Họ gồm khoảng ba mươi phụ nữ trung niên, tài sản chỉ vỏn vẹn là một thuyền nan và đôi chèo. Đó là đội “đò ôm” trên bến chợ Hạ Long, TP.Hạ Long, Quảng Ninh chuyên chở khách và hàng hóa...
Chừng 5 giờ sáng, bến cá chợ Hạ Long I sát chân núi Bài Thơ nhộn nhịp tàu bè, cũng là lúc một ngày lao động của những nữ “đò ôm” bắt đầu.
Giờ này, họ chở tôm cá từ những tàu lớn, bè nuôi cá trên vịnh vào chợ. Người bán người mua đã thỏa thuận giá cả, nữ lái đò chỉ việc đến đúng tàu, bè, nhận hàng và chở tận bến. Tùy thuộc vào số lượng hàng, tiền thù lao sẽ khác nhau, trung bình 10.000 - 20.000 đồng/lượt.
Cạnh đó, lúc 11 giờ trưa hay 4 giờ chiều cũng là lúc các nhà bè hay các tàu lớn cần đến “đò ôm”. Người cần gạo, nhà cần thịt để nấu cơm. Ngoài ra, có tàu cần mang lồ đá, túm lưới, trước giờ ra khơi.
"Cũng có khi, mỗi chuyến đi của người chèo chỉ chở vỏn vẹn một chai nước mắm, cái thúng tre nên người lạ thì lấy 5.000 đồng, còn người quen thì thôi", chị Hoa, một nữ “đò ôm” 40 tuổi vừa dùng mái chèo khỏa nước vừa cười nói.
|
Xóm “đò ôm” toàn người ở Hạ Long, Quảng Yên, số ít từ Thái Bình, Nam Định. Chồng con làm nghề biển, vợ chèo đò. Một ngày gió lặng, trời yên cũng chèo được trên trăm ngàn đồng.
Sau tết, người đi biển còn ít, mong ước của các chị, các mẹ ở đây là gặp khách du lịch, muốn ngồi đò lênh đênh ra thăm những đảo nhỏ, những bè cá nổi trôi trên mặt vịnh. Mỗi chuyến đi như vậy, mỗi khách các chị có 50.000 - 70.000 đồng, gặp khách nước ngoài có khi bằng cả mấy ngày khỏa nước.
Vắt vẻo đầu con đò nào cũng là chiếc vợt dài để những nữ đò ôm vớt những đồ đồng nát trên biển bán ve chai.
Những ngày nắng ráo, thuyền nào cũng hong ít cá mối, cá phèn. Các chị nói cá mua được rẻ, có khi được cho không, thêm vốc muối, hong từ sớm tới xế trưa, bữa chiều khỏi phải lo thức ăn.
Nhưng công việc của những nữ “đò ôm” bến chợ Hạ Long không dễ dàng. Nắng, mưa là chuyện bình thường. Ác mộng nhất là những ngày ngược gió, chèo mỏi tay mà con đò không nhích được lên, đêm về rã rời hai bả vai.
Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Nhiên, người gắn bó với bến cá Hạ Long từ năm 1990, trận lốc xoáy năm 2008 vẫn chưa thôi ám ảnh. Đang trưa, gió xoáy bất ngờ, bà phải bỏ thuyền lội vào bờ, trong khi một chiếc thuyền phía trước lật úp, ba người trên đò mấy ngày sau mới tìm thấy xác.
Vài năm trước, một chiếc thuyền nan đã có giá trên triệu bạc. Mỗi người chèo phải làm sổ đò mất 3 triệu đồng, mỗi tháng mất 300.000 đồng tiền trông giữ, một năm đôi lần thuê người sơn hắc ín, sơn chống hà cho con đò cơ nghiệp. Các nữ chèo cười xòa, nói tiền đó như xe ôm trên bờ mất phí đăng kiểm, đổ xăng, thay dầu vậy. “Chỉ mong trời đừng rét quá. Mà mùa hè cũng ít mưa bão đi, để dân đánh cá làm ăn được, mình mới có việc mà chèo chứ”, nữ đò ôm 45 tuổi tên Hằng mong mỏi.
Ăn sóng nói gió, giọng cười sang sảng, có thể kiêm một người hướng dẫn viên kể vanh vách về từng hang núi, từng nhà bè trên vịnh, nhưng đặc biệt là cả xóm đò chỉ có dăm bảy người biết bơi. Bà Nguyễn Thị Nhiên cười: “Vậy mà chúng tôi vẫn chèo từ đời cha đời ông, mình ăn ở hiền lành là phúc tự nhiên về thôi!”.
Thúy Hằng
>> Hạ Long đón khoảng 15.000 khách mỗi ngày dịp Tết
>> Có nên “đồng phục trắng” cho đội tàu vịnh Hạ Long?
>> CEO Facebook: "Tôi đã có một đêm thú vị tại Hạ Long
>> CEO Facebook thăm Hạ Long bằng trực thăng
>> Quảng Ninh xin mở casino tại Vân Đồn
>> Quảng Ninh: “Hút” đầu tư bằng cơ chế
Bình luận (0)