Nữ giảng viên xinh đẹp: 'Chọn sai ngành không sao cả, nhưng…'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/02/2023 15:28 GMT+7

Lê Mai Anh tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương, vừa là doanh nhân điều hành công ty về truyền thông, vừa là giảng viên tại các trường đại học. Nữ giảng viên xinh đẹp chia sẻ về việc chọn ngành, cách người trẻ nuôi dưỡng đam mê.

Nữ giảng viên xinh đẹp: 'Chọn sai ngành không sao cả, nhưng…' - Ảnh 1.

Nữ giảng viên xinh đẹp Lê Mai Anh

NVCC

Thay đổi chính mình

Là giảng viên tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Văn Lang, chị Mai Anh còn là doanh nhân đang điều hành một công ty về truyền thông.

"Bất cứ khi nào có thời gian tôi đều mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, tạo động lực cho các bạn trẻ. Những câu chuyện tôi kể là kinh nghiệm, những bài học tôi từng gặp phải trong quá khứ, để các bạn không gặp phải những trở ngại như chúng tôi từng gặp", chị nói.

Mới đây nữ giảng viên xinh đẹp vừa ra mắt cuốn sách 60 phút thay đổi chính mình, đưa ra những lời khuyên cho người trẻ về thái độ sống tích cực, quan điểm chọn nghề, nuôi dưỡng tình yêu, sự đam mê với nghề, cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực...

Nói về ý tưởng ra đời cuốn sách, chị Mai Anh cho hay trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội do dịch Covid-19 năm 2021, chị và những người bạn là doanh nhân, lãnh đạo, người khởi nghiệp, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội… thực hiện các podcast thời lượng từ 60 phút chia sẻ với nhau các câu chuyện theo từng chủ đề. Từ các cuộc trò chuyện này, chị chắt lọc lại những thông điệp ý nghĩa, gửi gắm trong cuốn sách.

Nữ giảng viên xinh đẹp: 'Chọn sai ngành không sao cả, nhưng…' - Ảnh 2.

Mai Anh tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương, hiện vừa điều hành công ty, vừa là giảng viên

NVCC

"Ban đầu tôi định đặt tên sách là "60 phút thay đổi bản thân". Vào phút chót, tôi thay chữ "bản thân" thành "chính mình". Tưởng như "bản thân" và "chính mình" không có sự khác biệt nhưng không phải như vậy. Tôi muốn những ai đọc cuốn sách đều thấy hình ảnh của bản thân trong đó để có thể rút ra những lời khuyên có ích cho chính mình", chị chia sẻ.

Chọn sai cũng được, nhưng...

Học sinh THPT đang căng thẳng ôn thi và suy nghĩ về việc chọn ngành, chọn nghề sẽ theo đuổi. Đây không phải là một quá trình dễ dàng và không phải lúc nào cũng có sự thống nhất giữa ước mơ của con cái và nguyện vọng của mẹ cha. Trong các chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên, nhiều bạn còn mạnh dạn đặt câu hỏi làm cách nào để sớm "thoát" khỏi trường đại học để được đi làm?

Theo nữ doanh nhân Mai Anh, điều này là dễ hiểu vì nhiều người trẻ giữ tâm lý nóng vội, muốn đốt cháy giai đoạn, học chưa xong nhưng lại muốn đi làm, rồi đi làm một việc chưa tới lại muốn làm thêm mấy việc khác.

"Tôi muốn khuyên các bạn làm gì cũng cần có thời gian. Muốn độc lập tự chủ thì cũng phải đầy đủ kỹ năng. Các bạn còn cả một hành trình sự nghiệp dài trước mắt nên một vài năm hay một vài tháng sẽ chưa giải quyết được điều gì. Nhiều bạn được tự do chọn ngành, chọn nghề cho tương lai, nhưng một số khác thì không. Các bạn chịu sự định hướng, tác động nhiều của cha mẹ. Vậy khi ấy, chúng ta cần làm gì? Tôi biết nhiều tấm gương về việc rẽ hướng sự nghiệp không ngờ, như không học thanh nhạc nhưng vẫn có thể thành nghệ sĩ nổi tiếng. Hay tôi quen một vận động viên bơi lội, khi trưởng thành bạn bén duyên làm MC", chị Mai Anh nói.

Nữ giảng viên xinh đẹp: 'Chọn sai ngành không sao cả, nhưng…' - Ảnh 3.

'Chọn sai ngành, không sao cả, nhưng đừng từ bỏ đam mê'

NVCC

Theo nữ giảng viên, quan trọng với mỗi học sinh, sinh viên đó là mình "thích", mình "mê" nghề tới đâu và mình đã thể hiện rõ cho phụ huynh thấy được điều đó hay chưa.

"Trong thời điểm chọn ngành, chọn nghề cho tương lai, học sinh hãy xác định rõ mục tiêu, sở trường, sở đoản của mình. Mức độ kỳ vọng, sự phấn đấu đến đâu, sự chuẩn bị tinh thần, tài chính như thế nào. Tầm nhìn vào tương lai của nghề nghiệp mà bạn theo đuổi trong 3-5 năm tới. Và cuối cùng, không sao cả nếu bạn chọn sai. Chúng ta vẫn có thể làm lại, miễn là bạn không từ bỏ mà thôi", chị Mai Anh trao đổi.

Ai cũng có lúc cảm thấy quá tải vì công việc và những mối lo lắng ngoài đời thường. Đâu là cách để vượt qua?

Theo nữ giảng viên và nhà điều hành doanh nghiệp, có 4 điều để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Đó là luôn tự tin vào chính mình, chưa biết thì phải học, học rồi thì sẽ biết; duy trì thái độ sống lạc quan; có một đời sống tinh thần phong phú với những thú vui nhỏ trong cuộc sống và mong muốn được cho đi, được làm vì người khác.

"Giải oan" cho Gen Z

Nữ doanh nhân, giảng viên cho biết bạn trẻ Gen Z rất năng động, thông minh, sáng tạo, thích ứng nhanh với môi trường nhưng cũng có một số những phản hồi không mấy tích cực về thái độ làm việc. Cụ thể là tính khí thất thường, làm theo hứng, không ép mình vào khuôn khổ, thích thì làm không thích thì thôi và đôi khi thiếu tinh thần trách nhiệm.

"Tất nhiên không phải ai cũng như vậy, cá nhân tôi luôn có những buổi định hướng cho các bạn Gen Z trước khi bắt tay vào công việc: tính chất công việc này cần gì, cần chuẩn bị tinh thần và thái độ nào để làm việc. Ngay khi chúng ta rõ ràng từ đầu thì tôi tin các bạn Gen Z hay thế hệ Alpha sắp tới đi chăng nữa cũng sẽ hiểu và đồng thuận. Với tôi, nguyên tắc làm việc để thành công đó là 70% nằm ở thái độ, 26% nằm ở kỹ năng và chỉ có 4% nằm ở kiến thức mà thôi", nữ giảng viên cho biết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.