻ là mỗi lần tiễn bệnh nhân bình phục xuất viện. Với chất giọng chất phác, bác sĩ Hiệu kể: “Mình theo sát, chiến đấu cùng bệnh nhân từ những ngày đầu vào, nhẹ rồi nặng, đến tiến triển tốt, bình phục và ra viện… những cung bậc cảm xúc làm mình “phê” luôn, nó đã gì đâu á. Cảm xúc tích cực đó mạnh mẽ lắm, nó thôi thúc mình làm nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn nữa”.
Bình luận (0)