Các em vừa tìm kịch bản, có khi phải đặt viết trích đoạn mới cho phù hợp với mình, vừa tập dợt diễn xuất với huấn luyện viên, vừa học tuồng cho thuộc lời thoại, lời ca, tập với nhạc sĩ cho “ăn đờn, ăn nhịp”. Căng thẳng như thế, nên có mấy em phải... uống thuốc cảm. Phan Văn Khởi, giọng ca cao điểm nhất cuộc thi, chia sẻ: “Em ngủ không được. Mất ngủ liên tục. Ngoài chuyện căng thẳng còn có thể do thuê nhà trọ lạ chỗ”. Huấn luyện viên Kim Tử Long lắc đầu: “Để anh tìm người bạn có loại thuốc an thần thảo dược, ngủ rất ngon mà không hại người, sẽ đưa cho em”.
Lê Kim Cương, cô gái xứ Bạc Liêu có hơi ca rất khỏe, kiên nhẫn ngồi xem các bạn tập luyện, cũng là học nghề thêm. Mồ côi cha năm 14 tuổi, một mình mẹ nuôi 5 đứa con, nên Kim Cương đành nghỉ học khi vừa xong lớp 9.
|
“Mới 15 tuổi biết làm gì, em đi làm osin, làm quán ăn lấy lương về phụ mẹ. Rồi em lên Sài Gòn làm công nhân. Tự nhiên em mê hát vọng cổ, mỗi tuần lặn lội vô Q.6 học ca. Em nghỉ làm công nhân vì có bạn bè mời đi hát đám tiệc, sự kiện, lễ tết... Nhưng thu nhập cũng chưa ổn định, nên em nhận hàng may gia công về làm thêm. Em học lỏm nghề trang điểm, rồi mày mò may thêm đồ cải lương. Nhờ vậy mà em gửi tiền về cho mẹ nuôi thằng út. Em sợ những vai thùy mị, dịu dàng lắm. Cứ cho em đóng vai nào mạnh mẽ, khổ cực gì cũng được. Em cực quen rồi!”, Kim Cương tâm sự. Hình như sóng gió cuộc đời đã trả lại cho Kim Cương niềm hạnh phúc. Dù có vào top 3 hay không thì khán giả cũng đã yêu mến cô.
Phạm Văn Nguyên có giọng ca khá tốt, lại là một... anh đầu bếp. Nguyên cười: “Hôm đó em vừa nấu ăn vừa ca, mấy anh trong quán kêu ca cho mấy ảnh nghe rồi xúi em đi thi. Em thi đại luôn! Không ngờ được giải ba Giọng ca cải lương hằng tuần của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM. Năm 2015 em lại được giải ba cuộc thi Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long. Năm 2016 em vô tốp 5 Đường đến danh ca vọng cổ. Em nghỉ làm đầu bếp, đi hát sô cũng sống được. Nhưng em nói thiệt, cái nghề này cũng khó lắm, chắc em theo một thời gian, rồi dành dụm tiền mở quán ăn có sân khấu hát với nhau. Coi như em vừa được nấu vừa được hát”.
|
Võ Hoàng Dư, Phan Văn Khởi, Phan Thị Hoàng Oanh gia nhập đoàn cải lương các tỉnh, nhưng rõ ràng khi tham gia cuộc thi, các bạn học thêm được rất nhiều. Nhìn huấn luyện viên Lê Tứ thị phạm cho thí sinh mà cảm động. Anh thuộc tuồng vanh vách, diễn và hát như thật khiến người xem muốn rớt nước mắt. Anh vừa là kép chính của Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM), vừa là giảng viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, được mọi người yêu mến cả tài lẫn tâm. Còn NSƯT Kim Tử Long và Quế Trân thì gần như khan tiếng vì ca thị phạm cho thí sinh mãi. Chưa kể vũ đạo cũng là một thử thách đối với thí sinh “tay ngang”, cho nên có thể gọi vui đây là cuộc thi của huấn luyện viên, có khi chỉ một động tác đưa tay thôi mà diễn cả chục lần. Nhưng tiếng cười cứ rộn vang phòng tập.
Kim Tử Long nói: “Thắng thua còn tùy may mắn, nhưng quan trọng là chúng tôi đã tìm ra đội ngũ kế thừa”. Còn NSND Bạch Tuyết thì nhận định: “Đây là một cuộc thi nghiêm túc của cải lương. Đãi cát tìm vàng đâu có dễ, nhất là những hạt vàng ấy mới vừa lấp lánh”
tin liên quan
9 thí sinh vào chung kết 'Chuông vàng vọng cổ'Đêm 3.8, vòng chung kết Chuông vàng vọng cổ diễn ra thật hào hứng tại sân khấu Đài Truyền hình TP.HCM. 9 thí sinh lọt vào vòng này đều có giọng ca và diễn xuất đầy triển vọng.
Bình luận (0)